Chạy đua vào "ngành hot"
Mùa tuyển sinh đại học chỉ vài tháng nữa là tới, nhiều bậc phụ huynh và học sinh bắt đầu cảm nhận sức nóng của kỳ thi quan trọng phía trước.
Hôm vừa rồi tôi nhận được câu hỏi của một người mẹ có con học khối B, chuẩn bị thi vào Đại học Y khoa TPHCM. Mẹ cháu hỏi ngoài trường Đại học Y thì với khối B, cháu có thể học những ngành nào, trường nào?
Tôi hỏi vậy cháu thích học gì? Mẹ cháu nói "Chuẩn bị thi tới nơi rồi nhưng còn lơ mơ lắm, chỉ thích học bác sĩ vì thấy nghề này oách. Nhưng học bác sĩ cụ thể sẽ học gì, và sẽ ra làm chuyên môn gì cháu cũng chưa rành. Còn các ngành nghề khác có thể học từ khối B thì con càng lơ mơ hơn".
Qua kinh nghiệm nhiều năm tư vấn về tuyển sinh đại học trong nước và nước ngoài, tôi thấy tình trạng trên không phải là hiếm gặp, nếu không nói là khá nhiều ở các em học sinh lớp 11, 12.
Một tâm lý thông thường là các em và phụ huynh dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu thông tin về "ngành hot", tức những ngành nổi bật, nhiều thí sinh đăng ký, có tương lai việc làm và thu nhập tốt.
Thói quen của học sinh và phụ huynh là lên mạng tìm hiểu. Và đây là lúc mọi người bắt đầu lạc giữa "rừng" nội dung liên quan không biết đâu là đúng, đâu là sai. Có nơi đưa ra danh sách 15 ngành hot nhất trong các đại học ở Việt Nam; có nơi để chỉ 10 ngành; song có nơi để 25 ngành. Dưới danh sách này là tên trường đại học có những ngành được cho là hot, còn vì sao hot thì không hề giải thích.
Nhiều phụ huynh và học sinh lần tìm theo danh sách trên và "nhắm đích" một cách cảm tính, mà không thực sự có sự phân tích thấu đáo.
Tôi thử làm một cuộc thăm dò nhỏ, hầu hết các em học sinh được hỏi không trả lời thật rõ ràng thế nào là hot? Học quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, kỹ sư môi trường là hot, hay học công nghệ thông tin, khoa học máy tính là hot?
Học truyền thông, báo chí là hot, hay là học tiếp thị, kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, logistic là hot?
Nếu chạy theo thời đại thì học về công nghệ thông tin hay học bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là hot? Hay chỉ học những ngành thời nào cũng cần như giáo viên, bác sĩ, luật sư?
Hot là một từ quá chung chung. Và thậm chí ở ta còn thay đổi rất nhanh chóng theo năm, theo xu hướng của giới trẻ.
Một trong những lý do quan trọng nhất của tình trạng trên là hệ phổ thông ở ta chưa có chương trình hướng nghiệp chuẩn chỉnh cho các học sinh. Các hội thảo, các cuộc tư vấn tuyển sinh nhiều khi chỉ đưa ra thông tin chung chung, hoặc là quảng cáo trá hình của nhà trường, nên phụ huynh và học sinh càng rối.
Chúng ta thiếu một cơ sở dữ liệu và hệ thống hỗ trợ thông tin cho học sinh từ khi chuẩn bị vào đại học, cho tới khi ra đi làm để các em tra cứu khi cần thiết.
Ví dụ nếu là một học sinh chuẩn bị vào đại học, các em và phụ huynh sẽ cần tra cứu về thị trường nhân lực đối với ngành X mà em chọn, dự báo khi em ra trường thì nhu cầu tuyển dụng của ngành này ra sao, xu hướng tăng hay giảm. Mức lương trung bình khi mới ra trường của sinh viên ngành X? Mức lương trung bình sau khi đi làm 5 năm? Mức lương trung bình khi đã đi làm từ 10-20 năm là bao nhiêu?
Các em học sinh cũng cần có đầy đủ thông tin trước khi quyết định, đó là học ngành này thì ra trường có thể làm các công việc gì? Tên của các loại công việc đó kèm theo chức danh nghề nghiệp? Sinh viên tốt nghiệp có thể làm trong dạng công ty, cơ quan, tổ chức nào? Học ngành này cần người có tính cách gì? Ngành này nên học ở bậc nào (trung học, cao đẳng, đại học, thạc sỹ hay tiến sĩ?) sẽ có lợi nhất về việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp?
Cơ sở dữ liệu tốt cũng sẽ giúp phụ huynh và học sinh tra cứu muốn học ngành nghề cụ thể nào đó thì phải chuẩn bị từ trung học thế nào? Nên học tốt những môn gì, điểm tối đa và tối thiểu ra sao, cần chuẩn bị các kỹ năng gì ở bậc phổ thông? Khi vào đại học thì sẽ phải học những môn nào? Độ khó và dễ của các môn đó?
Học phí của từng trường là bao nhiêu? Tổng chi phí cho học hành ăn ở mỗi năm là bao nhiêu? Những trường nào có ưu đãi về học bổng, học phí, học liên thông trong nước, học liên kết với nước ngoài?...
Theo tôi, chỉ khi có các dữ liệu và thông số trên, học sinh mới hiểu thế nào là ngành hot thực sự, thế nào chỉ là "bánh vẽ". Nếu không có dữ liệu và phương pháp đúng, từ năm này qua năm khác, tình trạng ngành hot (qua đồn thổi, qua quảng cáo) vẫn tồn tại; trong khi những ngành phù hợp với năng lực thực sự của các em thì lại vắng vẻ, không có đơn đăng ký.
Chuyện chạy đua vào ngành hot dẫn đến một vấn đề là các ngành khoa học cơ bản, ngành nông lâm nghiệp - thủy sản lâm vào tình trạng khó tuyển sinh. Vào năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất (Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội) chỉ tuyển được 49-61% chỉ tiêu đặt ra.
Tại Đại học quốc gia TPHCM, có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường...
Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác. Tình trạng này rất tai hại, vì không một quốc gia nào có thể phát triển tốt mọi mặt nếu thiếu đi nhân sự từ các ngành khoa học cơ bản.
Thiết nghĩ ngành Giáo dục nên có chương trình ưu tiên về học phí, cấp học bổng cho sinh viên vào học các ngành "vắng vẻ" nêu trên để giữ sự cân bằng về tuyển sinh.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!