Xử phạt vi phạm giao thông: "Cây gậy và củ cà rốt"
Năm 2010, khi sống ở Vương quốc Anh (UK), tôi nhận được thư gửi đến nhà thông báo chiếc xe tôi chạy đi làm hàng ngày đã vượt quá tốc độ cho phép. Vợ tôi đứng tên chủ xe, nhưng hình chụp tài xế là nam giới, nên thư yêu cầu người lái xe xác nhận. Tôi điền tên mình vào mẫu, bỏ vào bao thư có sẵn địa chỉ rồi gửi đi.
Lúc đó tôi rất lo lắng sẽ bị trừ 3 điểm bằng lái. Tài xế bình thường có 12 điểm, song người mới nhận bằng lái như tôi chỉ được 6 điểm cho hai năm đầu. Nếu bị trừ, tôi chỉ còn 3 điểm và phạm thêm một lỗi là tôi sẽ mất bằng lái, sẽ phải đi làm bằng tàu hỏa, đi siêu thị bằng xe bus, và các chuyến đi chơi với gia đình nguy cơ tạm gác lại.
Luật giao thông nghiêm ở Anh buộc tôi và những người mới có bằng lái phải thật cẩn thận, giữ kỷ luật trong 2 năm đầu.
"Cây gậy và củ cà rốt"
Ít ngày sau, giấy phạt được gửi đến nhà, cho biết tiền phạt sẽ giảm 50% nếu tôi nộp phạt trong vòng 2 tuần, và tôi sẽ bị trừ 3 điểm bằng lái. Lá thư cũng cho biết nếu tôi tham gia khóa học nhận thức về tốc độ (Speeding Awareness Course), tôi sẽ không bị trừ 3 điểm.
Cảm thấy nhẹ nhõm, tôi đóng ngay tiền phạt cùng chi phí khóa học, và chọn một ngày cuối tuần để đăng ký học. Trong khóa học, tôi và những người khác phải làm một bài trắc nghiệm nhỏ, rồi xem video về một tai nạn thảm khốc ở nước Anh vì lỗi quá tốc độ trên cao tốc, gây nhiều thương vong.
Tôi được giới thiệu thêm các mối nguy hiểm về tốc độ, tại sao tốc độ giới hạn qua các khu dân cư là 50km/h và trường học là 30km/h. Tôi cũng được ôn lại tốc độ giới hạn mặc định tại các loại đường có cấp khác nhau cùng nhiều vấn đề khác. Cuối buổi học, tôi phải làm thêm một bài trắc nghiệm để kiểm tra những gì đã học.
Đó là cách người Anh đã uốn nắn tôi, khi tôi phạm một lỗi quá tốc độ. Cùng một lúc, tôi nhận được cả "cây gậy và củ cà rốt", vừa đóng phạt vừa học thêm nhiều điều để có ý thức giao thông tốt hơn. Trải nghiệm này giúp tôi thấy chế tài không chỉ để phạt một cách khắt khe, cũng không bị lạm dụng.
Mục đích chính của việc xử phạt không chỉ nằm ở "cây gậy" giơ cao răn đe. Trong thực tế nếu công dân có ý thức tuân thủ thì nhà chức trách chỉ "đánh khẽ" thông qua các biện pháp giáo dục khác.
"Cây gậy và củ cà rốt" cũng được áp dụng trong bảo hiểm ở UK. Những người trẻ mới có bằng thì chi phí bảo hiểm cao, hơn 60 triệu đồng/năm. Chi phí bảo hiểm sẽ giảm nếu các bạn trẻ cài đặt thiết bị theo dõi tốc độ xe. Thiết bị này giúp công ty bảo hiểm biết được phong cách lái xe an toàn hay bất cẩn. Nếu lái xe an toàn thì phí bảo hiểm giảm đi và ngược lại.
