Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Chẳng lẽ shipper là nghề nguy hiểm!

Lại thêm một vụ shipper (người giao hàng) bị hành hung, lần này là ở TPHCM. Chỉ vì mâu thuẫn trong việc đòi tiền 2 đơn hàng trị giá 64.000 đồng, một shipper đã bị khách hành hung đến mức gãy mũi, tổn thương vùng ngực, phải vào bệnh viện thăm khám.

64.000 đồng với nhiều người chỉ là số tiền giá trị rất nhỏ, nhưng với những người shipper chạy ngược, chạy xuôi giữa nắng nóng, đó có thể là số tiền công của nhiều cuốc xe, là tiền ăn của một, hai ngày. Hơn nữa theo tường thuật trên báo Dân trí, việc shipper gọi điện nhắc khách thanh toán đơn hàng là chuyện hoàn toàn bình thường, hành vi bạo lực của người khách là không thể chấp nhận được.

Chẳng lẽ shipper là nghề nguy hiểm! - 1

Nam shipper bị người đàn ông hành hung (Ảnh: Cắt từ clip).

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ shipper bị hành hung, có thể kể đến như vụ shipper bị tài xế Lexus đánh ở Hà Nội, hay sự việc đau thương ở Đà Nẵng vào đầu năm nay: nam shipper bị đánh đến tử vong khi cố gắng đòi lại số tiền hàng trị giá 375.000 đồng.

Cứ mỗi lần xảy ra sự việc có tính chất bạo lực đối với shipper, nhiều người lại nhắc đến bộ phim Upstream (Ngược dòng) phản ánh cuộc sống, công việc vất vả, rủi ro của những người làm công việc giao hàng ở Trung Quốc. Họ là đại diện cho "Gig economy" - mô hình kinh tế với các công việc tạm thời, linh hoạt về giờ giấc.

Song, trong cuộc sống, theo quan sát của tôi thì hiện thực của công việc giao hàng có thể còn khốc liệt hơn nhiều so với những câu chuyện được thể hiện trong phim. Đó không chỉ là công việc suốt ngày "đánh bóng mặt đường", hít thở không khí ô nhiễm, giao hàng trễ khách không nhận, nhiều khi bị khách "bỏ bom", bị khách chấm điểm kém (một sao), mà còn là không có bảo hiểm, có thể bị khách hành hung bất cứ lúc nào.

Sống ở TPHCM, tôi không sử dụng xe máy mà di chuyển bằng dịch vụ xe công nghệ. Mỗi buổi sáng, chiều ngồi trên xe, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về những hoàn cảnh khó khăn của người lái xe - các "đối tác" của nhiều nền tảng vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn. Có những người vừa chạy chở người, lúc nào rảnh rang lại kiêm thêm giao hàng. Nhiều người không mặn mà với hai chữ "nghề tự do" khi nhận ra mọi thứ đều bấp bênh. "Ngơi tay thì hết cơm đổ vào mồm," một anh lái xe từng tâm sự. Với công việc không bảo hiểm, không hợp đồng, không ngày nghỉ, họ chẳng biết ai sẽ bảo vệ cho mình và gia đình khi gặp bất trắc.

Ai sẽ bảo vệ công việc của shipper và chính bản thân họ? Dĩ nhiên là họ được bảo vệ như các công dân khác và như mọi người làm các ngành nghề khác, nhưng nhìn sâu hơn vào nghề shipper - một nghề đang ngày càng trở nên phổ biến với xu hướng phát triển của các ứng dụng vận chuyển, giao hàng, giao đồ ăn hiện nay - chúng ta sẽ thấy cần có những chính sách cụ thể hơn, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp.

Thứ nhất là minh bạch thuật toán. Ví dụ, nhiều ứng dụng cho phép khách "chấm điểm" đối với tài xế như một hình thức giám sát thông qua nhận xét của khách. Nếu tài xế bị đánh giá thấp (một sao) nhiều lần thì có thể tụt xếp hạng, giảm thu nhập hay thậm chí bị khóa tài khoản. Việc ứng dụng cho phép đánh giá từ khách hàng là cần thiết để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nhưng thuật toán của quá trình đánh giá này cần được minh bạch để đảm bảo công bằng và quyền lợi chính đáng của shipper.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chính sách minh bạch thuật toán và giám sát con người (Algorithmic Transparency), nhằm ngăn tình trạng quyết định tự động (thu nhận cuốc xe, điều chỉnh cước, sa thải…) không rõ lý do.

Ở châu Âu có chính sách cấm sa thải dựa trên thuật toán độc lập, bắt buộc có giám sát con người trong các quyết định quan trọng, và shipper có quyền tra cứu dữ liệu cá nhân do nền tảng lưu giữ.

Thứ hai, mở rộng "lưới" an sinh xã hội để bảo đảm shipper, dù là lao động theo hình thức "linh hoạt", vẫn tiếp cận được các chế độ như bảo hiểm y tế, nghỉ ốm. Một số nước đã đưa shipper vào khung an sinh xã hội của lao động tự do, bắt buộc nền tảng tham gia đóng bảo hiểm cho họ.

Ở ta, báo chí nhiều lần phản ánh không ít tài xế công nghệ dù chạy xe đã lâu nhưng không hề nhìn thấy "mặt mũi" hợp đồng lao động, chưa nói tới bất cứ một hình thức bảo hiểm nào đó. Nhiều tài xế bày tỏ nguyện vọng được đóng bảo hiểm, để giảm bớt những chi phí điều trị khi chẳng may gặp tai nạn trong quá trình làm việc.

Tại các nước như Anh hay Tây Ban Nha, luật pháp quy định các tài xế xe công nghệ hay shipper cũng cần được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm như người hoạt động trong những ngành nghề khác.

Cuối cùng, mong rằng pháp luật sẽ nghiêm trị hành vi bạo lực trên đường phố nói chung và hành vi bạo lực với shipper nói riêng, để răn đe những cái đầu nóng và để những người giao hàng yên tâm rằng họ được quan tâm, bảo vệ. 

Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!