Tâm điểm
Bích Diệp

Rồng "pikachu" và chuyện linh vật Tết Nguyên đán

Khoảng 3 tuần nữa là Tết Giáp Thìn, linh vật rồng đã dần xuất hiện ở nhiều nơi. Dù rồng là sản phẩm của trí tưởng tượng song trên các diễn đàn mạng xã hội, loạt hình ảnh linh vật rồng vẫn nhận được những đánh giá khác nhau, cho thấy cộng đồng luôn có quy chuẩn và yêu cầu nhất định dành cho tác phẩm trưng bày nơi không gian công cộng.

Nếu như cặp rồng ở chùa Vân An (TP Đông Hà, Quảng Trị) được làm bằng bê tông cốt thép rất sắc sảo, ngay cả khi chưa lên màu cũng thể hiện rõ vẻ uy nghi, thì linh vật rồng tại Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông lại "gây sốt" với sự rực rỡ, chứa đựng hy vọng về năm mới an khang thịnh vượng.

Rồng pikachu và chuyện linh vật Tết Nguyên đán - 1

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đang hoàn thiện mô hình rồng - linh vật Xuân Giáp Thìn năm 2024 (Ảnh: Đặng Dương).

Tại Phú Thọ, linh vật rồng năm nay được trầm trồ khen ngợi với vẻ đẹp mạnh mẽ, những đường nét bay bổng, mềm mại, gợi hình tượng về sự thành công, may mắn.

Cặp linh vật rồng khổng lồ xuất hiện trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng nhận nhiều lời khen ngợi "có hồn", nhờ thiết kế tinh xảo, đẹp mắt, thu hút đông đảo du khách tới chụp ảnh.

Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh gây tranh cãi, như linh vật rồng tại khu mua sắm Aeon Tân Phú (TPHCM). Với màu sắc đỏ, xanh là chủ đạo, các chi tiết được thể hiện tỉ mỉ, đôi mắt gây ấn tượng, có người thích thú cho rằng, đây là biểu tượng của quyền năng, lại có người nhận xét biểu cảm của rồng trông như đang giận dữ, có phần đáng sợ.

Hay như mô hình linh vật rồng tạo bằng cây xanh ở đường Võ Nguyên Giáp (TP Đồng Hới, Quảng Bình), có người nhận xét "đáng yêu", "ngộ nghĩnh", lại có những ý kiến chê bai "không hình dung ra con gì", "chỉ như con rắn gắn thêm vật trang trí ở đầu".

Tất nhiên, sự thành công của tạo hình linh vật phụ thuộc nhiều vào chất liệu và điều kiện sáng tác. Chẳng hạn như tạo hình trên cây cảnh sẽ không dễ dàng gì. Mô hình rồng ở Quảng Bình được tạo hình từ cây dương, một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương, phải mất nhiều thời gian chờ cho cây phát triển mới có thể cắt tỉa.

Những cây dương để tạo hình rồng trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp được trồng từ năm 2015 và thực tế cũng đã gây tranh cãi khi các hình ảnh về linh vật này được chia sẻ rộng rãi năm 2017. Đến nay, mô hình rồng ở đây vẫn chưa thật sự làm hài lòng người xem, dẫu vậy, nhiều người kỳ vọng, theo thời gian khi cây dương phát triển hơn thì hình ảnh linh vật cũng sẽ được hoàn thiện đẹp hơn.

Rồng pikachu và chuyện linh vật Tết Nguyên đán - 2

Mô hình rồng pikachu gây bão mạng xã hội năm 2017.

Cũng là tạo hình trên cây xanh, hẳn nhiều người chưa quên mô hình rồng "pikachu" ở Hải Phòng năm 2017. Chú rồng này nổi tiếng đến nỗi trở thành "chất liệu" để họa sĩ Thăng Fly tạo ra nhân vật Pikalong gây sốt mạng xã hội, tạo nên trào lưu trong giới trẻ, xuất hiện trên các sản phẩm thời trang hay trở thành bộ stickers trong ứng dụng chat.

Cũng may là chưa có những sản phẩm xấu tệ đến mức thảm họa khiến công chúng phát hoảng, "hú hồn" hay "cười vỡ bụng" như  "trâu ngáo ngơ" năm Tân Sửu 2021; "hổ ốm đói", "hổ lợn quay", "hổ lai linh cẩu" dặt dẹo dịp Tết Nhâm Dần 2022, "mèo lai chuột", "mèo như heo"… Tết Quý Mão năm ngoái.