Tương tự, những người đã phạm lỗi giao thông thì phí bảo hiểm tăng lên. Và những người không gây tai nạn thì chi phí bảo hiểm được giảm từng năm. Cách làm này đã rèn luyện cho các bạn trẻ thói quen lái xe cẩn thận và có trách nhiệm ngay từ rất sớm. Cùng nguyên tắc uốn nắn từ sớm này, việc rèn luyện ý thức giao thông còn được áp dụng trong việc sát hạch bằng lái xe một cách khắt khe tại UK.
Cũng cần nói thêm, khi tai nạn giao thông xảy ra, nếu lỗi do ai, thì công ty bảo hiểm của xe đó có trách nhiệm bồi thường. Việc này đôi khi có thể bị lạm dụng. Để chống lạm dụng, các công ty bảo hiểm sẽ tăng chi phí bảo hiểm cho xe gây tai nạn hoặc từ chối bán bảo hiểm.
Uốn nắn văn hóa giao thông từ thủa nhỏ
Trong lớp học tại các trường mẫu giáo hay tiểu học ở UK thường có treo khẩu hiện "listen to instructions first - Nghe hướng dẫn trước". Đối với trẻ em, khi bắt đầu làm gì thì cần phải nghe rõ hướng dẫn của thầy cô và người lớn trước. Còn đối với thầy cô, trẻ em như tờ giấy trắng, trước hết hãy dạy cách thực hành đúng để các em làm theo. Đừng để trẻ em tự làm theo ý mình, thành thói quen xấu, thì sau này sửa lại rất khó.
Nguyên tắc này được áp dụng trong việc giáo dục ý thức giao thông. Con trai tôi cùng các bạn đi học bằng xe đạp phải trải qua một lớp huấn luyện do cảnh sát đến trường dạy. Dĩ nhiên lớp học miễn phí. Con tôi được dạy luật giao thông, làm sao đạp xe an toàn, đội mũ bảo hiểm, mặc áo phản quang, xe phải đủ đèn và còi, v.v.
Tại Việt Nam, việc giáo dục ý thức giao thông tốt cho các em từ khi học tiểu học là cần thiết. Trong môn giáo dục công dân, cần bố trí các giờ dạy về văn hóa giao thông tốt một cách trực quan, sinh động, và có thực hành sẽ tốt hơn là chỉ dạy về các biển báo một cách tẻ nhạt.
Lái xe đúng luật còn là văn hóa và tiêu chuẩn của xã hội
Ở UK những người lái xe bất cẩn vô trách nhiệm có thể bị đánh giá thấp và bị châm biếm là những "cowboy driver - tài xế cao bồi". Tôi biết một người lái xe gây tai nạn dẫn đến cái chết của người khác đã bị trẻ em trong xóm dùng sơn xịt lên tường nhà là "kẻ giết người". Lái xe có văn hóa còn được xem là một chuẩn mực xã hội.
Ở UK hay UAE không có văn hóa ép rượu. Khi tôi nói "xin lỗi tôi không thể uống rượu vì lái xe" thì mọi người sẽ tôn trọng. Luật UK cho phép uống "một đơn vị rượu", tương đương một ly vang, hay một ly "hạt mít" rượu mạnh, hay một vại bia tươi. Với một đơn vị rượu, thì nồng độ cồn khoảng 80mg cho 100ml máu hoặc 0.035mg cho 100ml khí thở.
UK cho phép uống một đơn vị rượu có lẽ liên quan đến văn hóa, trước bữa ăn thì thường khai vị với 1 ly vang, hoặc tan sở thì làm một vại bia với đồng nghiệp. Tuy vậy UK có khẩu hiệu "no drink-drive", nghĩa là "đã lái xe thì không uống rượu, bia". Còn ở UAE và Trung Đông với văn hóa đạo Hồi, khi lái xe thì tuyệt đối không rượu, bia.
