PhotoStory

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu

Thực hiện: Minh Nhật - Ngọc Minh

(Dân trí) - Đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp vì có nhiều bệnh cảnh khác nhau: Xuất huyết do thoát dịch, sốc do giảm tiểu cầu và chảy máu...

Bất ngờ xuất hiện tình trạng sốt cao, ho húng hắng, chị Lài (tên nhân vật đã được thay đổi), 41 tuổi, sống tại Ứng Hòa (Hà Nội) vội đến cơ sở y tế gần nhà thăm khám.

Được xác định mắc sốt xuất huyết, chị Lài được bác sĩ kê đơn thuốc uống 5 ngày. Tuy nhiên đến ngày thứ hai của bệnh, người mệt nhiều, chị Lài tái khám và nhập viện điều trị nội trú.

Qua 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh tiếp tục nặng hơn, chị Lài được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sĩ xác định, nữ bệnh nhân bị sốt xuất huyết diễn biến nặng được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 1

Chị Lài hiện cũng là một trong 4 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhất được điều trị tại bệnh viện tuyến cuối về bệnh truyền nhiễm này.

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân có tình trạng chảy máu rất nhiều ở cơ thẳng bụng và cơ chậu. Khi được chuyển lên khoa, bệnh nhân được can thiệp thở máy và điều trị vấn đề chảy máu, sốc. 

Hiện tại tình trạng xuất huyết đã ổn định hơn, bệnh nhân tỉnh táo, khả năng hô hấp cải thiện".

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 2
Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 3

"Kinh hoàng" là cách bà Hòa (tên nhân vật đã được thay đổi), mẹ chồng chị Lài, mô tả về những ngày con dâu thập tử nhất sinh vì sốt xuất huyết.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 4

Bà nói rằng, không thể ngờ sốt xuất huyết có thể nặng nề đến như vậy.

"Mấy ngày qua, hai bố con nhà nó khóc hết nước mắt. May mắn là giờ đây cháu đã hồi phục", bà Hòa chia sẻ.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 5

Từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tăng lên đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 6

Có khoảng 5% bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại viện có tình trạng nặng. Theo BS Phạm Văn Phúc, đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp vì có nhiều bệnh cảnh khác nhau, bao gồm: Xuất huyết do thoát dịch, sốc do giảm tiểu cầu và chảy máu...

Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân sốt xuất huyết phải thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực đa phần đều là bệnh nhân trẻ nhưng diễn biến rất nặng nề.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 7

"Một trường hợp đặc biệt nặng là sản phụ 28 tuổi. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được mổ can thiệp lấy thai. Tuy nhiên, bệnh nhân có tình trạng chảy máu rất nhiều ở tất cả các vị trí trong ổ bụng. Đặc biệt các vết mổ chảy máu liên tục bởi tình trạng giảm tiểu cầu nặng", BS Phúc phân tích.

Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực. Các bác sĩ bắt đầu lao vào một cuộc chiến đầy rẫy những khó khăn.

"Tiên lượng tử vong của bệnh nhân tại thời điểm được chuyển đến khoa là rất cao. Mỗi ngày, tất cả các chế phẩm máu (hồng cầu, tiểu cầu, yếu tố đông máu) cần truyền cho bệnh nhân là khoảng 2 lít.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 8
Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 9

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải can thiệp thở máy và điều trị nhiều vấn đề khác", BS Phúc phân tích.

Tính đến nay, người phụ nữ này phải truyền tổng cộng 58 đơn vị các loại chế phẩm máu, tương đương hơn 11 lít máu.

Bệnh nhân tạm thời ổn định hơn về các chỉ số đông máu, tiểu cầu trở lại bình thường, các vết mổ không còn chảy máu. Bệnh nhân hiện đã thoát nguy kịch và đang được cho thở máy.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 10

Trường hợp phải thở máy nhỏ tuổi nhất tại Khoa Hồi sức tích cực là bệnh nhân 11 tuổi. Bệnh nhân đã nằm viện ngày thứ 4 tuy nhiên tình trạng sốc vẫn rất nặng, chảy máu vẫn còn tiếp diễn.

"Đây là ca bệnh sốt xuất huyết nặng nề nhất mà chúng tôi đang điều trị. Bệnh nhân vẫn đang bị giảm tiểu cầu ở trong tình trạng sốt, phải can thiệp lọc máu", BS Phúc phân tích.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 11

Theo BS Phúc, bệnh nhân sốt xuất huyết cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa sẽ đảm bảo an toàn hơn rất nhiều. Bệnh nhân sẽ được phát hiện sớm triệu chứng cảnh báo diễn biến nặng để có thể nhập viện và điều trị kịp thời.

Tuyến cuối chữa sốt xuất huyết: Chạy đua cứu bệnh nhân cô đặc máu - 12

Đáng chú ý, bệnh nhân sốt xuất huyết thông thường 1-3 ngày đầu sẽ sốt rất cao, mệt mỏi. Tuy nhiên, đây lại chưa phải thời điểm nguy cơ nhất. Đến ngày thứ 3 - thứ 7 của bệnh, khi cơn sốt đã hạ, bệnh nhân ngỡ đã gần khỏi lại là giai đoạn nguy cơ xảy ra các biến chứng.

"Đối với người bệnh ở trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết, đặc biệt là ở Hà Nội, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người nên đến cơ sở y tế gần nhất tầm soát tìm nguyên nhân.

Nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tái khám của bác sĩ để có lộ trình chăm sóc sức khỏe tốt nhất", BS Phúc khuyến cáo.

Ảnh: Khánh Đỗ