Tâm điểm
Nguyễn Minh Hoàng

“Tẩy xanh” vào đề thi và trong cuộc sống

Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2025 thu hút các tranh luận về độ khó, nhưng có lẽ không phải tự nhiên những khái niệm như “carbon-neutral” (trung hòa carbon), “net-zero” (phát thải ròng bằng 0), hay “greenwashing” (tẩy xanh) được đưa vào nội dung câu hỏi. Trong các khái niệm này, “tẩy xanh” được cho là một thuật ngữ khó, tuy nhiên với những ai quan tâm đến môi trường thì “greenwashing” đã trở nên quen thuộc nhiều năm nay.

"Tẩy xanh" là hành vi của các công ty, tổ chức cố tình quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của họ là thân thiện với môi trường hơn thực tế, nhằm mục đích tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng hoặc che đậy những hành vi gây hại cho môi trường. Nói cách khác, đây là một hình thức quảng cáo hoặc tiếp thị lừa dối, trong đó các công ty sử dụng hình ảnh, nhãn mác, hoặc tuyên bố gây hiểu lầm để khách hàng tin rằng họ đang ủng hộ một sản phẩm hoặc dịch vụ xanh, trong khi thực tế, sản phẩm hoặc dịch vụ đó không hề thân thiện với môi trường.

Trong thực tế chúng ta thấy không ít công ty, tổ chức có hành vi “tẩy xanh” đã bị phơi bày trên báo chí những năm qua và nhận về hệ quả tiêu cực. Đó là ở cấp độ tổ chức, với mỗi cá nhân thì làm sao để không rơi vào “tẩy xanh”? Đây là câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng “nói thì dễ, làm mới khó”. Khi nói về bảo vệ môi trường, ai cũng dễ dàng đồng ý. Các phong trào bảo vệ cây xanh có rất nhiều người tham gia. Nhưng lối sống xanh, thân thiện với môi trường bắt đầu từ những việc nhỏ trong ngôi nhà và cuộc sống hàng ngày của mỗi người, chứ không chỉ là cây xanh ngoài đường hay môi trường trên núi, dưới biển.

“Tẩy xanh” vào đề thi và trong cuộc sống - 1

Một thanh niên ở Hà Nội dùng rất nhiều túi nilon khi đi chợ (Ảnh minh họa: Toàn Vũ)

Chẳng hạn, dùng túi nilon rất thuận tiện trong sinh hoạt, mua sắm, từ đi chợ mua thực phẩm cho đến thu gom rác ở bếp…, liệu bạn đã vượt qua được sự thuận tiện này để nói không với túi nilon?

Trung bình mỗi năm người Việt Nam xả ra khoảng 31,4 tỷ túi nilon, phần lớn không được tái chế, gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai và chuỗi thực phẩm. Nhưng túi nilon chỉ là một lát cắt nhỏ phản ánh thói quen tiêu dùng. Cuộc sống hàng ngày còn vô vàn những câu chuyện khác thử thách mức độ ưu tiên của chúng ta với môi trường.

Một vài ví dụ: Khi đi nghỉ ở khách sạn, bạn để nhân viên thay khăn tắm, vỏ chăn, vỏ gối, ga trải giường mỗi ngày theo tiêu chuẩn hay sẽ treo tấm biển “không dọn phòng” nếu thấy phòng mình chưa cần dọn. Đi ăn buffet ở nhà hàng, bạn để nhân viên dọn chiếc đĩa đã ăn hết thức ăn hay giữ lại tiếp tục sử dụng nếu việc thay đĩa mới là chưa cần thiết. Sử dụng đồ uống ở quán, bạn sẽ dùng ống hút hay uống trực tiếp từ cốc nếu thấy ống hút là không cần thiết? Nhiều người tin rằng ống hút làm từ tre, gỗ, giấy, hay inox là “xanh” hơn nhựa PE. Nhưng thực tế nhiều khi chúng ta hoàn toàn có thể uống trực tiếp mà không cần đến ống hút. Mỗi hành động như vậy, bạn góp phần tiết kiệm một ít nước và chất tẩy rửa đổ ra môi trường.

