Đằng sau chuyện Billiards Việt Nam bị dọa "treo 6 tháng"
Tôi dùng từ "dọa", vì cái gọi là "án kỷ luật" do ACBS (Asian Carom Billiards Sports) - tổ chức Billiards Carom châu Á - công bố vừa qua đã và đang gây nên sự tranh cãi. Đến nay tính chính danh lẫn sự khả thi của lệnh cấm chưa được xác thực rõ ràng.
Câu chuyện bắt đầu từ việc ABCS ra thông báo cấm vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, quan chức của billiards Việt Nam tham gia thi đấu, điều hành các giải do ACBS tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 13/6/2024 đến 12/1/2025.
Lý do của án phạt được cho là Việt Nam đã tổ chức một giải không được ACBS cấp phép: giải Hà Nội Open Pool Championship vào tháng 10/2023. Ngoài ra, Hà Nội cũng cấp phép tiếp tục tổ chức giải pool kể trên vào tháng 10/2024 và chặng đấu PBA (Hiệp hội Billiards chuyên nghiệp của Hàn Quốc) trước 2 tháng.
Về phía Liên đoàn Billiards Hà Nội thì khẳng định việc tổ chức và dự kiến tổ chức các giải trên đảm bảo các quy trình, thủ tục pháp lý. Do không phải thành viên của ACBS nên đương nhiên, ban tổ chức của giải đấu cũng không cần thiết phải xin phép để có sự đồng ý của tổ chức này.
Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ không đưa ra kết luận. Tuy nhiên nếu tìm hiểu sâu hơn chúng ta sẽ thấy, câu chuyện này phần nào xuất phát từ vòng xoáy mâu thuẫn giữa các tổ chức Billiards quốc tế trong thời gian qua…
Billiards là một trong những môn thể thao được xã hội hóa mạnh mẽ nhất tại Việt Nam. Suốt vài chục năm qua, phong trào Billiards đã phát triển từ Bắc chí Nam, với nhu cầu hoàn toàn tự giác của đa số người chơi như một thú vui giải trí. Một bộ phận người chơi đã xem đây là môn thể thao hấp dẫn để theo đuổi, trong đó phía Bắc mạnh về "Billiards lỗ" (Pool), còn phía Nam thịnh hành Billiards băng (Carom).
Thời gian qua các câu lạc bộ, trung tâm Billiards phát triển như nấm sau mưa, từ các thành phố lớn tới tỉnh lẻ, vùng thôn quê hẻo lánh. Cũng có lẽ bởi sự đặc thù của môn này là không đòi hỏi vận động viên phải có thể chất cao lớn hay nền tảng thể lực đặc biệt, nên Billiards được đánh giá là có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam, kể cả về thi đấu thành tích cao.
Bởi vậy khi những cơ thủ xuất sắc như Bao Phương Vinh, Trần Quyết Chiến… liên tục đem về ngôi vô địch thế giới, trong khi nhiều cơ thủ khác cũng từng giành huy chương vàng Asiad (như Trần Đình Hòa, Lý Thế Vinh), SEA Games ở các nội dung Carom, hoặc nhiều giải Pool quốc tế thì phong trào tập luyện môn Billiards càng có thêm động lực phát triển.
Việc tổ chức các giải đấu quốc tế tại Việt Nam trở thành nhu cầu tự nhiên, rất cần thiết để các cơ thủ hàng đầu của chúng ta có nhiều hơn cơ hội thi đấu đỉnh cao, vừa để tăng thêm thu nhập cho họ (đúng xu thế phát triển của Billiards chuyên nghiệp), vừa kích thích phong trào.
Giải Hanoi Pool Open hay các giải ngôi sao Pool, Carom quốc tế… được tổ chức trong những năm gần đây là trong bối cảnh nêu trên.
Vậy nên công văn về án phạt của ACBS tựa như một "gáo nước lạnh" với không ít người. ACBS là gì? Đấy là tổ chức Billiards quốc tế, mang danh nghĩa "Liên đoàn châu Á" nhưng lại không phải là Liên đoàn duy nhất đang điều hành sự phát triển của môn thể thao này tại châu lục.
