Tâm điểm
Lang Minh

Thuật toán có vô tình với shipper?

Trong bộ phim Xuôi ngược dòng đời (Upstream) khá đình đám đầu năm 2025, nam chính - lập trình viên bị sa thải ở tuổi 45 phải chuyển sang làm người giao hàng cho hãng xe công nghệ - phải chịu cú sốc nghề nghiệp nặng nề khi khách hàng ở khu vực có số địa chỉ không rõ ràng, lại còn gửi nhầm địa chỉ làm anh giao chậm.

Khách không xin lỗi, còn bắt anh phải xin lỗi chỉ vì anh là người giao hàng "thấp kém", nếu anh không chịu sẽ bị đánh giá một sao. Nam chính đã phải gạt bỏ lòng tự trọng mà cúi đầu nhục nhã chỉ vì một sao đó đi liền với khoản tiền phạt rất lớn. Anh còn cha già đang bệnh, nợ tiền mua nhà.

Chỉ vài ngày sau, đó đã không còn là cảnh phim nữa. Một khách hàng ở Đà Nẵng chậm thanh toán tiền hàng nhưng lại đánh dấu một sao và yêu cầu shipper (người giao hàng) phải xin lỗi. Vì muốn được xóa 1 sao đó - tương đương khoản phạt 500.000 đồng - shipper buộc phải gặp khách hàng rồi trở thành nạn nhân của vụ ẩu đả đến tử vong.

Thuật toán có vô tình với shipper? - 1

Chị Đinh Thị Đào, vợ anh Trần Thành - shipper nghi bị đánh tử vong vào tối 17/1 - cùng con gái 5 tuổi (Ảnh: Hoài Sơn).

Phần nhiều chúng ta phải bật lên câu hỏi: tại sao shipper không tranh cãi cái quy định phạt cao đến vô lý (gấp 125 lần khoản thu nhập khi được giao thành công) với "đối tác" - công ty giao hàng công nghệ; hoặc tin tưởng vào "đối tác" sẽ giải quyết vấn đề một cách công bằng khi shipper có bằng chứng rõ ràng là khách hàng tạo ra mâu thuẫn trước.

Một phần câu trả lời có trong bộ phim kể trên: thuật toán. Khi nam chính hỏi quản lý tại sao sa thải anh khỏi vị trí lập trình viên trưởng, câu trả lời là: anh phải tôn trọng thuật toán tối ưu nhân sự do chính anh làm ra chứ. Khi nam chính hỏi quản lý hãng giao hàng tại sao mình bị trừ lương dù người sai là khách hàng, quản lý cũng chỉ vào màn hình, một phép toán tính lương tự động được phô ra, ý rằng đi mà cãi nhau với máy tính.

Tại sao phần mềm vô tri lại trở thành công cụ kiểm soát hành vi (đôi khi là số phận) của người lao động trong nền kinh tế chia sẻ hoặc nền kinh tế truy cập (gig); làm cho họ mất đi khả năng phản biện lại các khoản quy định (dù là người có trình độ cao) và thiếu tin tưởng vào sự công bằng khi xảy ra tranh chấp.

Quay lại những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi quá trình công nghiệp hóa gần như loại bỏ sản xuất thủ công kiểu cộng đồng, giới chủ và người lao động ngày càng xa lạ với nhau, làm nảy sinh nhu cầu giám sát cao độ. Hình ảnh nổi tiếng nhất là Henry Ford tuần tra quanh nhà máy với chiếc đồng hồ bấm giờ trên tay để đảm bảo thao tác của công nhân phải chuẩn từng phút một. Càng ngày, hành vi giám sát càng có xu hướng thô bạo hơn: đi vệ sinh không được quá 30 giây, bị ghi hình và ghi âm liên tục trong giờ làm,…

