Bớt học thêm hay bớt học đi?
Là người cha của 3 đứa con, tôi luôn mâu thuẫn với chính những quyết định của mình về việc có cho con đi học thêm hay không? Trái tim thì muốn 3 con mình rảnh rỗi, có thời gian vui chơi. Nhưng lý trí lại lo lắng vì những kỳ thi cam go phía trước, vì người người học thêm, nhà nhà học thêm, con mình liệu có bị rớt lại phía sau, lỡ cơ hội vào những ngôi trường tốt hơn mai này?
Tôi cũng như nhiều cha mẹ coi việc đầu tư học hành cho con cái là đầu tư khôn ngoan và chính đáng. Bởi cho dẫu vợ chồng tôi có kiếm tiền tỷ, mua cả chục căn nhà, nhưng con mình học hành làng nhàng, miệng ăn núi lở, đến lúc sẽ tiêu sạch tiền cha mẹ kiếm ra. Tệ hơn, tư tưởng học ít thôi, chơi đi đã một khi "ăn vào máu" rồi thì mai này khi cha mẹ không còn, chúng sẽ ra sao?
Vậy nên đầu tư vào giáo dục chính là tặng con chiếc cần câu thay vì chỉ cho con những con cá ngày này qua ngày khác. Tôi đã từng chứng kiến những người bạn của mình không được cha mẹ đầu tư thích đáng cho việc học hành, khiến họ học hành như chơi, chỉ đủ điểm đỗ những ngôi trường làng nhàng, chơi với những người bạn làng nhàng và giờ làm những công việc làng nhàng, thậm chí chẳng đủ nuôi sống bản thân, vẫn bám víu "bầu sữa mẹ". Đến cả con cái họ cũng nhờ ông bà nội, ông bà ngoại đóng học phí giùm.
![Bớt học thêm hay bớt học đi? - 1 Bớt học thêm hay bớt học đi? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/WG-P9mCW-OvBC_0B9dC_IM5yHWM=/2025/02/11/z5744524156561a24465564b53c4f816-1-1739031562485-1739283277977.jpg)
Học sinh tiểu học tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).
Tất nhiên, đó không phải là lý do để tôi phản đối Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về học thêm, dạy thêm (áp dụng từ 14/2). Tôi đồng thuận cùng Thông tư 29. Vì trái tim của người cha, người mẹ nào cũng xót xa nếu như con cái đi học thêm đến "suy dinh dưỡng tinh thần".
Và đương nhiên, với tư cách của một nhà báo, tôi cũng phẫn nộ với những thầy cô biến việc học thêm thành cơ hội kinh doanh, ép học sinh phải đi học thêm. Bởi chính tôi từng là nạn nhân của học thêm.
Những năm 1980 - 1990, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã thấm thía việc mình là học sinh ngoan hay cá biệt, điểm số thế nào tùy vào việc cha mẹ có cho con đi học thêm lớp cô giáo chủ nhiệm hay không? Thậm chí, con gái của cô giáo khi ấy mới học lớp 10 cũng kiếm ra tiền nhờ việc làm trợ giảng cho mẹ, soạn giáo án giùm mẹ, quản lý lũ học sinh của mẹ chỉ kém mình vài tuổi…
Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ loại bỏ đi những yếu tố tiêu cực bao năm qua. Theo đó, thầy cô không được dạy thêm ngoài nhà trường thu tiền học sinh chính khóa, nếu có dạy thêm trong nhà trường là vì tâm huyết, lo lắng cho học trò của mình và phải miễn phí. Những trường hợp đứng ra tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền thì phải đăng ký kinh doanh; thầy cô nào đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường thì phải báo cáo với hiệu trưởng…
Nhưng nhiều điều trong Thông tư 29 là chưa rõ, ví dụ không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, các cháu sẽ chỉ bồi dưỡng kỹ năng sống, thể dục thể thao, nghệ thuật. Tuy nhiên, tiếng Anh rất quan trọng và cần được "rèn" từ bậc tiểu học, vậy môn học này được xếp vào nhóm "kỹ năng" hay không? Rồi gia sư có xem là dạy thêm, nếu là dạy thêm thì quy định áp dụng với cả sinh viên hay chỉ với thầy cô?
Có thể hiểu được vì sao không chỉ nhiều giáo viên hoang mang, mà cả chính các cha mẹ cũng bối rối không kém trong lúc này. Hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn trong những ngày tới.
Bớt học thêm hay là bớt học đi? Tôi tự hỏi điều đó không chỉ khi mọi người nóng lên chuyện Thông tư 29. Bởi thứ chúng ta cần bớt vốn không phải chuyện học thêm, dạy thêm mà là xử lý những trường hợp học thêm, dạy thêm biến tướng. Là cách chúng ta tổ chức các kỳ thi để lũ trẻ không đi học thêm vẫn có thể bằng nỗ lực tự học đỗ được vào các ngôi trường tốt hơn. Là cách mà chúng ta dạy và học theo phương pháp thay vì tầm chương trích cú, luyện đi luyện lại dạng đề chỉ để đua xem đứa trẻ nào thuộc bài hơn đứa trẻ nào.
Xa hơn nữa, là tinh thần tự học thay vì kèm cặp, giám sát, kè kè thước kẻ trên tay. Thầy cô trên lớp không còn là "bà tiên" gõ đũa phép "học thêm" biến một đứa trẻ điểm kém thành điểm cao. Chẳng phải thế sao khi mai này các em rời ghế nhà trường, chúng vẫn phải tự học mỗi ngày để phát triển thay vì "học trâu bò" chỉ để đỗ đạt rồi sau đó chữ thầy trả thầy, tốt nghiệp xong là kiến thức trong đầu… tự hủy!
Bớt học thêm chứ không phải bớt học đi, thưa các cha mẹ quan tâm đến học hành của con cái. Ở một thời đại chẳng chỗ làm nào là vĩnh viễn, từ bộ máy nhà nước cho đến các đơn vị trong khu vực tư nhân đều tổ chức theo hướng tinh gọn, thì kiến thức của con mới là của con chứ không còn là quyền năng của cha mẹ.
Mỗi đứa trẻ cần được học hành nhiều hơn thế hệ của chúng ta vì kiến thức ngày càng nhiều hơn, khó hơn. Chưa kể "kẻ thù" của con ta là trí tuệ nhân tạo (AI) nếu như chúng không có kiến thức để làm chủ AI, sử dụng AI như phương tiện. AI vẫn tự học mỗi ngày sao chúng ta lại tước đi quyền được học của con mình chỉ vì mình thấy con học khổ quá?
Trong lúc chờ hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 một cách chi tiết hơn, đúng thuốc đúng bệnh hơn, đừng bớt học thêm thành bớt học đi. Chúng ta chê bai các cha mẹ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore trong việc ép con học thêm, lè lưỡi với những kỳ thi khốc liệt của họ nhưng cha mẹ ơi, không lẽ con cái chúng ta thêm một thế hệ nữa lại chỉ tham gia các khâu gia công, làm thuê?
Để học thêm không chỉ là học nếm, tôi hằng mong ngành Giáo dục cùng các vị phụ huynh hãy ngồi lại cùng nhau vì những đứa trẻ cần học thật, cần "học để ấm vào thân" vậy.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!