Đối với Việt Nam, giới hạn "một ly vang" rất khó áp dụng được vì có văn hóa ép rượu. Vậy nên quy định cấm tuyệt đối uống rượu trước khi lái xe là phù hợp. Ai uống rượu thì nên đi xe ôm hoặc taxi, kể cả cho ngày hôm sau vì lượng rượu trong máu vẫn còn cao.
Sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội
Tình trạng giao thông hỗn loạn ở các đô thị lớn tại Việt Nam đã trở thành chuyện thường ngày, những lỗi như đi quá tốc độ hay vượt đèn đỏ là khá phổ biến. Đôi khi tôi tự hỏi vì sao nhiều người Việt mình ra nước ngoài thường tuân thủ luật lệ giao thông khá tốt, nhưng ở trong nước thì lại coi vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè là chuyện bình thường?
Có thể do mức phạt. Mức phạt vi phạm giao thông ở Việt Nam hiện đã khá cao so với thu nhập trung bình, nhưng so với nhiều nước thì chưa là gì. Đơn cử lỗi vượt đèn đỏ ở Dubai (UAE) có thể bị phạt lên đến 330 triệu đồng.
Và cũng có thể là hành vi của mỗi người chịu ảnh hưởng bởi các thông tin đi vào đầu chúng ta. Ví dụ, một người Việt có thể vượt đèn đỏ ở trong nước vì thấy người khác vẫn làm như vậy, nhưng ra nước ngoài sẽ không bao giờ vượt đèn đỏ, vì không thấy ai làm thế cả.
Muốn xây dựng được văn hóa giao thông tốt thì cần kiên trì và nhất quán trong việc xử lý vi phạm giao thông. Hiện nay các ngã tư đều có gắn camera, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phạt nguội là việc có thể thực hiện. Ngoài xử phạt hành chính, người vượt đèn đỏ có thể bị thông báo về nơi làm việc. Chấp hành tốt luật giao thông nên trở thành tiêu chí để xét duyệt khen thưởng, nâng lương, và thăng tiến.
Năm 2019, danh thủ David Beckham phải tham dự phiên điều trần hành chính trước thẩm phán vì vừa lái xe vừa dùng điện thoại và bị một người dân phát hiện. Beckham đã thú nhận sai phạm. Phải ra tòa trình diện là một hình phạt nghiêm khắc. Những người nổi tiếng khi vi phạm giao thông thường nhận hình phạt nghiêm khắc hơn người thường.
Những sự việc như trên là chủ đề ưa thích của báo chí, và mạng xã hội. Chính quyền UK đã dùng sự việc này giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật. Mặt khác, người nổi tiếng như Beckham ý thức được ảnh hưởng của bản thân đến xã hội nên đã chọn cách ứng xử phù hợp và có trách nhiệm nhất.
Tại UAE, chính quyền cũng sử dụng báo chí và chạy quảng cáo trên mạng xã hội để truyền tải các thông điệp của chính phủ về an toàn giao thông. Ví dụ, các tai nạn lớn trên cao tốc đã được camera quay lại, phân tích lỗi, viết lời bình, rồi được đưa lên mạng xã hội để người dân rút kinh nghiệm, cũng như nói rõ lỗi như thế này sẽ bị phạt nặng như thế nào nhằm răn đe.
Văn hóa giao thông tốt là một chuẩn mực xã hội. Để xây dựng được chuẩn mực này cần có sự cố gắng và cam kết của toàn xã hội. Giáo dục văn hóa giao thông cho người dân từ sớm, cùng với đó phương pháp "cây gậy và củ cà rốt" sẽ giúp họ thấy tính răn đe, tính nhân văn và tính giáo dục của chế tài.
Phương tiện truyền thông và mạng xã hội cần được sử dụng để liên tục tạo nhận thức cho người dân. Với cách làm có phương pháp đúng và kiên trì, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng văn hóa giao thông tốt, an toàn, văn minh.
Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ Sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; ông cũng là chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!