Tôi đoán nhiều bạn sẽ nói rằng “mấy chuyện đó nhỏ quá”. Vâng, đúng là chuyện nhỏ, cũng như một túi nilon là chuyện nhỏ, nhưng nếu không hạn chế từng túi nilon được sử dụng thì chúng ta sẽ không bao giờ thay đổi được con số 31,4 tỷ túi nilon xả ra môi trường mỗi năm ở Việt Nam.

Bản thân tôi không dám tự nhận mình là người hành động vì môi trường, nhưng làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội, nên tôi luôn suy nghĩ về vấn đề này và cố gắng ở mức cao nhất những gì có thể làm được. Nhà tôi có ba thùng rác: một thùng đựng rác hữu cơ, một thùng đựng rác vô cơ, và một thùng đựng chai lọ, thùng carton có thể bán ve chai. Nhưng thú thật là các thành viên trong gia đình tôi thường để lẫn lộn. Tôi trở thành người làm nhiệm vụ phân loại lại trước khi mang ra khu chứa rác của chung cư. Vỏ hộp, chai lọ và thùng carton tôi để riêng để người lao công dễ nhận biết và đem đi bán nếu họ muốn.

Tôi tin rằng, những việc nhỏ, nhìn qua tưởng chừng không đáng kể, nhưng chính là sự khởi đầu của thay đổi. Câu chuyện phân loại rác trong gia đình, hay việc từ chối một chiếc ống hút, giữ lại một chiếc đĩa, phần nào phản ánh một thực tế lớn hơn: thay đổi hành vi tiêu dùng, lối sống để góp phần giảm rác thải nhựa và phát thải carbon.

Dĩ nhiên những hành động nhỏ ấy sẽ không thay đổi được điều gì lớn lao ngay lập tức. Nhưng trước hết, nếu bạn nói rằng bạn yêu môi trường thì “lời nói đi đôi với việc làm” là cách tốt nhất để không rơi vào tình huống “tẩy xanh”; hơn nữa, nếu chúng ta không bắt đầu, sẽ chẳng có thói quen mới nào hình thành. Lối sống và cách con người tiêu dùng ngày nay là một trong những yếu tố - theo tôi là quan trọng nhất - quyết định đến tương lai hành tinh xanh, quyết định bầu không khí trong lành hay ô nhiễm, đất đai có bị phủ đầy rác nhựa và hóa chất độc hại hay không…

Cũng chính thái độ của người tiêu dùng về cách doanh nghiệp ứng xử với môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ điều hướng chiến lược của họ, buộc họ phải lựa chọn chiến lược phát triển bền vững và thấu hiểu cái giá phải trả nếu chạy theo hình thức, “tẩy xanh”.

Trong một thế giới mà mỗi người đang phát thải trung bình 4,5 tấn CO2 mỗi năm (theo dữ liệu của Our World in Data) thì mọi nỗ lực, dù nhỏ, đều có ý nghĩa. Trái đất này không chỉ thuộc về thế hệ chúng ta, mà còn là nơi con cháu chúng ta sẽ phải sống và hít thở trong nhiều thế kỷ tới. Nếu có điều gì để lại cho họ, tôi mong đó sẽ là bầu không khí trong lành, những dòng sông, bãi biển sạch, v.v., và một thói quen tiêu dùng tử tế hơn với tự nhiên.

Cuối cùng, hôm nay là ngày thế giới nói không với túi nilon (ngày 3/7 hàng năm), chúng ta hãy cùng nhau “bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống”.

Tác giả: Ông Nguyễn Minh Hoàng có bằng cử nhân Tâm lý học và bằng Thạc sĩ Công tác xã hội từ Đại học Quốc gia Hà Nội; làm việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và thúc đẩy thực hành ESG của các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!