Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Lương giáo viên, học thêm… và những mong chờ trong năm 2025

Năm mới Ất Tỵ đang tới và các học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh đang mong chờ những thay đổi tích cực của giáo dục Việt Nam.

Nói như vậy là vì những điểm nghẽn cần giải quyết như lương và thu nhập của giáo viên, vấn đề dạy thêm học thêm, cải cách thi cử… đều đã có những chủ trương, chính sách để mở đường cho đổi mới mạnh mẽ.

Hy vọng lương giáo viên sẽ được tăng ở mức cao nhất

Sau các đợt điều chỉnh tiền lương cho khu vực công vừa qua, lương giáo viên đã được tăng đáng kể so với nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, để các nhà giáo toàn tâm toàn ý làm việc, mức lương này cần tiếp tục được điều chỉnh.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bộ cũng đề xuất nâng 1 bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm. Lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác.

Mong rằng năm 2025 điều này sẽ thành hiện thực khi dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua và chính thức ban hành.

Lương giáo viên, học thêm… và những mong chờ trong năm 2025 - 1

Học sinh thi cuối cấp ở TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Hy vọng giải quyết dứt điểm những bất cập của dạy thêm, học thêm

Cuối năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư số 29 về dạy thêm, học thêm. Thông tư này công nhận việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng trong xã hội, nhưng quy định theo hướng đưa hoạt động này về đúng nghĩa tự nguyện, hạn chế tình trạng lạm dụng, gây nhiều bức xúc lâu nay.

Trong năm mới, cùng với thông tư trên, học sinh, sinh viên và cha mẹ các em mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra những cơ chế đồng bộ để có thể giải quyết dứt điểm những bất cập tồn tại lâu nay trong câu chuyện dạy thêm, học thêm; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai và kiểm tra việc thực hiện thông tư ở cấp cơ sở, có chế tài nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm.

Hy vọng cải cách thi cử bằng hệ thống đánh giá toàn diện

Trong năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều quy định mới về tổ chức tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 và đại học. Tuy nhiên những "thay đi đổi lại" này chỉ là biện pháp tình thế nếu cơ quan quản lý không thực sự tập trung cải cách các kỳ thi, chuyển đổi cách đánh giá học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học.

Theo đó, chúng ta cần xây dựng một hệ thống đánh giá toàn diện hơn, không chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức mà còn đánh giá kỹ năng mềm, khả năng tư duy và thành tích trong các hoạt động thực tế. Hệ thống đánh giá được thiết kế phù hợp với thực tiễn giáo dục của đất nước sẽ giúp khắc phục tình trạng loạn chuẩn, manh mún, các cơ sở giáo dục "mạnh ai nấy làm" theo các cách thức riêng.

Hy vọng tăng đầu tư cho hệ thống trường nghề và công tác hướng nghiệp

Hiện nay, cả nước có hơn 1.900 trường nghề, gồm 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ta đã có bước phát triển tích cực, đáng ghi nhận thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều trường nghề đang đứng trước khó khăn, thách thức khi trải qua quá trình sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thống nhất đầu mối quản lý.

Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2025, số trường nghề sẽ bị giảm ít nhất 20% so với năm 2020, trong khi chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Có thể nói đây là mục tiêu rất cao của Chính phủ. Mong rằng cùng với quá trình sắp xếp lại là sự quan tâm, đầu tư vào mạng lưới trường nghề để nâng chất lượng như mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cũng cần làm tốt hơn, giúp các em đưa ra các lựa chọn hợp lý, đáng tin cậy từ bậc PTCS trở lên. Đây là nền tảng để giảm bớt tâm lý phân biệt giá trị bằng THPT và bằng trung cấp nghề còn phổ biến trong xã hội. Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ giảm áp lực dồn lên hệ thống trường công phổ thông, đồng thời giảm bớt nhu cầu học thêm để cạnh tranh vào học lớp 10 công lập cũng như vào đại học theo phong trào.

Trong bối cảnh Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đột phá phát triển, thì giáo dục đào tạo càng cần được đầu tư, quan tâm hơn nữa để Việt Nam có nguồn nhân lực chất lượng cho công cuộc vươn mình của đất nước. Hy vọng vào một năm mới với những thành tựu mới.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!