Cao tốc hai làn đường và bài học từ vụ tai nạn thảm khốc
Chỉ trong năm qua, cả nước đã có thêm gần 500km đường cao tốc mới. Đó là con số đáng ghi nhận về nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Dù vậy, phải thừa nhận mức độ hoàn thiện của các tuyến cao tốc mới còn rất nhiều điều hạn chế, do chủ trương phân kỳ đầu tư.
Cá nhân tôi hoàn toàn tán thành việc phân kỳ đầu tư để có thể nhanh đưa vào sử dụng những con đường mới trong điều kiện thiếu thốn tài chính. Cho dù nhiều đoạn cao tốc chưa có phân cách cứng, chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, chưa có trạm dừng nghỉ, điểm cung cấp dịch vụ... nhưng cũng đã giải quyết được rất nhiều nhu cầu giao thông cho người dân, cho các địa phương.
Bởi, dẫu chất lượng hoàn thiện chưa đạt đến tiêu chuẩn cao tốc thực sự, tốc độ vận hành chỉ tương đương đường quốc lộ hỗn hợp, nhưng thêm một con đường là thêm một cơ hội giảm tải cho các huyết mạch cũ, và đặc biệt là những con đường mới chưa bị lấn chiếm hành lang an toàn, ít góc cua khuất tầm nhìn... Chủ trương liệu cơm gắp mắm, theo tôi là cần thiết, và hiệu quả. Tuy nhiên, khi chúng ta phải liệu cơm gắp mắm thì chúng ta nên ưu tiên tổ chức giao thông sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất theo điều kiện thực tế.
Trước khi viết bài này, tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ để tham khảo cảm nhận của những người thường xuyên lái xe về những tuyến đường gây ức chế và lo ngại nhất. Kết quả, đó là những tuyến đường được gọi là cao tốc nhưng hạn chế 2 làn đường (mỗi chiều đường một làn), như đoạn Yên Bái - Lào Cai thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 3 đoạn cao tốc mới từ Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan...
Những tuyến đường này có điểm chung là ngoài việc hạn chế 2 làn đường thì còn kẻ vạch liền toàn bộ, khoảng cách những điểm vượt xe từ 5 đến 10 km và các điểm vượt xe dài khoảng trên dưới 1km. Cá nhân tôi cũng đã trải nghiệm những đoạn đường này, và đồng cảm với những người tham gia cuộc khảo sát. Bởi đó thực sự là những đoạn đường lái xe vô cùng ức chế.
Khi chúng ta lái xe trên những cung đường thẳng, mặt đường khá tốt, không có phương tiện thô sơ, có hộ lan... nhưng thường xuyên phải đi chậm, có khi dưới tốc độ tối thiểu chỉ vì phía trước có một phương tiện không thể, hoặc không muốn đi nhanh, mà lại không được vượt thì sự ức chế có thể khiến chúng ta mất bình tĩnh dẫn đến những quyết định không đủ sáng suốt, như cố gắng bám sát xe phía trước để có thể nhanh chóng vượt khi đến điểm cho phép vượt.
Vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 18/2 vừa qua là một ví dụ buồn. Dù phải thừa nhận rằng người lái xe đã phán đoán tình huống không hợp lý, vượt nối đuôi xe khác, và cố vượt khi đã nhìn thấy vạch kẻ đường báo hiệu hết điểm vượt... nhưng lựa chọn ấy, thực tế lại không hiếm trên những đoạn đường kiểu này. Do việc bị ức chế vì phải lái chậm mà cấm vượt suốt quãng đường dài, trong khi điểm vượt xe lại quá ngắn, tốc độ khi vượt cũng không được phép quá lên để nhanh thoát, nếu lỡ sẽ phải tiếp tục một chặng dài nữa.
Tai nạn thương tâm của một người, có thể sẽ là bài học dành cho nhiều người. Nhưng bài học đó rất dễ quên trong trạng thái ức chế bởi tình huống giao thông thực tế. Và, hơn một lần, trên kênh phát thanh VOV Giao thông đã đề cập khái niệm hạ tầng cho văn hóa giao thông. Đó là văn hóa, hay nói cách khác là ý thức tham gia giao thông được quyết định phần lớn bởi hạ tầng giao thông. Khi hạ tầng phù hợp, thuận tiện cho việc tuân thủ thì ý thức tuân thủ sẽ tự nhiên tăng lên.
Một ví dụ rất dễ để so sánh trong việc di chuyển trên những tuyến đường hạn chế 2 làn. Đó là đoạn cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đoạn đường này cũng giống như những đoạn cao tốc ức chế tôi đã đề cập ở trên, hạn chế 2 làn, tốc độ tối đa 80km/h, kém một chút vì vẫn có đường ngang giao cắt và cho phép xe máy tham gia, hoàn toàn không có các điểm vượt hai làn. Đây là một tuyến đường di chuyển rất dễ chịu, sau 5 năm đưa vào sử dụng, hầu như chưa có bất cứ vụ tai nạn chết người nào. Lý do rất đơn giản: Tuyến đường này chỉ bị cấm vượt tại một số góc điểm khuất tầm nhìn, hoặc giao cắt đường ngang... và người lái xe rất ít khi phải chịu sự ức chế vì phải lẽo đẽo theo sau các xe đi quá chậm.
Nhiều người cho rằng, việc kẻ vạch liền toàn tuyến trên các cao tốc hạn chế 2 làn xe có lý do để hợp lý hóa việc thu phí đường cao tốc, vì như thế mới là cao tốc chứ không phải kẻ vạch đứt như quốc lộ thông thường. Tôi cố gắng không nghĩ thế, bởi nếu chỉ vì lý do ấy thì cuộc sống của chúng ta quá đáng buồn. Không đáng buồn sao được khi mà sự dễ chịu, thoải mái, và mạng sống của chúng ta bị tước đoạt chỉ vì những đồng tiền lẻ? Hy vọng không phải thế!
Đã đến lúc những nhà quản lý giao thông cần suy nghĩ lại về việc tổ chức giao thông cho những tuyến đường cao tốc mới, để việc hạn chế làn đường không trở thành rào cản hạn chế niềm vui và sự an toàn của người dân.
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!