Thói quen xấu: Dùng túi nilon, người tốn bạc triệu, người vô tư xả rác
(Dân trí) - Phải mất khoảng 500 năm một chiếc túi nilon mới có thể phân hủy. Tuy nhiên, mỗi lần đi chợ, bà Hoa thường xách về hàng loạt chiếc túi loại này, sau khi trút bỏ thực phẩm, bà liền vứt chúng ra sọt rác.
Từ những núi nilon ngồn ngộn thải ra từ bãi rác dân sinh, rác của các công ty điện tử, may mặc, từ nước ngoài nhập về… qua những quy trình thô sơ bẩn thỉu, những chiếc túi nilon mới tinh lại được ra lò trở về với đời sống, phục vụ mọi nhu cầu của người dùng.
Việc sử dụng túi nilon hiện nay vẫn đang là thói quen khó bỏ của nhiều người. Dạo quanh các khu chợ dân sinh ở Hà Nội, PV Dân trí dễ dàng quan sát thấy chiếc túi nilon hiện diện trong mọi hoạt động mua sắm của người dân.
Với "ưu điểm" gọn nhẹ, giá thành thấp, túi nilon đang là vật dụng ưa thích của đông đảo người bán và người mua.
Chị Nguyễn Thị Lài (tiểu thương bán rau củ quả ở một khu chợ thuộc phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, một buổi chợ chị sử dụng hết khoảng 3 - 4 kg túi nilon (các loại túi 1kg, 2kg, 5kg).
"Mỗi cân túi tùy độ dày mỏng dao động khoảng trên dưới 50 chiếc, tính trung bình tôi cần khoảng 150 - 200 túi một ngày. Những ngày lễ, Tết khách mua hàng nhiều thì số lượng túi nilon sử dụng còn nhiều hơn. Tính ra mỗi tháng tôi tốn khoảng 2-3 triệu đồng tiền túi bán hàng", chị Lài cho biết.
Quả thực chỉ đứng quan sát một lúc tại quầy hàng của chị Lài có thể thấy người mua nào cũng sử dụng túi nilon đựng thực phẩm, rau, củ. Nhiều người yêu cầu đựng mỗi loại rau, quả một túi riêng. Có người xin thêm hai ba chiếc túi để xách hàng các loại quả nặng như cam, bưởi vì sợ quai túi không chắc.
Theo bà Trần Thị Mai (chủ quầy bán tạp hóa ở chợ Hà Đông), các loại túi màu xanh lá cây, màu xanh lam, màu vàng, màu đỏ có giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Loại màu trắng trong là đắt nhất, có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Mỗi tháng bà tốn cả triệu đồng để mua túi nilon phục vụ cho việc buôn bán.
Tại chợ An Khánh (Hoài Đức), bà Lê Thị Hoa (50 tuổi) đang tất bật mua thức ăn tối cho gia đình. Trên tay lái xe máy của người phụ nữ này treo khoảng 5 chiếc túi đựng rau cải, xương, thịt quay, rau thơm.
"Cách đây vài chục năm, tôi còn xách giành, mang thúng đi chợ mua hàng. Tuy nhiên, ngày nay túi nilon rất rẻ và tiện, đến đâu mua hàng cũng sẵn nên cứ thế tay không đi chợ thôi", bà Hoa cho hay.
Những chiếc túi nilon sau khi hoàn thành xong "sứ mệnh" vạn năng như đựng thực phẩm, rau, quả, hàng hóa thậm chí cả rác bẩn, chất thải… lại được đưa ra các xe rác.
Lâu nay, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn đã tốn nhiều công sức kêu gọi người dân phân loại rác thải tại nguồn thành rác dễ phân hủy, rác khó phân hủy (như nilon, nhựa), rác tái chế (giấy báo, bìa carton). Song trên thực tế, bài toán này gần như thất bại tại nhiều địa phương.
Một công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội làm việc tại khu vực Mỹ Đình cho biết, rác rưởi thường được người dân cho hết vào một túi rồi đưa ra các xe đẩy. Các loại rác rưởi trộn hổ lốn làm một, lượng túi nilon, rác thải nhựa thì nhiều vô kể.
Số túi nilon người dân thải ra hàng ngày cùng vô số các loại rác thải sau đó sẽ được đưa về các bãi rác để tiêu hủy, chôn lấp hoặc lọc ra bán cho các làng tái chế ở Hưng Yên, Bắc Ninh... mà chúng tôi sẽ đề cập tới đây.
Rác thải nilon quả thực đang là một vấn đề nhức nhối và được các ban ngành về môi trường ở nước ta tìm nhiều giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, đại đa số bộ phận người dân vẫn còn thờ ơ trước vấn nạn này. Nhiều người vẫn sử dụng các loại túi nilon một cách tràn lan, vô tư.
Theo các chuyên gia về môi trường, hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người.
Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích cho sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, nó chính là tác nhân ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe.
Ở Việt Nam, thống kê bình quân cho thấy mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon trong một tháng, riêng Hà Nội và TPHCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, chất thải nhựa và túi nilon tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trở thành một thách thức rất lớn đối với cộng đồng và quá trình phát triển bền vững lâu dài.
Việc sử dụng tràn lan túi nilon ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe, song hiện nó vẫn là thói quen xấu khó bỏ của nhiều người Việt.