"Trận đánh" của hơn 60 y bác sĩ để chàng trai Hà Nội tái sinh 6 cuộc đời
(Dân trí) - Chàng trai 32 tuổi ở Hà Nội trong những giây phút cuối cùng đã trao tặng "món quà sự sống" để tái sinh nhiều cuộc đời.
Chiều 24/8, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn diễn ra ca đại phẫu lấy đa tạng từ người cho chết não và ghép thận hai bệnh nhân.
Người hiến tạng là anh N.Đ.T., 32 tuổi, nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đêm 22/8, anh T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng nguy kịch.
Mặc dù các y bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa, nhưng vì tổn thương quá nặng, anh T. đã không qua khỏi. Đứng trước nỗi đau mất mát to lớn, gia đình bệnh nhân đã đưa ra một quyết định dũng cảm và đầy nhân văn: Hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đây là lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nói riêng và cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế Hà Nội nói chung thực hiện lấy - ghép mô tạng từ người cho chết não.
"Trận đánh lớn" này có sự hiệp đồng của lực lượng chính là hơn 60 y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
16h30, hệ thống máy móc được kết nối để theo dõi sát chỉ số sinh tồn của T. Thiết bị, dụng cụ mổ được chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho "trận đánh lớn" kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước mắt.
"Chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước nghĩa cử cao đẹp của anh. Những gì anh để lại cho cuộc đời sẽ là món quà vô giá đối với những bệnh nhân hiểm nghèo...", vị bác sĩ thay mặt ekip đọc lời tri ân sau cuối. Tất cả nhân viên y tế cúi gập đầu bày tỏ sự cảm phục chàng trai trẻ.
Bên cạnh 2 quả thận sẽ được ghép cho 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, quả tim của người hiến sẽ giúp "tái sinh" cho một bệnh nhân có sự sống chỉ tính bằng ngày tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM; 2 giác mạc sẽ mang lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; lá gan sẽ được ghép cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Lấy - ghép tạng từ người cho chết não là kỹ thuật đặc biệt khó. Thách thức không chỉ đến từ việc lấy tạng từ người hiến và bảo quản để đảm bảo tình trạng tạng tốt nhất, mà còn là quá trình ghép và hồi sức sau ghép cho người nhận.
Ngay sát nơi đang diễn ra ca đại phẫu "cân não", 2 phòng mổ khác cũng sáng đèn. Trong phòng mổ số 4, kíp y bác sĩ gấp rút triển khai các phương tiện để xử lý và bảo quản tạng. Trong khi đó, ở phòng mổ số 5, công tác chuẩn bị cho 2 ca ghép thận cũng sắp sửa hoàn thành.
Để đồng thời lấy - ghép tạng từ người cho chết não, hàng chục nhân sự ở nhiều vị trí khác nhau phải phối hợp ăn khớp như những "bánh răng".
Đến tối, quả tim của bệnh nhân, sau nhiều thao tác y khoa, được lấy ra khỏi lồng ngực. Máy monitor chớp đỏ liên tục khi nhịp tim về "0".
Đây cũng là cơ quan được lấy ra sau cùng. Lý do là vì tim cần phải hoạt động cho đến thời điểm cuối cùng để duy trì tuần hoàn và cung cấp máu đến các cơ quan khác, đảm bảo chúng được bảo quản tốt nhất trước khi được lấy ra để cấy ghép. Quy trình này giúp tối ưu hóa khả năng thành công của việc cấy ghép các cơ quan.
Trái tim nhanh chóng được đưa vào trong túi đựng dung dịch bảo quản, rồi bọc tiếp trong nhiều lớp nước đá, trước khi cho vào thùng bảo quản chuyên dụng.
Ê-kíp của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nhận nhiệm vụ "hộ tống" trái tim, ngay lập tức khởi hành vào TPHCM để ghép cho người nhận sớm nhất có thể.
3 thùng đựng các cơ quan: tim, giác mạc và gan của người hiến được đưa lên xe cứu thương chờ sẵn ở sảnh bệnh viện. Xe chuyên dụng của lực lượng cảnh sát giao thông bật còi hú dẫn đường. Đoàn xe lao vun vút trong đêm mưa dông thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: Thắp lên những cuộc đời mới.
Tại Khoa Gây mê hồi sức, guồng quay công việc vẫn chưa "hạ nhiệt". Nam bệnh nhân cao tuổi bị suy thận được đẩy vào phòng mổ số 6.
Nằm trên giường bệnh, chờ các y bác sĩ chuẩn bị cho ca mổ, người đàn ông nhìn chăm chú vào căn phòng phía đối diện. Ánh mắt như thầm cảm ơn vị ân nhân giúp mình viết tiếp những "trang cuộc đời" mới tươi đẹp hơn.
Ngay sau khi qua đời, chàng trai trẻ đã mang đến cơ hội được "tái sinh" cho ít nhất 6 cuộc đời đang phải "sống mòn" vì bệnh tật.
Trải qua 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên đến nay, ngành y tế nước ta đã thực hiện trên 8.000 ca ghép tạng, làm chủ các công nghệ ghép tạng ngang tầm các nước phát triển trên thế giới. Từ đó, đem đến cơ hội sống mới cho hàng nghìn người bệnh, đặc biệt với các hoàn cảnh khó khăn.
Một người chết não có thể cứu sống được 8 người khác, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Đây là nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa mạnh mẽ.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm, số người chết não hiến mô tạng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Đây là những con số ấn tượng cho thấy sự tiến bộ và quyết tâm của ngành y tế Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.