Tâm điểm
Lương Văn Trung

Mặt sáng và tối của bảo hiểm nhân thọ

Từ việc diễn viên Ngọc Lan khóc vì bảo hiểm nhân thọ và một người được cho là làm việc tại công ty bảo hiểm lên báo "mắng" nữ diễn viên, tôi nhớ lại mình từng có nhiều trải nghiệm về lĩnh vực này.

Khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ quen một nữ đại lý bảo hiểm nhân thọ thông qua người nhà của mình. Lúc đó, tôi rất chật vật vì phải nuôi 2 đứa em ruột (từ quê ra thành phố học phổ thông). Nhưng tôi đã phải trải qua những cuộc "khủng bố" về mời chào bảo hiểm, vì đơn giản cô đại lý đó bám tôi hơn bất kỳ sự bám đuổi nào về chuyện tình yêu đơn phương mà tôi đã từng xem qua phim ảnh hay sách vở.

Kết quả là chấp nhận một gói bảo hiểm thấp nhất với thời gian dài nhất và số tiền ít nhất để thoát khỏi "mối tình" đó. Tất nhiên, tôi chỉ đóng một lần rồi nói lời tạm biệt.

Vào đầu năm 2006, tôi phụ trách toàn bộ vấn đề pháp lý và tuân thủ của một công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới có hoạt động tại Việt Nam, được cử đi đào tạo ở Hong Kong và Singapore để phục vụ công việc của mình.

Khi đó, tôi từng tiếp nhận những vụ việc đại lý bảo hiểm thu tiền phí mà không nộp về công ty, có khách hàng bán rau quả ở chợ mua bảo hiểm đến mức phải vay nặng lãi để không mất tiền đã đóng, đại lý quảng cáo cả khả năng chạy án... Tôi đã mạnh tay xử lý các đại lý vi phạm đến mức Tổng Giám đốc phải nói với tôi là nếu tôi làm vậy thì ông ta sẽ sớm mất chức vì doanh thu không đạt.

Tôi cũng đã từng can thiệp những vụ từ chối bảo hiểm vì khách hàng bị tàu hỏa đâm chết (bị suy đoán là tự tử để trục lợi bảo hiểm). Tôi bảo: nếu muốn chết để trục lợi bảo hiểm thì có hàng ngàn cách chết, và nếu có chết người ta vẫn muốn toàn thây; vậy tại sao họ phải chọn cách này? Giả sử họ chọn vậy, việc "làm ngơ" mục đích đó có tạo ra nhiều vụ lao vào tàu hỏa để trục lợi bảo hiểm hay không? Sau đó, công ty đồng ý bồi thường.

Mặt sáng và tối của bảo hiểm nhân thọ - 1

Hãy nhớ rằng, nếu không có tiền đóng bảo hiểm trong khoảng 3-5 năm đầu thì gần như là sẽ mất hết (Ảnh minh họa: IT).

Tương tự, có vụ bảo hiểm phụ là bảo hiểm thương tật bộ phận vĩnh viễn khi khách hàng bị tai nạn và hỏng hết cả bàn chân nhưng lại có ngón út còn phản ứng (có thể "ngoe nguẩy"). Khi ra tòa, tôi đề nghị tòa không ghi biên bản và tôi nói với khách hàng (nguyên đơn) rằng ngón chân út tuy còn cử động nhưng không có ý nghĩa gì cho tác dụng của một bàn chân. Do đó, khách hàng đừng oán hận công ty mà chỉ đơn giản là làm sao để "ngón chân út không còn phản ứng" vì hợp đồng định nghĩa rõ về sự tê liệt hoàn toàn bàn chân; vì thế nếu có kết luận ngón chân trái không còn "ngoe nguẩy", tôi đảm bảo là công ty sẽ trả tiền.

Kết quả là tòa hoãn phiên xử, khách hàng sau đó có xác nhận là "ngón chân út không còn phản ứng" và công ty trả tiền. Khách hàng đó gọi điện cảm ơn tôi và muốn "lại quả". Tôi từ chối và nói rằng "chị chỉ cần đừng nói xấu công ty em nữa là được".

Quay lại chuyện bảo hiểm nhân thọ, theo luật và/hoặc quy tắc đạo đức nghề nghiệp: đại lý bảo hiểm phải tìm hiểu và đánh giá điều kiện kinh tế và nhu cầu của khách hàng để quyết định có mời họ mua bảo hiểm hay không, rồi tư vấn cho họ nên mua ở mức nào.

Đại lý cũng phải giải thích đầy đủ các điều khoản của hợp đồng. Điều tối thiểu là đại lý phải nói rõ với khách hàng việc kê khai trung thực các vấn đề sức khỏe và tiền sử bệnh.

Đây là điểm mà đại lý ít làm nhất và khách hàng lơ là nhất. Lý do là đại lý thường là "quá nhiệt tình" khi hỗ trợ khách hàng kê khai và họ đều chọn "không" về tiền sử bệnh của khách hàng, trong khi công ty bảo hiểm không từ chối bảo hiểm khi khách hàng có rủi ro về sức khỏe và bệnh tật - vì đơn giản là sản phẩm bảo hiểm là để kiểm soát rủi ro.

Trong khi đó, các công ty bảo hiểm đã và luôn ký hợp đồng với hầu hết cơ sở y tế để được cung cấp thông tin về tiền sử bệnh và điều trị của khách hàng khi khách hàng đó chết (và chỉ khi đó chứ không phải khi bán bảo hiểm). Do vậy, họ dễ dàng chứng minh khách hàng đã "lừa dối" hay "vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin".

