DMagazine

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM

(Dân trí) - "Ngày rời Chợ Rẫy sang đây nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ khi tham gia điều trị tại trung tâm hồi sức Covid-19.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM

(Dân trí) - "Ngày rời Chợ Rẫy sang nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ khi tham gia điều trị tại trung tâm hồi sức Covid-19.

Từ Khoa hồi sức ở Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng, rồi Bắc Giang, bác sĩ CKII Trần Thanh Linh cùng đồng nghiệp luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của dịch Covid-19, trực tiếp điều trị, giành lại mạng sống cho nhiều bệnh nhân nguy kịch trước lưỡi hái của tử thần. Trong đó, có bệnh nhân phi công người Anh và gần nhất là chiến sĩ Công an quận Tân Phú. 

Khi khu nội trú Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 tại TP Thủ Đức được chuyển đổi công năng thành Bệnh viện hồi sức cấp cứu 1.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch từ ngày 14/7, bác sĩ Linh và đồng đội ngay lập tức có mặt.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 1

Từ Khoa hồi sức ở Bệnh viện Chợ Rẫy đến Đà Nẵng, rồi Bắc Giang, bác sĩ CKII Trần Thanh Linh cùng đồng nghiệp luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của dịch Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa).

Bệnh nhân nặng bật khóc khi tỉnh dậy

"Ngày rời Chợ Rẫy sang đây nhận nhiệm vụ, chúng tôi nói với nhau có lẽ đây là trận chiến lớn nhất trong cuộc đời của mình. Chúng tôi cũng mong đây sẽ là trận chiến cuối cùng", bác sĩ Linh hy vọng.

Trong 1.000 giường của bệnh viện hồi sức mới thành lập, 100 giường dự kiến để điều trị các bệnh nhân nguy kịch, 900 giường dành cho các bệnh nhân hồi sức giai đoạn nặng.

Hiện tại, bệnh viện đã điều trị tổng cộng 60 bệnh nhân hồi sức nguy kịch và thu dung gần 100 trường hợp hồi sức nặng. Trong các bệnh nhân nguy kịch, 50 trường hợp phải thở máy, 10 bệnh nhân thở oxy dòng cao, 6 người phải lọc máu liên tục, một ca phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Ngay trong đêm 15/7, bác sĩ Linh cùng đồng nghiệp di chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu, làm ECMO cho một thai phụ mắc Covid-19 diễn biến nguy kịch và chuyển về bệnh viện hồi sức lúc 2h sáng 16/7. Thai phụ này mang thai 35 tuần, suy hô hấp, phổi chuyển biến xấu và đã mổ lấy thai. Đứa trẻ sau khi chào đời được chăm sóc tại Bệnh viện Trưng Vương.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 2

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt ở những điểm nóng nhất của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay (Ảnh: Hữu Khoa).

"Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng đọc tin tức thấy con số tử vong tăng cao rất lo lắng. Sau khi hôn mê và phải thở máy, đến lúc tỉnh dậy nhiều người bật khóc, nghĩ về cơ hội sống của mình. Chúng tôi dù cực nhọc, mệt mỏi nhưng chỉ cần giành giật được mạng sống cho người bệnh là lại có động lực tiếp tục chiến đấu", bác sĩ Linh chia sẻ.

Căng thẳng bên trong Trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 lớn nhất Việt Nam

Giữa căn phòng với những tiếng ho không ngớt của bệnh nhân Covid-19, điều dưỡng Huỳnh Như Tường Vy bắt đầu ngày làm việc thứ 4 tại bệnh viện hồi sức 1.000 giường. Các ê kíp y bác sĩ tại đây làm việc theo 3 ca: 7h-14h; 14h-21h; 21h-7h sáng hôm sau. 

Nữ điều dưỡng được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự khó khăn lớn nhất của bản thân là làm thế nào giữ sức khỏe để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh. Mệt rã rời sau mỗi ca làm việc, điều dưỡng Vy chỉ sợ kiệt sức hoặc không may phơi nhiễm, không thể cùng đồng nghiệp tiếp tục tham gia điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.

"Phải mặc trang phục bảo hộ kín mít suốt 7 tiếng liên tục, không dám đi vệ sinh, hết ca mới được cởi ra vì mỗi lần như vậy rất mất thời gian cũng khó chịu nhưng phải cố gắng. Mình đã xác định đây không phải là cuộc chiến ngày một ngày hai là kết thúc", nữ điều dưỡng nói.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 3

Các y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nặng tại bệnh viện hồi sức Covid-19 ở TP Thủ Đức (Ảnh: Hữu Khoa).

Chiến đấu cho cả phía Nam, không chỉ riêng TPHCM

Tại bệnh viện hồi sức 1.000 giường cho bệnh nhân Covid-19 vừa được thành lập, lực lượng nhân viên y tế ở đây được bác sĩ Linh ví như "Liên Hợp Quốc".

Không chỉ có nhóm nhân sự từ Bệnh viện Chợ Rẫy, nhân lực tinh nhuệ nhất về hồi sức của các bệnh viện lớn tại TPHCM, như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đều tham gia điều trị tại cơ sở này. Ngoài ra, còn có các lực lượng nhân viên y tế chi viện từ các tỉnh khác do Bộ Y tế điều động.

Không chỉ nhân lực, các trang thiết bị tại bệnh viện hồi sức 1.000 giường cũng được huy động từ cả các bệnh viện công và tư nhân của TPHCM và được Bộ Y tế hỗ trợ.

