Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Quản có lý!
Ngày 3/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư mới quy định về việc dạy thêm, học thêm. Khác với dự thảo trước đó đưa ra gây tranh cãi, thông tư này có rất nhiều điểm được sửa đổi phù hợp với thực tiễn dạy và học, cũng như đi theo xu hướng tiến bộ.
Theo đó, quy định mới không cấm các thầy cô dạy thêm học sinh theo lối "không quản được thì cấm". Cần phải nói rõ việc dạy thêm không hề xấu, chỉ xấu nếu như sai cách thức và phi giáo dục mà thôi.
Theo thông tư mới, các thầy cô thoải mái dạy thêm trong nhà trường theo các trường hợp sau: Một là cho các học sinh học yếu kém; hai là cho các học sinh khá giỏi cần bồi dưỡng; và ba là cho các cháu lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Nhưng với tất cả những lớp dạy thêm thì các thầy cô dạy miễn phí 100%. Thời lượng học thêm trong trường cũng được quy định mỗi môn học thêm không quá 2 tiết/tuần. Trường không được xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa, không dạy thêm trước các nội dung đương nhiên được học. Mỗi lớp dạy thêm không được quá 45 học sinh.
Đặc biệt là thông tư yêu cầu không được dạy thêm cho học sinh tiểu học.
Còn ở ngoài nhà trường, cá nhân tổ chức nào muốn dạy thêm thì cần phải đăng ký kinh doanh để có thể hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và đóng mọi loại thuế theo quy định của Nhà nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra yêu cầu các cơ sở dạy thêm cần công khai rõ ràng về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
Như vậy ở đây có thể hiểu rằng chỉ có các cá nhân và tổ chức tư nhân mới có thể mở ra các doanh nghiệp hành nghề dạy thêm thu tiền. Là vì căn cứ khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì các thầy cô giáo dạy trường công mà là cán bộ, công chức, viên chức sẽ không thể đứng tên mở doanh nghiệp.
Nhưng họ có thể đi dạy thêm tại các trung tâm tư nhân và sẽ phải tuân thủ theo hai quy tắc cơ bản. Một là những thầy cô này không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu học phí với các học sinh mà họ đang trực tiếp giảng dạy tại trường. Hai là họ phải báo cáo với hiệu trưởng trường công đang quản lý họ về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Theo tôi, quy định trên là hợp lý, nếu được thực thi tốt thì sẽ dẹp bỏ tệ nạn học thêm, dạy thêm vô tội vạ, bất hợp lý, là gánh nặng của học sinh và phụ huynh. Thông tư mới cũng sẽ góp phần thiết lập lại kỷ cương cần có trong học đường, thúc đẩy tôn sư trọng đạo, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các giáo viên giỏi thực sự có thể có thêm thu nhập nhờ năng lực của mình ngoài giờ làm việc bằng lao động chân chính.
Thông tư này cũng có thể được coi là một bước chuyển giúp cho giáo dục Việt Nam từng bước hội nhập với nền giáo dục của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Như đã nêu, vấn đề còn lại là ngành Giáo dục và các địa phương thực thi tốt thông tư bằng việc kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh với những hành vi sai trái và lạm dụng học thêm, dạy thêm.
Có thể nói cách quản lý học thêm, dạy thêm theo thông tư mới là "quản có lý". Cuối cùng, "trái bóng" học thêm như thế nào sẽ trở lại "chân" của từng phụ huynh, từng học sinh. Mỗi người làm cha mẹ cần phải suy nghĩ thật sự nghiêm túc về việc có nên chạy đua vì thành tích, chạy đua theo nhóm các cha mẹ học sinh khác để ép con đi học thêm theo ý mình hay không?
Mỗi học sinh cũng cần có được ý kiến riêng của chính mình để có thể học hay không học thêm những môn học mà các em thấy không cần thiết, qua đó để các em thêm hứng thú học tập.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!