Trong xu thế phát triển, bên cạnh ACBS còn có các tổ chức Billiards chuyên nghiệp khác như PBA (Professional Billiards Association) - trụ sở tại Hàn Quốc, hay Matchroom - một đơn vị tổ chức Billiards quốc tế chuyên nghiệp khác.
Các đơn vị kể trên thường xuyên tổ chức các giải đấu quốc tế (không thuộc phạm vi quản lý của ACBS) với mức thưởng rất cao, qua đó thu hút sự tham gia của nhiều tay cơ hàng đầu. Mới đây, một số giải tương tự của PBA và Matchroom đã được tổ chức tại Trung Quốc, Philippines và Hàn Quốc…
Cũng như các nước này, Việt Nam mà cụ thể là thành phố Hà Nội lên kế hoạch tổ chức 2 giải đấu dự kiến trong tháng 8 và tháng 10 tới. Tuy nhiên như chúng ta đã biết là ACBS lại tức tốc có công văn dọa "treo 6 tháng". Ở đây chưa rõ ACBS lấy tư cách gì để dọa cấm các vận động viên Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế như AIMAG (Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á) thuộc phạm vi quản lý của Hội đồng Olympic châu Á (OCA)?
Thể thao Việt Nam, cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội, một khi đã tham gia các sân chơi quốc tế thì điều cần thiết trước hết chính là nắm bắt một cách đầy đủ hệ thống các quy định, chế tài liên quan. Ở mỗi môn thể thao lại có sự khác biệt từ các tổ chức quốc tế (theo các cấp độ từ Liên đoàn thế giới tới châu Á, Đông Nam Á), tới các tổ chức thể thao riêng biệt, kèm theo đó là những mối quan hệ chằng chịt, bao gồm cả những nguy cơ va chạm về lợi ích như ở môn Billiards là một ví dụ.
Bởi vậy, khi các vận động viên tham gia một giải đấu quốc tế, hay Việt Nam đứng ra tổ chức một giải đấu mang tính chất quốc tế nào đó thì đều cần đảm bảo tuân thủ những quy định liên quan.
Ví dụ như trước đây, chúng ta đã tổ chức nhiều giải đấu quốc tế với sự góp mặt của đội tuyển bóng đá quốc gia cùng các câu lạc bộ nước ngoài nhằm tăng cường cơ hội thi đấu cọ xát cho đội tuyển. Nhưng điều này đã phải thay đổi khi nó không tương thích với định hướng của FIFA: Các đội tuyển chỉ nên thi đấu với các đội tuyển quốc gia tương ứng.
Cũng ở môn "thể thao Vua", chúng ta không thể tự ý áp dụng công nghệ VAR vào các giải đấu cấp quốc gia nếu không thông qua sự giám sát và cho phép của FIFA, bởi hệ thống này được quy định bởi hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe mà không phải cứ "có điều kiện" là được sử dụng.
Ở môn Golf, trong một thời gian rất dài, Việt Nam chỉ có thể tổ chức các giải "nghiệp dư quốc tế" vì không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của Golf chuyên nghiệp, do các tổ chức Golf chuyên nghiệp thế giới và châu Á ban hành. Chỉ tới khi nhiều sân Golf được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn, kèm theo đó là hệ thống quản trị, cơ sở vật chất đảm bảo cũng như đội ngũ nhân sự vận hành đủ "chất" thì mới bắt đầu có những giải Golf chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (trên cơ sở sự công nhận và cho phép của các tổ chức Golf quốc tế).
Trở lại với sự việc ở môn Billiards, chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng với sự nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội hợp tác quốc tế để tạo thêm nhiều cơ hội cho các cơ thủ Việt Nam trong xu thế phát triển mới. Nhưng bên cạnh đó, Billiards Việt Nam vẫn cần nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động ở các tổ chức hữu trách đại diện cho môn thể thao này (ở đây cụ thể là Liên đoàn Billiards quốc gia) khi tham gia các sân chơi quốc tế.
Cái gọi là công văn dọa "treo 6 tháng" của ACBS mới đây tuy chưa biết khả năng thực thi tới đâu, nhưng một điều chắc chắn là sẽ không ảnh hưởng gì tới dự kiến tổ chức giải Carom thế giới dự kiến từ 25-29/9 sắp tới tại Bình Thuận (Chủ tịch Liên đoàn Billiards thế giới đã xác nhận điều này).
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!