Hiện bệnh viện này đã có 4 máy ECMO được mang từ Bệnh Chợ Rẫy sang, sắp tới sẽ huy động thêm một số máy ECMO chưa sử dụng của Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Đại học Y Dược, trong trường hợp cần thiết sẽ bổ sung từ các cơ sở y tế khác tại phía Nam. Bác sĩ Linh ước tính cần ít nhất 10 máy ECMO và có thể lên tới 15.

Mọi sự chuẩn bị đều không thừa khi biến thể Delta lần này có tốc độ lây lan nhanh. Bác sĩ Linh cho biết các phương án xử lý bệnh cũng phải thay đổi liên tục. Sau một tuần mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân sẽ diễn biến nặng. Với lượng ca bệnh lớn, số bệnh nhân nguy kịch cũng tăng lên, đặc biệt là nhiều bệnh nhân lớn tuổi, có sẵn bệnh lý nền.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 4

Một nữ điều dưỡng được điều động từ Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự khó khăn lớn nhất của bản thân là làm thế nào giữ sức khỏe để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh (Ảnh: Hữu Khoa).

Bác sĩ CKII Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết theo kế hoạch, 340 bác sĩ, hơn 1.000 điều dưỡng, 500 nhân viên hành chính sẽ hỗ trợ cho trung tâm hồi sức 1.000 giường Covid-19 đặt tại đây.

"Bệnh viện sẽ chiến đấu cho cả khu vực phía Nam, không chỉ riêng cho TPHCM", bác sĩ Tuấn khẳng định. 

Lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế đã cam kết sẽ hỗ trợ, có cơ chế đặc thù giải quyết nhanh việc cung cấp tất cả trang thiết bị, điều động nhân sự cần thiết để bệnh viện điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Dù cơ sở hạ tầng, vật chất của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 rất tốt do mới hoạt động từ cuối năm 2020, nhưng bệnh viện này không được xây dựng với mục đích ban đầu trở thành đơn vị hồi sức chuyên sâu, điều trị bệnh truyền nhiễm. Do đó, các bác sĩ phải triển khai khối lượng việc lớn từ phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo đến chuẩn bị phương án nhân sự hợp lý từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh, hành chính, hậu cần quản trị.

Bác sĩ Linh chia sẻ nhờ các kịch bản điều trị đã được TPHCM dự trù cùng kinh nghiệm qua các trận chiến chống Covid-19 trước, trung tâm hồi sức Covid-19 lớn nhất Việt Nam đi vào hoạt động chỉ sau vài ngày chuẩn bị.

Làm việc không nghỉ trên mọi tuyến

Khi các đồng nghiệp tại bệnh viện hồi sức đang chạy đua với thời gian để cứu sống các bệnh nhân Covid-19 nặng, cũng tại TP Thủ Đức, các y bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (phường An Khánh) chăm sóc cho hơn 3.000 ca F0, phần lớn không có triệu chứng. 

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 5

Các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến theo dõi sức khỏe, lo từng bữa cơm cho bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa).

Được chuyển đổi công năng từ khu căn hộ tái định cư không sử dụng lâu ngày, Bệnh viện dã chiến số 6 thời gian đầu gặp nhiều khó khăn như điện, nước chưa ổn định. Nhân viên y tế tại bệnh viện phải kiêm nhiệm nhiều công việc, kể cả phân phát cơm nước cho từng bệnh nhân. Các bác sĩ phải nghe không ít lời phàn nàn từ việc thiếu nước sinh hoạt hay đưa cơm trễ của các ca F0. 

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc bệnh viện dã chiến số 6 bảo, ông và đồng nghiệp không hề buồn lòng vì điều đó. Rồi bác sĩ Hoàng viết thư mong các bệnh nhân hiểu, chia sẻ với đội ngũ của bệnh viện dã chiến, gõ cửa từng phòng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng trường hợp. 

"F0 vào bệnh viện dã chiến thường bị ảnh hưởng tâm lý và stress nên đội ngũ y bác sĩ trước khi chữa bệnh phải là chỗ dựa về tinh thần để họ vượt qua bệnh tật", ông Hoàng nói. Với các bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe hoặc có chuyển biến triệu chứng nặng, y bác sĩ của bệnh viện dã chiến có mặt ngay lập tức để điều trị, xử lý. 

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 6

F0 vào bệnh viện dã chiến thường bị ảnh hưởng tâm lý và stress nên đội ngũ y bác sĩ trước khi chữa bệnh phải là chỗ dựa về tinh thần để họ vượt qua bệnh tật (Ảnh: Hữu Khoa).

"Thấy được lo từng bữa cơm, ngụm nước, y bác sĩ lấy từng cái mền, cái gối đưa tận tay, tôi cảm thấy rất biết ơn. Nếu bữa cơm có muộn, điều kiện vật chất có thiếu thốn, gia đình tôi đều hiểu mọi người đã cố hết sức và cảm thông. Y bác sĩ cũng đã kiệt sức vì sức người chỉ có hạn nhưng số lượng bệnh nhân quá đông", F0 tên Hoàng gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến số 6.

Từ khi bệnh viện dã chiến và sáng đèn, các kíp nhân viên y tế chia nhau làm việc ngày đêm. Nhóm khám sàng lọc các F từ đơn vị khác chuyển đến, nhóm khác vận chuyển cơm, nước uống, nhu yếu phẩm, nhóm ghi nhận số liệu, cung cấp thông tin phản hồi của bệnh nhân gửi về qua nhóm chat chung.

"Chúng tôi chưa ngưng nghỉ giây phút nào", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Sẵn sàng làm việc không ngừng nghỉ chính là tinh thần chung của tất cả chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại TPHCM để "trận chiến cuối cùng" không chỉ là mong muốn mà sẽ trở thành sự thật như lời bác sĩ Linh.

Trận chiến giành giật mạng sống trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở TPHCM - 7
Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4