Nỗi ám ảnh phải giám sát lẫn nhau, cùng với tiến bộ về công nghệ đã sinh ra nền kinh tế gig, giúp cho người lao động và người sử dụng lao động không phải ở trong sự bức bối ấy nữa mà thành "đối tác linh hoạt" thông qua một nền tảng mạng. Mọi hành vi của các bên (mua bán, đánh giá, giao tiếp, hiệu suất,…) đi qua nền tảng này đều được dữ liệu hóa lại thành các con số, rồi con số được bỏ vào trong một thuật toán - các phép tính được thiết lập sẵn - để tự động trả ra kết quả cũng là các con số quyết định mọi thứ: từ lương thưởng, hạn mức cho đến trình độ hay thái độ sống.

Ưu điểm "khách quan" này chứa một điểm chí tử: Nếu con số và phép toán đầy quyền năng này "có vấn đề" thì sao? Và khi "vấn đề" xảy ra thì con số không tổn thương nhưng con người thì có.

Con số - dữ liệu - thuật toán không hề khách quan như nó tỏ ra ở mấy điểm:

Một là, con số khó mà bao quát hết các tình huống nhân sinh. Một điểm 2/10 do hiệu quả lao động kém, không hề phân biệt được nhân viên lười lao động và nhân viên đang có vấn đề về sức khỏe. Đôi khi điểm 2 đó còn có thể đến từ những kẻ phân biệt chủng tộc hay giai cấp.

Hai là, sự thiếu minh bạch của thuật toán (các phép toán không được công bố công khai hoặc quá phức tạp với trình độ phổ thông,…) có khả năng giúp giới chủ công nghệ đảm bảo lợi ích tuyệt đối cho bản thân, đẩy rủi ro về phía người lao động. Khi có tranh chấp, họ sẽ trốn sau các con số để nói rằng "đó là khách quan, bạn không thể thắng được hệ thống dữ liệu tự động" và người lao động khó mà thách thức lại được những thiết kế công nghệ ngày càng như ma trận. Con số thưởng phạt có thể tự động hóa hoàn toàn theo từng giây, nhưng rà soát quyền lợi cho người lao động thì "phần mềm đang cập nhật" - một cái cớ hoàn hảo.

Ba là, toàn bộ quá trình lao động bị phụ thuộc vào nền tảng thuật toán dẫn đến sự mất công bằng quyền lực nghiêm trọng. Giới chủ công nghệ có thể đặt ra luật chơi tùy thích bởi họ nắm được nền tảng công nghệ, buộc các bên phải bị cuốn theo. Khách hàng (người trả tiền nuôi thuật toán) được ban phát quyền lực đánh giá người lao động tùy thích mà gần như không bị kèm trách nhiệm nào tương đương. Do đó, tiếng nói của người lao động trở nên yếu ớt bởi không hề có đối trọng nào được thiết kế trong thuật toán cả.

Bốn là, giá trị lao động (không chỉ là tiền lương; mà còn là niềm vui, sự kết nối, lòng kiên trì, kiến tạo cái mới…) bị co rút vào một vài con số vô hồn khiến cho người lao động trở nên cô đơn, mất kết nối với công việc của chính mình. Họ chỉ lao động trong nỗi sợ nơm nớp có ai cho mình điểm kém - một kiểu "giám sát mềm" đẩy người lao động vào tình trạng im lặng hay quỳ mọp, tự hạ thấp bản thân bởi họ chỉ là một con số trên bảng tính.

Hệ quả là, họ tiếp tục đứt kết nối với cộng đồng xung quanh. Tất cả chỉ là con số lạnh lẽo, là việc của người với máy chứ không phải người với người. Đây mới là điều tôi thấy đau lòng nhất với sự kiện shipper tử vong, bởi anh đã không tìm sự giúp đỡ của đồng nghiệp hay làng xóm; tự mình đi giải quyết trong tuyệt vọng bởi "đó chỉ là con số". Không, đó còn là danh dự, tự trọng, lẽ công bình mà đáng ra anh và cộng đồng shipper của anh phải có.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!