Khoa học cơ bản có thể trở thành "ngành hot" ở Việt Nam?
Trả lời phỏng vấn báo Dân trí mới đây, TS Lê Viết Quốc - một trong những "bộ óc" quan trọng của Google về trí tuệ nhân tạo, cho rằng ở cấp phổ thông, Việt Nam đào tạo các môn khoa học tự nhiên rất tốt, nhưng lên đến đại học thì "đuối dần". Một trong những hàm ý của nhận xét này là chúng ta có nguồn nhân lực đủ tư chất để đi sâu vào các ngành khoa học cơ bản - những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá quy luật của tự nhiên và tạo ra kiến thức mới, như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học…, tuy nhiên giáo dục ở bậc đại học và cao hơn chưa phát huy được tiềm năng của người Việt ở mức cao nhất có thể.
Quả thực, với các bộ môn là nền tảng của khoa học cơ bản, chúng ta chứng kiến nhiều học sinh phổ thông của Việt Nam đạt thành tích cao ở các kỳ thi quốc tế, song sau đó các bạn này có xu hướng du học và thành công ở nước ngoài hơn là gắn bó với môi trường học tập, nghiên cứu trong nước.
Nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục, tôi chứng kiến không ít bạn trẻ dù có năng khiếu và học tốt tổ hợp khoa học tự nhiên ở bậc phổ thông, nhưng vì "chạy" theo "ngành hot - ngành được cho là thị trường đang có nhu cầu cao" nên đã từ bỏ việc theo học các ngành khoa học cơ bản ở bậc đại học, vì sợ học xong… không có việc làm.

Nhiều học sinh, sinh viên không muốn đi sâu vào các ngành khoa học cơ bản (Ảnh minh họa: CV)
Câu chuyện nhiều học sinh, sinh viên không muốn đi sâu vào các ngành khoa học cơ bản là một thực tế mọi người đều nhìn thấy, nhưng làm sao để thay đổi thì lại không dễ. Mới đây việc Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học các ngành khoa học cơ bản, đã trở thành một tín hiệu về nỗ lực tạo ra chuyển động mới.
Cụ thể, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất các ưu đãi trên là để góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học môi trường, Kinh tế, Quản lý, Ngôn ngữ của trường sẽ thuộc top 100-150 thế giới theo bảng xếp hạng QS (bảng xếp hạng đại học thường niên trên toàn thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds - Anh); các ngành Sinh học, Khoa học trái đất thuộc top 200-250. Thiết nghĩ, đây là một trong những nỗ lực quan trọng trong bối cảnh đất nước đang định hướng đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nỗ lực trên càng đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản ở nhiều đại học trong nước gặp tình trạng thí sinh không quan tâm, tuyển sinh kém. Một thống kê công bố từ năm 2023 cho thấy có những ngành khoa học cơ bản của Đại học Quốc gia TPHCM tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu, như: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường... Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.
Tính chung trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất (Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội) chỉ tuyển được 49-61% chỉ tiêu đặt ra.
Thực trạng trên khiến nhiều nhà quản lý đại học đã phải lên tiếng cảnh báo, rằng "khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nếu chúng ta không đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay". Đơn cử như PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM từng góp ý "người học chạy theo những ngành xu thế, ngành hot, còn những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm".
Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao cũng nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần có chính sách hỗ trợ đào tạo trong các ngành Nhà nước ưu tiên phát triển, các ngành khoa học cơ bản, các ngành công nghiệp nền tảng; khắc phục việc có lúc xem nhẹ nhóm ngành khoa học cơ bản…
Hãy xem bài học của các quốc gia khác khi phát triển khoa học và công nghệ, họ đã coi trọng khoa học cơ bản như thế nào. Ví dụ từ thế kỷ 19, khi quyết định canh tân đất nước, người Nhật đã thấy rõ vai trò của ngành Vật lý. Nhà giáo dục Fukuzawa Yukichi đã nhấn mạnh với người Nhật rằng Vật lý là "căn bản của mọi ngành khoa học". Từ lúc đó, Nhật Bản đã thuê giáo sư giỏi ở các nước phương Tây về dạy Vật lý và cử sinh viên du học ngành vật lý. Trong số này có nhà vật lý tiên phong của Nhật là Hantarō Nagaoka (1865-1950). Ông sang châu Âu năm 1893, học tại Berlin, Munich (Đức) và Vienna (Áo), trở về Nhật Bản năm 1901 và phục vụ tại Đại học Tokyo với tư cách giáo sư Vật lý cho đến năm 1925.
Nhờ vào người thầy như Nagaoka, nước Nhật có một thế hệ sinh viên học Vật lý rất giỏi, trong đó có Hideki Yukawa - nhà khoa học đầu tiên của Nhật Bản nhận giải Nobel vật lý.
Trở lại với nỗ lực của Đại học quốc gia TPHCM nêu trên, nhà trường đưa ra 3 giải pháp lớn, đầu tiên như đã nêu là thu hút nhân tài, miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học; thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành.
Tiếp theo là phát triển chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản gắn với công nghệ, nâng cao năng lực dạy Toán và khoa học cho giảng viên, giáo viên.
Cùng với đó, nhà trường cũng tích hợp nghiên cứu cơ bản với công nghệ chiến lược bằng cách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Khoa học biển và một số ngành khác gắn với các công nghệ chiến lược.
Và cuối cùng là hướng tới xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, dự kiến thành lập 3 phòng thí nghiệm để đào tạo và nghiên cứu về Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Hy vọng "phát pháo mở màn" của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tạo ra một làn sóng mới từ các đại học lớn trong cả nước, nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, góp phần tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!