Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng nóng, người trẻ cũng nguy kịch vì cô đặc máu

Minh Nhật

(Dân trí) - Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có hơn 12.000 ca sốt xuất huyết. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng do tràn dịch, chảy máu.

Sốt xuất huyết bùng nổ: Người trẻ cũng nguy kịch vì cô đặc máu

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) hiện đang điều trị hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết. Các bệnh nhân phân bố ở nhiều khoa như: Virus - Ký sinh trùng, Nội tổng hợp, Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Nhi…

Đáng chú ý, theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đơn vị này có 4 bệnh nhân nguy kịch vì sốt xuất huyết, phải thở máy.

Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng nóng, người trẻ cũng nguy kịch vì cô đặc máu - 1

Điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết (Ảnh: Minh Nhân).

Theo BS Phúc, ca bệnh sốt xuất huyết năm nay không tăng đột biến, tuy nhiên diễn biến chuyển nặng của bệnh nhân rất khó lường.

"Các bệnh nhân đa số vào viện ở ngày thứ 5-6 của bệnh. Trước đó, bệnh nhân đều có một thời gian tự theo dõi và điều trị tại nhà", BS Phúc cho hay.

Đáng chú ý, trong số 4 trường hợp đang phải thở máy, ca nhỏ tuổi nhất chỉ mới 11 tuổi, lớn tuổi nhất là 48 tuổi.

"Các bệnh nhân gặp tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, sốc do thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu. Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt và điều trị hồi sức cho các bệnh nhân", BS Phúc nhấn mạnh.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân tự truyền dịch tại nhà khi mắc sốt xuất huyết thay vì đi khám, dẫn đến bệnh diễn biến nặng không được ngăn chặn kịp thời.

Theo ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.

Lúc này bệnh nhân nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

"Bệnh nhân nên bù nước điện giải bằng đường uống, như oresol. Bệnh nhân nên hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà. Khoảng ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh cần tái khám, để đánh giá nguy cơ sốt xuất huyết Dengue nặng", BS Bắc cho hay.

Ngoài ra, bệnh nhân có các dấu hiệu cảnh báo sau cần đi khám ngay: Khó chịu nhiều mặc dù đã đỡ sốt, đau bụng, nôn ói nhiều, mệt lả, bứt rứt, tay chân lạnh, ẩm, chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo, thay đổi ý thức như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

Hà Nội chiếm gần một nửa số  ca sốt xuất huyết của cả nước

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 5.600 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó chỉ riêng Hà Nội ghi nhận 2.400 ca mắc sốt xuất huyết với 95 ổ dịch, chiếm gần một nửa số ca mắc của cả nước.

Tính từ đầu năm đến 24/9, toàn thành phố đã ghi nhận 12.776 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn); có 3 trường hợp tử vong tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng nóng, người trẻ cũng nguy kịch vì cô đặc máu - 2

Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue/100.000 dân theo quận, huyện, thị xã tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Chụp màn hình).

Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.000 trường hợp; số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (3.698 ca mắc, 5 tử vong)… Dự báo, tình hình bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai (968), Thạch Thất (889), Thanh Trì (828), Hà Đông (781), Phú Xuyên (764), Đống Đa (715), Cầu Giấy (708), Nam Từ Liêm (643), Đan Phượng (593), Bắc Từ Liêm (549), Thanh Oai (533).

Một số xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Phùng Xá, Hữu Bằng, huyện Thạch Thất; Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; Định Công, phường Hoàng Mai; Tân Lập, huyện Đan Phượng; Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa…

Toàn Thành phố đã ghi nhận 870 ổ dịch, hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động.

Tập trung cao điểm cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.

Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng nóng, người trẻ cũng nguy kịch vì cô đặc máu - 3

Hà Nội tăng cường các biện pháp chống dịch sốt xuất huyết (Ảnh: Sở Y tế).

Trong 9 tháng đầu năm, đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 5.200 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở).

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức giám sát sốt xuất huyết tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Cộng dồn đến ngày 21/9, đã giám sát 720 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư.

Kết quả có 359/720 (chiếm 50%) số lượt điểm có chỉ số vượt ngưỡng nguy cơ…

Ngoài ra, CDC Hà Nội đã thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết năm 2023. Kết quả, ghi nhận công tác xử lý dịch chưa được triệt để tại hầu hết các điểm giám sát, chỉ số muỗi, bọ gậy ở ngưỡng cao sau xử lý…

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng.

Các nhà chuyên môn cho rằng, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10 và 11. Do đó, các sở, ngành các cấp cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các giải pháp phòng bệnh hiệu quả.

"Thời tiết mưa - nắng thất thường là điều kiện phù hợp để muỗi sinh trưởng và phát triển làm nguồn gây bệnh sốt xuất huyết. Để giải quyết triệt để, cần phải cắt đứt nguồn lây bệnh…", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lưu ý.