Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Đằng sau câu chuyện chàng trai Hà Nội "tái sinh" trong 6 cuộc đời

Tối 24/8, Hà Nội mưa tầm tã, bên trong phòng mổ số 5 Bệnh viện Xanh Pôn đột nhiên trở nên yên tĩnh, chỉ còn tiếng bíp của máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Ngọn đèn không bóng chiếu sáng khuôn mặt của anh Nguyễn Đức T, 32 tuổi, khuôn mặt rắn rỏi và khỏe mạnh, với dấu vết của ánh nắng, gió và sương giá của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Anh T nằm lặng lẽ, như thể sau một ngày làm việc hết sức lực, anh cần được nghỉ ngơi thật lâu.

Trước khi thực hiện phẫu thuật lấy nội tạng, các nhân viên y tế Bệnh viện Xanh Pôn đứng thành hai hàng, họ cùng chắp tay cúi đầu và im lặng.

Chỉ vài chục phút nữa, anh T sẽ vĩnh biệt thế giới này, đó là những giây phút khó khăn nhất với các y bác sĩ và những người thân, khi phải chứng kiến sự ra đi của anh. Có người tựa vào bàn mổ, có người cố nén những giọt nước mắt. Người nhà của anh đang tụ tập bên ngoài và khóc, người trẻ động viên an ủi người lớn tuổi, nhưng tất cả ánh mắt thì đều hướng về phía anh T, như thể nói với anh những lời vĩnh biệt lần cuối.

Đằng sau câu chuyện chàng trai Hà Nội tái sinh trong 6 cuộc đời - 1

Ca đại phẫu lấy đa tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chiều 24/8 (Ảnh: Mạnh Quân)

Khoảng 20h, chiếc hộp bảo quản trái tim anh của T được y bác sĩ khẩn trương vận chuyển từ phòng mổ tới xe cứu thương, xe CSGT Công an TP Hà Nội đã đợi ở cổng bệnh viện lập tức nổ máy, đoàn xe hú còi yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông khẩn cấp nhường đường.

Đoàn xe hướng thẳng ra sân bay Nội Bài, chỉ mất hơn 20 phút để tới sân bay.

Ngồi bên cạnh quả tim ở trên xe cứu thương là ông Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, ông đích thân ra Hà Nội tiếp nhận và vận chuyển trái tim này.

Máy bay cũng đã chờ sẵn ở sân bay.

Trong đêm 24/8, ngay sau khi máy bay hạ cánh, trái tim sẽ được ghép cho một bệnh nhân đang nằm chờ trên bàn mổ tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Ở Hà Nội, lá gan của anh T được ghép cho một bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Việt Đức; 2 quả thận ghép cho hai bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Xanh Pôn; giác mạc được ghép cho bệnh nhân mất thị lực hoàn toàn tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Một chút thông tin về anh Nguyễn Đức T, sinh năm 1992, quê ở Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Anh T bị tai nạn giao thông vào lúc 1h30 ngày 23/8, được các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn khẩn trương cứu chữa bằng mọi cách nhưng không qua khỏi, anh đã bị chết não.

Quá đau khổ, con trai tử vong đột ngột khi sinh mạng quá trẻ, cha mẹ anh T đưa ra quyết định rất khó khăn, họ muốn cuộc sống của anh có thể tiếp tục theo một cách khác, nên đã đồng ý hiến tạng, để cuộc sống mới của anh T bắt đầu kéo dài với 6 người xa lạ.

Ngày 24/8, chỉ đến khi anh T trút hơi thở cuối cùng trên bàn mổ thì mưa bắt đầu tạnh. Vài giờ sau đó, tức là rạng sáng 25/8, tim, gan, hai thận và giác mạc của anh T sẽ được hoàn thành với những ca ghép, 4 bệnh nhân sẽ được hồi sinh, 2 bệnh nhân sẽ lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng trở lại.

Ghép tạng là một cách đặc biệt để cứu và kéo dài sự sống.

Là một trong những thành tựu y học vĩ đại nhất của thế kỷ 20, ghép tạng là phương pháp y tế hiệu quả để điều trị cho bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối, công nghệ ghép được phát minh bởi bác sĩ người Mỹ từng đoạt giải Nobel Joseph Murray vào năm 1954, trước đó ghép tạng chỉ có trong tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng.

Để ghép tạng, thì cần phải có người hiến tạng, nên hành động hiến tặng là cứu một mạng sống khác bằng "món quà của sự sống" vào cuối cuộc đời, cho phép sự sống tiếp tục. Ban đầu, người hiến tạng là người sống tình nguyện, nên tạng hiến đảm bảo "tươi" nguyên vẹn.

Về sau có thêm người chết não hiến tạng.

Với người chết não, tạng hiến gồm tim, phổi, gan, thận, giác mạc và những bộ phận khác; nên cần phải thực hiện qua Trung tâm Điều phối hiến tạng Quốc gia nhằm đảm bảo công bằng.

Bởi vì, tạng của người chết não hiến tặng sẽ được vận chuyển đến các bệnh viện, nên phải được "bảo quản lạnh" trong đá viên sau khi phẫu thuật ra khỏi cơ thể nạn nhân. Để chất lượng của tạng không bị tổn hại và đảm bảo hiệu quả của việc ghép, thì công tác bảo quản tạng phải rất tốt, quá trình vận chuyển phải đảm bảo rất an toàn, thời gian vận chuyển phải nhanh nhất.

Xu hướng "ghép lạnh" đang chuyển sang "ghép nóng".

Bắt đầu từ năm 2017, Trung Quốc đã nghiên cứu và sử dụng "hệ thống chăm sóc đa cơ quan ngoại cơ thể", tức là thay vì tạng được bảo quản lạnh bằng đá viên khi vận chuyển, thì công nghệ mới đảm bảo việc cung cấp máu cho tạng không bị gián đoạn trong suốt quá trình cấy ghép để duy trì các chức năng sinh lí bình thường.

Hiện tại rất ít người chết não hiến tạng.

Thống kê của Trung tâm Điều phối hiến Ghép tạng quốc gia cho thấy, trong hơn 15 năm thì cả nước mới chỉ có hơn 46 ca chết não hiến tạng, thực hiện ghép được cho 458 người. Số ca ghép tạng từ người sống hiến tạng vẫn chiếm tới 95%. Con số này ngược lại ở các nước trên thế giới, hơn 95% nguồn tạng được cho từ người chết não, còn ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp, chưa đến 5%.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước ta mới có khoảng 75.000 người đã đăng ký hiến tạng sau khi chết và chết não, đây là tỉ lệ quá thấp ở quốc gia 100 triệu dân, trong khi thế giới gần như 100% người dân đồng ý hiến tạng sau khi chết não.

Nhiều bệnh nhân tử vong không kịp chờ ghép tạng.

Do thiếu nguồn tạng hiến, nên nhiều bệnh nhân không thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời, hiện mỗi năm có khoảng 5.000 bệnh nhân cần được ghép tạng, nhưng chỉ thực hiện được 1.000 ca ghép.

Nguồn tạng hiến từ người chết não đang quá khó khăn, bởi đằng sau mỗi lần hiến tạng là một sinh mạng đã mất, là một gia đình không còn trọn vẹn. Ngành y rất chia sẻ với người dân khi phải đối mặt với những cảnh tượng đau buồn này, nhưng động lực để cả hệ thống y tế kiên trì đến từ sự hiểu biết rõ ràng rằng, hiến tạng là hành động nhân đạo mang lại hi vọng cho hàng ngàn bệnh nhân đang chờ đợi cái chết từng ngày.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!