Tuyên chiến với tệ nạn mua bán nghiên cứu khoa học
Ngày 15/2, báo Dân trí đưa tin Đại học Bách khoa Hà Nội đã ra thông báo cấm giảng viên mua bán nghiên cứu khoa học. Đây là đại học đầu tiên tại nước ta ban hành lệnh cấm này và quy định rất chi tiết, bài bản.
Theo đó toàn bộ giảng viên, sinh viên và cán bộ của nhà trường sẽ không được phép sao chép, biến ý tưởng của người khác thành ý tưởng, đề xuất của mình; tuân thủ nguyên tắc trong tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật và quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội; không sử dụng đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được phê duyệt ở nơi này để tham gia tuyển chọn, nhận tài trợ ở nơi khác.
Những người liên quan không sử dụng quyền lực, mối quan hệ hay vật chất để tác động vào việc tuyển chọn, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh; hoặc tác động nhằm có lợi cho mình hay người khác trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học không đúng với quy định quản lý và thông lệ khoa học.
Các tác giả không bịa đặt, ngụy tạo đối tượng nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ - lý lịch khoa học; tôn trọng bản quyền, quyền tác giả, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ; thực hiện trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo chính xác, rõ ràng, minh bạch; tuân thủ triệt để tỉ lệ được phép trích dẫn tối đa theo từng đề tài, nhiệm vụ, lĩnh vực theo quy định.
Những tác giả này cũng không vì lợi ích cá nhân, gây trở ngại hoặc can thiệp vào việc trình bày đầy đủ và khách quan kết quả nghiên cứu hoặc gây ảnh hưởng đến độ tin cậy của kết quả nghiên cứu trong công bố khoa học chung; không mua, bán kết quả nghiên cứu khoa học dưới mọi hình thức. Trường cũng quy định rõ về cách ghi tên đại học trên các nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông báo cho thành lập ngay một hội đồng tư vấn liêm chính khoa học, có chức năng tư vấn cho giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trong thẩm định, đánh giá mức độ vi phạm về liêm chính học thuật.
Việc một đại học ở ta ban hành quy định nêu trên rất đáng hoan nghênh. Nhất là trong bối cảnh liêm chính học thuật tại không ít đại học trong nước đã trở thành vấn đề nhức nhối. Nhiều vụ việc bị công luận phanh phui rất đáng xấu hổ liên quan tới những tiến sĩ đã nhiều năm trong ngành.
Đây là một vấn đề không thể coi thường, vì trong khi các trường phổ thông trên cả nước yêu cầu học sinh phải tuân thủ trung thực và liêm chính thì không ít các thầy cô ở bậc học cao nhất lại vi phạm nhiều lần; thậm chí dẫn đến tình hình là có những người ở một số đại học trong và ngoài nước chuyên sinh sống, làm giàu bằng nghề buôn bán các bài nghiên cứu.
Rõ ràng nạn buôn bán nghiên cứu khoa học nếu không ngăn chặn kịp thời cứ để ngày càng phức tạp thì chất lượng của các công trình nghiên cứu càng bị coi rẻ. Từ đó dẫn tới tình trạng số lượng giáo sư, tiến sĩ hàng năm ở nước ta gia tăng, luận án và công trình công bố rầm rộ nhưng chất lượng và khả năng đưa vào áp dụng trên thực tế là những dấu hỏi lớn.
Vì vậy, muốn xử lý dứt điểm vấn nạn trên, các đại học trong cả nước cũng nên theo bước Đại học Bách khoa Hà Nội: Ra lệnh cấm mua bán nghiên cứu khoa học với thái độ dứt khoát.
Nhìn ra thế giới, nhiều nước trong đó có nước láng giềng Trung Quốc cũng đang nỗ lực "làm sạch" lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cơ quan quản lý nước này yêu cầu các đại học phải báo cáo đầy đủ danh sách bài báo khoa học bị rút lại do gian lận, thiếu trung thực từ các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh và tiếng Trung trong 3 năm qua (hoàn thành trước ngày 15/2/2024). Họ sẽ xem xét chi tiết và đưa ra chế tài nghiêm khắc, vì cho rằng việc này đã ảnh hưởng xấu đến danh tiếng học thuật và môi trường học thuật của đất nước.
Tất nhiên, nhìn đi cũng phải nhìn lại, cùng với lệnh cấm này, với các đại học ở Việt Nam, để thực hiện cho tốt thì không nên chỉ là cấm suông, mà phải thực sự quan tâm tới việc đầu tư cho các nhà khoa học, để họ có động lực nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, bài bản và hiệu quả. Đây cũng là cách nâng cao thu nhập và phát huy hiệu quả chất xám của các nhà khoa học nước nhà.
Vào tháng 8/2023, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) cho hay đã triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023, sau một năm không tài trợ cho đề tài mới nào. Tuy nhiên con số ngân sách của quỹ (bao gồm cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội - nhân văn) chưa đến 300 tỷ đồng. Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện Toán học Việt Nam cho hay: "Không biết làm con đường khoa học thì một dặm (hơn 1,6 km) hết bao nhiêu tiền nhưng làm đường cao tốc thì một dặm cũng hết gần 300 tỷ đồng. Mà ngân sách cho Quỹ một năm không được 300 tỷ đồng".
Nhìn chung việc đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng cần được các bộ, ngành và địa phương quan tâm hơn. Theo số liệu tại phiên chất vấn trên nghị trường vào tháng 6/2023, từ năm 2017 đến thời điểm diễn ra phiên họp, chi ngân sách dành cho khoa học công nghệ đã giảm dần và năm thấp nhất 0,82% trong khi quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách.
Làm tốt cả hai mặt là tuyên chiến với tệ nạn mua bán nghiên cứu khoa học, và đầu tư mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn cho khoa học công nghệ, tin chắc rằng lĩnh vực này sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực trong thời gian tới.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!