Vì sao Việt Nam thiếu nhà khoa học đầu ngành?
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ tại Quốc hội vừa qua, tôi rất đồng tình với các ý kiến cho rằng cốt lõi trong phát triển khoa học, công nghệ là vấn đề nhân tài.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một yếu tố cụ thể hơn nữa, đó là các nhà khoa học đầu ngành. Trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ có nêu đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là một vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối.
Không mới, bởi vì ngay trong nghị quyết Trung ương 6 khóa XI từ năm 2012 đã nêu yêu cầu rất rõ phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành. Tiếc là, sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn nêu tình trạng hụt hẫng này mà chưa rõ các giải pháp khắc phục cụ thể.
Đi khảo sát ở các trường, các viện nghiên cứu, chúng tôi thấy rất rõ sự hụt hẫng các nhà khoa học đầu ngành. Điều băn khoăn là tại sao trong thời chiến tranh hay những năm tháng bao cấp kinh tế rất khó khăn, thông tin rất ít, chúng ta vẫn tự hào có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thời đó, những tên tuổi lớn như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ… sừng sững với những đóng góp to lớn vào các ngành khoa học, xây dựng đội ngũ tiếp nối và để lại thành quả xứng đáng, được bè bạn nể phục. Khát vọng cống hiến của thế hệ các nhà khoa học tiền bối ấy là có ngay những sản phẩm nghiên cứu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước chứ không phải là sự vinh danh hay xếp hạng.
Bây giờ trong điều kiện thế giới phẳng, trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể tiếp cận rất nhiều với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội đã tốt hơn rất nhiều thì đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.
Không biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước chúng ta, các trường, các viện những lĩnh vực nào thiếu và thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành?
Nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì chúng tôi rất lo sau này chúng ta ra nghị quyết mới hoặc lần sau chất vấn thì vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành lại tiếp tục nêu lên như mới.
Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào những đơn vị. Tôi nghĩ với tiềm lực của đất nước hiện nay cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học, công nghệ, coi khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này và dứt khoát phải giải quyết được vấn đề này như tinh thần Nghị quyết trung ương 6 khóa XI đã đề ra.
Để ngọn lửa khát vọng và cống hiến từ thế hệ các nhà khoa học đi trước được tiếp nối xứng đáng thì tư duy hành động và quyết tâm đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Bộ có làm tốt vai trò ấy hay không, thực tiễn sau phiên chất vấn sẽ là câu trả lời đầy đủ nhất!
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!