Bản thân tôi có mua bảo hiểm nhân thọ. Khi đó, tôi khai quá những gì về sức khỏe: như tôi khai hút 40 điếu thuốc lá mỗi ngày trong khi thực tế tôi chỉ hút tối đa là 20 điếu mỗi ngày. Tôi cũng cố tình khai gấp đôi những thói quen xấu như số lần uống rượu bia hàng tuần và lượng rượu bia dùng mỗi lần. Bao nhiêu tiền sử của tôi và gia đình tôi đều khai hết.

Đại lý bảo tôi: "sao anh lại khai kỹ vậy?". Tôi trả lời rằng: "Nếu tôi còn sống đến khi bảo hiểm hết hạn thì tôi có thể không cần số tiền đó. Nhưng nếu tôi chết trước khi đó thì vợ con và người thân của tôi cần số tiền bảo hiểm, hay ít nhất tôi nghĩ họ cần. Do đó, tôi không cho phép xảy ra việc họ không nhận được tiền bảo hiểm và tôi còn bị công ty bảo hiểm hay luật sư của công ty nguyền rủa tôi là "lừa dối" hay "vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin" sau khi tôi chết". Đây là lý do tôi thà trả thêm tiền, vì rủi ro cao còn hơn mục đích khi mình còn sống không đạt được nếu lỡ mình qua đời.

Tôi biết có ngân hàng hàng ép khách hàng VIP mua bảo hiểm khi cho vay một khoản tiền, mà tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm hay ngoại tệ đang gửi ở ngân hàng đó (nếu không mua thì lãi suất cao hơn). Xét ở bất cứ khía cạnh nào, đó là hành động thiếu đạo đức. Nếu ai có thông tin thì sẽ hiểu rằng bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) lợi nhuận cao và đáng thèm muốn ra sao, từ cả công ty bảo hiểm và ngân hàng.

Do đó, ngân hàng ép khách hàng mua dù khách hàng và có thể thể cả gia đình khách hàng đã mua bảo hiểm rồi (hay đã có sản phẩm bảo hiểm đủ để đảm bảo các rủi ro cho toàn gia đình). Nói cách khác, nhiều sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng ép khách hàng phải mua không khác gì phải mua thêm một đôi giày để đi dùng cùng một đôi giày khác vào một thời điểm. Đó là chưa nói đến việc khách hàng chỉ phải mua (bị ép mua) một năm mà ngân hàng không quan tâm khách hàng có tiếp tục theo đuổi hợp đồng đó không hay vứt bỏ nó.

Từ kinh nghiệm và hiểu biết của cá nhân, tôi xin nêu một số lưu ý với những ai có ý định mua bảo hiểm nhân thọ:

Thứ nhất, không nên dùng quá 20% thu nhập để mua bảo hiểm. Hãy nhớ rằng nếu không có tiền đóng trong khoảng 3 - 5 năm đầu thì gần như là sẽ mất hết.

Thứ hai, đừng vì cả nể với một đại lý mà gật bừa và ký bừa. Cũng nên hiểu họ hưởng hoa hồng từ khoản phí mình đóng rất lớn trong 3 năm đầu nên có thể "mặc cả" "chung chi" lại một ít.

Thứ ba, đừng ký vào biên bản xác nhận đã được tư vấn đầy đủ khi chưa thực sự được tư vấn.

Thứ tư, đừng bao giờ để đại lý trả lời hộ mình phần sức khỏe (hay tiền sử về bệnh tật và sức khỏe).

Thứ năm, đừng nghe sự hấp dẫn về kết quả của hợp đồng khi đáo hạn hay chết nếu chưa cân nhắc liệu mình có khả năng theo đuổi hợp đồng đó không.

Thứ sáu, hãy luôn nhớ quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm vào bất cứ thời điểm nào trong thời hạn 14 hay 21 ngày kể từ ngày ký, dù hợp đồng đó đã ràng buộc đầy đủ với công ty bảo hiểm.

Thứ bảy, hãy nhớ rằng hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng được soạn sẵn và mọi giải thích về các điều khoản hợp đồng khó hiểu đều theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm.

Thứ tám, hãy nhớ rằng tuy điều khoản hợp đồng bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê duyệt, nhưng đừng nên tin sự phê duyệt đó là mặc định có lợi cho khách hàng;

Thứ chín, đừng suy đoán tự động đại lý bảo hiểm đến với mình vì muốn chào mình một sản phẩm để giúp mình an tâm về tương lai. Có thể cả nể với ai đó hay đại lý bảo hiểm về chuyện đi ăn nhậu, du lịch hay bất cứ cái gì nhưng đừng tin họ về sản phẩm bảo hiểm nếu chưa hiểu nó là gì, có phù hợp với điều kiện kinh tế và các rủi ro hay mối lo ngại về tương lai của mình hay không.

Tóm lại, bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai (khó hoặc không thể kiểm soát). Nhưng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thất bại chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết (có thể do quá tin tưởng vào đại lý thiếu hiểu biết hoặc đạo đức nhưng thừa tham vọng).

Các nước phát triển đều có tỷ lệ người dân mua bảo hiểm rất cao (thường là trên 60%). Tuy nhiên, một lựa chọn đúng và phải chịu trách nhiệm là sự lựa chọn dựa trên thông tin đầy đủ và tự do ý chí, chứ không phải sự cả nể, ảo tưởng, lạc quan tếu hay thiếu hiểu biết.

Tác giả: Ông Lương Văn Trung là luật sư thành viên sáng lập của Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC, thường trú tại TPHCM. Ông Trung có hơn 23 năm kinh nghiệm tư vấn pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài, chứng khoán và giao dịch vốn, tài trợ dự án, đầu tư tư nhân, thương mại và doanh nghiệp, 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm soát tuân thủ hoạt động chung của doanh nghiệp và đầu tư.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!