Khi linh vật thành... trò hề

Hoàng Lam

(Dân trí) - Linh vật là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa dân gian, thể hiện khao khát về niềm tin, hạnh phúc. Bởi vậy, đừng biến biểu tượng thiêng liêng ấy thành trò hề…

Khi linh vật thành... trò hề - 1

Linh vật hổ được dựng tại khuôn viên một dự án đô thị ở Thanh Hóa được nhận xét "lưng thì con hổ, đầu thì không phải, còn cái mông thì như con lợn quay" (Ảnh: Thanh Tùng).

Những ngày giáp Tết, dư luận xôn xao khi hàng loạt linh vật hổ xuất hiện với hình thù kỳ dị, mang khuôn mặt được nhân cách hóa một cách ngờ nghệch. Từ những con hổ "ốm đói" ở Phú Thọ đến hổ "lai linh cẩu" dặt dẹo ốm yếu ở Tuyên Quang hay hổ "lợn quay" ở Thanh Hóa, thậm chí sự "sáng tạo vô biên" đã cho ra linh vật hổ "cổ giống hươu, dáng giống ngựa vằn còn mặt thì của sư tử biển" ở Cà Mau... khiến dân tình ngao ngán khi thấy xuất hiện tại nơi công cộng hay các điểm vui chơi, giải trí.

Theo dõi các linh vật hổ ở các địa phương được báo chí đăng tải trong thời gian qua, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho rằng không thể chấp nhận được bởi "nó quá tùy tiện, lộn xộn về mặt mỹ cảm" và "xúc phạm văn hóa dân gian".

Sau khi gây bão cộng đồng mạng, những linh vật xấu xí buộc phải tháo dỡ hoặc chỉnh sửa cho phù hợp. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên những linh vật - biểu tượng năm mới "gây bão mạng" mà hầu như cứ đến hẹn lại lên. Và mặc dư luận cứ chê cười thì năm sau lại xuất hiện những linh vật "gây sốc" và gây ngán ngẩm hơn năm trước.

Linh vật là một phần quan trọng của đời sống văn hóa dân gian, mang theo mong ước may mắn và bình an, vui vẻ. Đây là sản phẩm của sáng tạo bởi con người gắn liền với con vật biểu trưng cho một năm hoặc một sự kiện trọng đại nào đó. Ngoài ý nghĩa tâm linh, linh vật phải có tính thẩm mỹ và mang tính nghệ thuật cao.

Trở lại với linh vật hổ năm nay, có trường hợp được dựng ở trung tâm vui chơi công cộng, cũng có trường hợp chỉ là "cây nhà lá vườn", là sự sáng tạo của một vài cá nhân "tay ngang" dẫn tới xuất hiện những "phiên bản lỗi". Yêu cầu tất cả đều phải "lung linh", đảm bảo yếu tố đặc trưng của loài hổ và có tính nghệ thuật cao thì cũng có phần khiên cưỡng.  

Tuy nhiên, trong quan niệm dân gian, hổ là con vật tượng trưng cho sức mạnh, oai vệ, uy quyền và có ý nghĩa về mặt tâm linh. Bởi vậy, thật khó để chấp nhận con vật mang tính biểu tượng của cả năm ốm yếu, dặt dẹo và thậm chí là... kỳ dị "hổ không ra hổ, chó không ra chó" như thế. Mọi sự sáng tạo, dù chuyên nghiệp hay không đều phải đảm bảo yếu tố mỹ cảm và không được làm méo mó đi ý nghĩa tâm linh của nó.

Đặc biệt, với những linh vật được dựng, trưng bày ở không gian công cộng thì càng không thể tùy tiện. Không thể lý giải lấp liếm theo kiểu của "doanh nghiệp tặng", bởi không gian văn hóa chung không thể để ai làm gì thì làm, ai muốn mang gì ra trưng bày cũng được.

Có lẽ, linh vật nhận được sự đồng tình nhiều nhất thuộc về gia đình hổ sum vầy gồm hổ bố, hổ mẹ và 6 hổ con được trưng bày tại quảng trường Nguyễn Tất Thành (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Những chú hổ được nhận xét "nhìn như thật", mạnh mẽ, sống động cùng những đường nét tạo hình vui tươi, lạc quan mang thông điệp rõ ràng về những mong ước và niềm tin trong năm mới.

Ở đây không chỉ là linh vật mang đầy đủ ý nghĩa văn hóa tâm linh, có tính nghệ thuật mà còn thấy rõ dấu ấn về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tạo một không gian văn hóa vui tươi, lành mạnh phục vụ người dân du Xuân, đón Tết.   

Linh vật là một phần quan trọng của văn hóa dân gian, thể hiện khao khát niềm vui và hạnh phúc của con người. Do đó phải có quy chuẩn thẩm mỹ, không thể mạnh ai nấy làm, biến linh vật thành trò hề mua vui một cách dễ dãi.