Nếu như các con giáp khác dễ so sánh với hình ảnh thực tế, rồng là con giáp không có thật, song không phải vì vậy mà tưởng tượng theo chiều hướng khiến hình ảnh linh vật trở nên xấu xí và đánh mất đi tính biểu tượng của rồng.

Nói gì thì nói, rồng trong văn hóa phương Đông là biểu tượng cho sự linh thiêng, cao quý, quyền lực, thể hiện khát vọng phồn vinh, phát triển… Mà chẳng riêng gì rồng, bất cứ mô hình linh vật nào cũng vậy, một khi xuất hiện nơi công cộng, đặc biệt là ở những vị trí nổi bật trong đô thị, nếu không thể đảm bảo được thông điệp truyền tải thì không nên sử dụng để bày biện, trang trí làm gì! Có chăng cũng chỉ gây cười, nhận về sự chế giễu, không mang lại tác dụng, ý nghĩa gì về mặt văn hóa.

Thế nên, trình độ tay nghề và con mắt thẩm mỹ của đội ngũ thực hiện; sự quan tâm sâu sát và tỉ mỉ của đơn vị có thẩm quyền là rất quan trọng.

Nếu hai tượng linh vật rồng tại chùa Vân An đề cập ở trên là sản phẩm của nghệ nhân Đinh Văn Tâm (Quảng Trị), "cha đẻ" của mô hình linh vật hổ và mèo từng "gây sốt" các năm trước thì mô hình rồng ở Đắk Nông lại được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994. Điều đó có nghĩa là không phải mọi công trình đều do nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp thực hiện, trong nhiều trường hợp là những "tay ngang", nhưng chắc chắn để thành công, đạt được sự công nhận của công chúng thì phải có sự chăm chút, hay nói nôm na là "làm phải có tâm".

Xét về mặt chuyên môn, tôi tin là với hàng nghìn cử nhân ngành mỹ thuật công nghiệp, đồ họa, thiết kế cảnh quan tốt nghiệp hàng năm, chúng ta không thiếu người làm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức phải bài bản, chặt chẽ, từ khâu duyệt bản vẽ đến giám sát thực hiện, trưng bày; người thực hiện cũng phải có sự dụng tâm, dụng sức rất lớn. Nhất là với những công trình nổi bật ở các tuyến phố lớn, lãnh đạo địa phương phải thấy được tầm quan trọng về mỹ quan đô thị, là bộ mặt của địa phương, chẳng những phục vụ người dân trên địa bàn mà còn tạo ấn tượng, thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, việc trang hoàng đường phố, cảnh quan đô thị trong dịp lễ Tết còn phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách trang trải. Có những địa phương đầu tư lớn cho hoạt động này thì cũng có nơi phải "bó tay" vì thiếu tiền.

Chẳng hạn, đường hoa nghệ thuật Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Cần Thơ với kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng đã không thể thực hiện theo kế hoạch do khó vận động doanh nghiệp tài trợ. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, thành phố này đầu tư gần 20 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện dự án trang trí hoa và điện chiếu sáng dịp Tết năm 2024 nhằm phục vụ người dân, du khách vui chơi xuân.

Có 15 vị trí trang trí tại nhiều khu vực ở Đà Nẵng nhằm lan tỏa không khí xuân, xuyên suốt là hình ảnh linh vật rồng được thiết kế cách điệu với nhiều hình dáng tư thế, vừa đảm bảo sự uy nghi hùng mạnh, vừa có sự gần gũi phù hợp với văn hóa Á Đông. Các công nhân trong xưởng chế tác linh vật rồng ở địa phương này đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp đưa sản phẩm ra trang trí.

Vẫn hy vọng rằng, trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay, người dân cả nước đều sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh linh vật rồng đẹp mắt; hoạt động chuẩn bị Tết phục vụ nhân dân được thực hiện một cách chu đáo, tươm tất tại mọi địa phương, địa bàn trên cả nước.

Và trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức như hiện nay, hơn cả sự lộng lẫy của những mô hình rồng bay lên... chính là làm sao để những khát vọng, mong ước thịnh vượng của người dân sớm trở thành hiện thực.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!