Vay hơn 8 triệu đồng thành nợ trên 8 tỷ và lẽ công bằng
Vụ "vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm thành nợ 8,8 tỷ đồng" đang gây xôn xao dư luận suốt những ngày qua.
Do liên quan đến nghề nghiệp của mình, tôi đã theo dõi ý kiến các chuyên gia bàn về vụ việc dưới cả khía cạnh pháp lý và tài chính. Ở đây tôi muốn bàn thêm về lẽ công bằng, đạo đức và công lý - là cơ sở để các quốc gia xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật.
Pháp luật hay bất kỳ công cụ quản lý xã hội nào cũng phải được thiết kế để bảo vệ lẽ công bằng, đạo đức, công lý. Cách hành xử của một tổ chức, cá nhân nào đó nếu tuân theo lẽ công bằng, đạo đức và công lý thì sẽ nhận được sự đồng thuận của công luận, và ngược lại.
Trước hết, sự việc nêu trên một lần nữa cảnh báo người dân khi tham gia giao kết hợp đồng có bản chất là hợp đồng mẫu với hàng chục, hàng trăm trang trong lĩnh vực tín dụng, bảo hiểm, mua bán bất động sản…, đều cần đọc kỹ hợp đồng, nếu có khả năng thì nên sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý để hạn chế các rủi ro về sau. Luật sư sẽ giải thích cho khách hàng các điều khoản bất lợi, nhiều rủi ro.
Tuy nhiên với những hợp đồng có sự bất cân xứng về quyền - nghĩa vụ giữa các bên tham gia mà khách hàng đã trót giao kết thì thực tiễn xét xử cho thấy Tòa án không chỉ căn cứ vào các điều khoản hợp đồng mà luôn đưa ra phán quyết trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế.
Chẳng hạn cũng trong một vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng, bản án số 84/2023/DS-PT ngày 14/12/2023 của TAND tỉnh Quảng Ninh đã nhận định: Mặc dù trong hợp đồng, các bên có thỏa thuận về cách tính lãi và lãi này được cộng dồn vào số tiền giao dịch hàng tháng để tiếp tục tính lãi, nhưng thỏa thuận này trái với khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự nên không được chấp nhận. Như vậy trường hợp này Tòa án không chấp nhận lãi chồng lãi.
Tôi đã thử làm một bài khảo sát nhỏ đối với những người không am tường pháp luật cũng như những công thức tính toán nhì nhằng. Con gái tôi, 11 tuổi, học lớp 5 đã tròn mắt kinh ngạc, biểu cảm không thốt lên lời, khi được bố hỏi ý kiến: "Con nghĩ xem, giả sử vào năm con ra đời thì A cho B vay 8 triệu, đến nay sau 11 năm A đòi B 8 tỷ thì thế nào?" Đương nhiên tất cả chúng ta đều kinh ngạc nếu ta biết tính toán và có nhận thức để ước lượng được độ lớn của con số 8 triệu đồng và 8 tỷ đồng.
Trong mỗi vụ tranh chấp, đương nhiên mỗi bên sẽ cố gắng chỉ ra mình hành xử đúng khi chiếu theo pháp luật và nội dung hợp đồng đã giao kết. Trong câu chuyện này, ngân hàng cũng phát đi thông cáo báo chí về điều đó, cố gắng chứng minh mình làm đúng luật và đúng giao kèo? Tôi không đưa ra kết luận trong bài viết này. Chúng ta chờ diễn biến cuối cùng của sự việc cũng như phán quyết của cấp có thẩm quyền.
Nhưng, theo quan sát của tôi thì không phải tự nhiên mà xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí cũng như mạng xã hội về sự việc. Chúng ta có thể giải thích sự việc căn cứ vào những công thức toán học khô khan về nghĩa vụ với nợ quá hạn, về phí phạt, về lãi chồng lãi… Nhưng công thức như vậy liệu đã đủ chưa?
Theo dõi rất nhiều những vụ khủng hoảng truyền thông vài năm qua, tôi nhận thấy rõ tổ chức liên quan thường khẳng định ngay từ đầu là: Tôi có LÝ. Nhưng thứ quan trọng nhất cần chỉ ra trong lúc đó (mà dư luận luôn muốn nghe) theo tôi phải là: Tôi có TÌNH NGƯỜI.
Pháp luật là công cụ để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ con người chứ không phải để áp dụng một cách máy móc. Điều đó Montesquieu, triết gia người Pháp thời kỳ "Khai sáng", đã viết từ 300 năm trước mà luôn thời sự, không bao giờ cũ.
Cuốn sách của Montesquieu mà giới luật chúng tôi luôn nhớ nằm lòng có tên là "De l'esprit des lois" (Bàn về tinh thần của pháp luật). Montesquieu cho rằng "pháp luật" (loi) có "tinh thần" (l'esprit), tức là nó có thuộc tính của con người. Chỉ con người mới có tinh thần, mới có tâm tư, tình cảm. Montesquieu nhân cách hóa để nói rằng pháp luật do con người đặt ra, để phục vụ con người nên pháp luật phải chứa đựng tình người.
Đạo lý con người là bảo vệ bên yếu thế. Trong một mối quan hệ xã hội, ai yếu thì được che chở. Bởi vậy mà Bộ luật dân sự năm 2015 của nước ta đã ghi nhận những phương thức, nguyên tắc hết sức nhân văn: Cho phép áp dụng "lẽ công bằng" để giải quyết các quan hệ dân sự ("Lẽ công bằng" được định nghĩa là "lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự").
Các quy định pháp luật, những công thức tính toán, hay những điều khoản hợp đồng sẽ chưa đủ nếu không chứa đựng "Lẽ công bằng". Được hay mất, nếu nhìn theo hướng này thì phải chăng mới là đầy đủ và lâu bền.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!