Tai nạn giao thông: Vấn đề chủ yếu vẫn là ý thức mỗi người
Dịp Tết vừa qua tôi có chuyến du xuân hàng nghìn km từ Hà Nội vào miền Trung trên nhiều loại đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị, đường liên huyện, liên xã…, và có những trải nghiệm rất đáng nhớ trong quá trình lái xe, nhiều khi căng thẳng để vừa chấp hành đủ các loại biển báo quy định về tốc độ, dừng - đỗ, đoạn đường được vượt - cấm vượt…, vừa chủ động phòng tránh tai nạn mà những người điều khiển phương tiện khác có thể gây ra cho mình.
Điều dễ thấy là hạ tầng giao thông nhìn chung đã được cải thiện đáng kể so với nhiều năm trước, nổi bật nhất là hệ thống đường bộ cao tốc. Tuy nhiên tình trạng ô tô chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu trên đường vẫn còn nhiều, tập trung ở những đoạn đường cao tốc, quốc lộ chưa hoàn thiện hoặc không có hệ thống camera giám sát như cao tốc từ QL 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu. Nguy hiểm nhất vẫn là những đoạn đường chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách ở giữa như đường Hồ Chí Minh, hay cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Túy Loan.
Khi gặp các tài xế liều lĩnh vượt lên với tốc độ cao, dù đó là đoạn đường đã có biển báo "cấm vượt", phản ứng của tôi là "tránh voi chả xấu mặt nào", nép sang lề phải cho an toàn!
Không trực tiếp chứng kiến nhưng qua báo chí tôi được biết một số vụ tai nạn đã xảy ra do tài xế đi ẩu. Chẳng hạn vụ tai nạn giữa hai ôtô đầu kéo rạng sáng 18/12 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến 1 người chết, 2 người bị thương nặng là hậu quả của việc 2 xe đi ngược chiều, lấn làn nhau gây ra.
Hay vụ xe khách tự gây tai nạn rạng sáng 23/1 trên cao tốc La Sơn - Túy Loan, đoạn qua Đà Nẵng, do lái xe thiếu kinh nghiệm khi ôm cua, khiến xe lao xuống vực sâu, gây nên cái chết của 2 người và bị thương nhiều người.
Được đầu tư gần hơn 19.000 tỷ đồng, cao tốc La Sơn - Túy Loan nối Quảng Trị với Đà Nẵng dài trên 175 km hiện chỉ có 2 làn xe lưu thông ngược chiều nhau nhưng lại không có dải phân cách giữa, nhiều đoạn qua đồi núi quanh co, đêm và sáng nhiều sương mù, hạn chế tầm nhìn và tốc độ của lái xe.
Chỉ trong 1 tháng, ghi nhận tại km36, đã xảy ra 2 vụ tai nạn cách nhau khoảng 20 m. Ngoài vụ tai nạn xe khách rạng sáng 23/1 nêu trên thì cuối tháng 12/2023, một xe container khác cũng tự gây tai nạn, đâm vỡ hộ lan bê tông cốt thép cao 80 cm, lao xuống vực; may mắn là lái xe chỉ bị thương. Phòng CSGT Đà Nẵng cho biết, chỉ trong nửa tháng đầu năm nay đã xử lý gần 70 trường hợp vi phạm tốc độ trên cao tốc này.
Có thể nói trải nghiệm của cá nhân tôi cũng phù hợp với thống kê và nhận định của cơ quan chức năng, đó là tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó vấn đề chính vẫn là ý thức của tài xế.
Cứ sau mỗi đợt nghỉ lễ, nghỉ tết, một trong những con số thống kê được xã hội quan tâm nhất vẫn là số người chết vì tai nạn giao thông. Bởi có gì đáng quý hơn sự sống của con người!
20 năm trước, chúng ta từng gọi tai nạn giao thông là thảm họa quốc gia, khi nó cướp đi 14.000 sinh mạng và làm bị thương hơn 30.000 người (năm 2006). Trong đó 40% số người chết và bị thương là thanh niên; nhiều người trong số họ mất sức lao động vĩnh viễn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đến năm 2020, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm một nửa. Tiếp tục đà giảm, năm qua, cả nước xảy ra hơn 14.500 vụ tai nạn giao thông, số người tử vong tiếp tục giảm xuống dưới 7.000 người. Việc kéo giảm số vụ tai nạn giao thông và số người thương vong vì lý do này là kết quả rất đáng ghi nhận, dù chưa bao giờ là thỏa mãn.
Thực tế cho thấy, khi hạ tầng giao thông được cải thiện, Quốc lộ 1A có dải phân cách; đường cao tốc, cầu vượt được xây dựng…và việc tổ chức giao thông khoa học hơn, đã hạn chế rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra. Nhờ đó mà số vụ và số người thương vong vì tai nạn giao thông đã giảm mạnh trong mấy năm gần đây.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông luôn tồn tại song hành với quá trình phát triển, chỉ hạn chế đến mức thấp nhất chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn. Nhất là với một đất nước vừa đi ra từ đói nghèo, hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, người dân di chuyển chủ yếu bằng phương tiện cá nhân.
Báo cáo của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 15/2 cho thấy, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng chức năng toàn quốc đã xử lý hơn 29.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 16.756 trường hợp vi phạm về tốc độ, 114 trường hợp dương tính với ma túy; 162 trường hợp chở quá tải, gần 690 phương tiện vi phạm chở quá số người quy định.
Đó là những lỗi vi phạm thuộc về ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.
Trong khi cơ quan chức năng hoàn thiện báo cáo về tình hình giao thông 7 ngày nghỉ Tết thì trên khắp các nẻo đường, dòng người và phương tiện giao thông vẫn ùn ùn di chuyển và số vụ tai nạn vẫn tiếp tục được ghi nhận. Đau đớn nhất là trường hợp 4 thanh thiếu niên ở Lào Cai đi trên 2 xe máy, đã tử vong chiều mùng 4 Tết khi chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội- Lào Cai và tông vào ô tô của Công ty môi trường.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết, 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định về tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn... Đáng chú ý có nguyên nhân từ xe mất phanh, không làm chủ tay lái và phương tiện vận tải đã hết hạn kiểm định.
Thật khó có thể kể hết muôn kiểu vi phạm gây ra những vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ trong những năm qua. Từ việc lái xe không làm chủ tốc độ, lấn làn, giành đường vượt ẩu, chạy ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, đến lái xe trong tình trạng đã uống rượu bia, thậm chí là dương tính với ma túy…
Thực tế này cho thấy, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Nhưng hạ tầng, phương tiện có tốt đến mấy đi nữa mà người tham gia giao thông ý thức kém, không tự giác chấp hành qui định pháp luật về an toàn giao thông thì tai nạn vẫn cứ xảy ra, thiệt hại về tài sản, đau thương mất mát về con người, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội là điều không thể tránh khỏi.
Tình hình trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn được đánh giá là cơ bản đảm bảo, nhưng chúng ta vẫn đứng trước một thực tế là với hơn 540 vụ, tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống của 214 con người và làm bị thương 504 người. Đó là con số rất đau buồn, dù chúng ta đã rất cố gắng kéo giảm những con số không mong muốn ấy bằng mọi biện pháp.
Vì vậy, cùng với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, giải quyết các điểm đen tai nạn, thu hồi và loại bỏ xe cũ nát…, thì tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân là điều hết sức cần thiết. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt, áp dụng các hình thức hạn chế tham gia giao thông, thậm chí là tăng cường xử lý hình sự theo đúng quy định với những người cố tình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông cũng là cách để răn đe, hạn chế những hậu quả đáng tiếc.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!