DNews

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Nhiều đêm bé ngủ mớ gọi mẹ, nói nhớ mẹ là tôi lại thương. Chỉ mong thằng nhóc luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ, không bị ám ảnh chuyện cũ", người phụ nữ ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TPHCM) trải lòng.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM

"Con trai ơi dậy chưa, ra súc miệng rồi tắm rửa, uống sữa nha con…", tiếng chị Bùi Thị Cẩm Nhung (46 tuổi) nhẹ nhàng, âu yếm. Đoạn, chị lấy tay vuốt đầu, thơm nhẹ vào má cậu bé đang nằm ngáy ngủ ngon lành. Nghe tiếng động, bé trai giật mình bật khóc, nhưng ngước qua thấy bóng dáng quen thuộc liền nhanh chóng ôm chầm lấy, ráo nước mắt.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 1
Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 2

Bé K. được "mẹ" Nhung chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ (Ảnh: Hoàng Lê).

10 tháng hồi phục sau khi bị bạo hành dã man

Nhiều tháng nay, hình ảnh ấy trở nên quen thuộc ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TPHCM), khi nơi đây tiếp nhận chăm sóc cháu H.K. (3 tuổi), nạn nhân bị bạo hành dã man gây rúng động dư luận cách đây không lâu.

Trước đó, vào tháng 4/2023, bé K. được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TPHCM) trong tình cảnh có nhiều vết thương khắp người, gãy biến dạng cánh tay phải, bỏng rộp diện tích 6% vùng ngực, bụng, bẹn và mông. Khai với bác sĩ, gia đình cho biết bé bị cha đánh đập nhiều lần, chích tàn thuốc lá, tưới nước sôi lên người.

Vì tình trạng nặng, bệnh nhi được sơ cứu và chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây ngoài các vết thương đã xác định, các bác sĩ còn phát hiện bé trai bị xuất huyết não, phải chuyển vào khoa Hồi sức chăm sóc tích cực nhiều ngày. Sau khi sự việc bị phanh phui, những người liên quan đến việc bạo hành đã bị công an bắt giữ.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 3

Bé K. thời điểm vừa được đưa vào bệnh viện cấp cứu (Ảnh: CTV).

Ông Hoàng Long, Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp, cho biết, nơi đây không chỉ nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bị bỏ rơi mà còn cưu mang các trường hợp là nạn nhân của việc bạo hành, xâm hại, với số lượng không nhiều.

Bé K. là trường hợp cá biệt mà người thân đã mất năng lực hành vi, dẫn đến việc bạo hành, xâm hại em. Một ngày tháng 4, ngay khi được xuất viện, cơ quan chức năng bàn giao bé vào Làng trong tình trạng một tay bị gãy còn bó bột, vết thương ở mắt và thủng một phần cứng của hộp sọ, có dấu vết của việc bị dội nước sôi từ phần cổ xuống dưới bụng.

Đến nay sau thời gian được tận tình chăm sóc, các vết thương bên ngoài đã lành, chỉ để lại sẹo, thể chất về cơ bản đã dần bình thường. Tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp, bé được chăm sóc theo mô hình gia đình thay thế.

Dùng tình yêu thương để xoa dịu nỗi đau

Tại ngôi nhà bé K. đang ở có tổng cộng 7 anh chị em và một bà mẹ, là người không vướng bận chuyện cá nhân, tình nguyện vào Làng để chăm sóc trẻ. Nhờ vậy, K. có một gia đình mới, với đầy đủ các thành viên như người thân ruột thịt. Mỗi buổi sáng, K. được một chị lớn đưa đi học cùng, giúp bé cảm nhận được sự yêu thương, được bảo vệ.

Ông Long tiết lộ, trải qua hơn nửa năm kể từ khi K. được nhận vào Làng, gia đình chưa có ai đến thăm bé. Chỉ duy nhất một lần, cơ quan công an đưa người bạo hành đến xác minh, giám định xem có phải là cha ruột của nạn nhân hay không.

Đối với các trẻ bị bạo hành, dù có lành vết thương thể xác cũng sẽ còn để lại những ảnh hưởng về tâm lý, biểu hiện bằng việc la hét, tự ti, nổi loạn, có hành vi bất thường cả lúc sinh hoạt lẫn trong giấc ngủ.

Riêng với bé K., đến nay trẻ vẫn phát triển rất ổn định, chưa có dấu hiệu lạ. Dù vậy, bé sẽ được Làng theo dõi sát sao, lâu dài về mặt tinh thần để có phương pháp tiếp cận, hỗ trợ phù hợp, như cho trẻ hòa mình vào tập thể, tổ chức các hoạt động vui chơi kết nối những dịp lễ, Tết…

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 4

Bé K. đã có 10 tháng sống tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp (Ảnh: Hoàng Lê).

"Không có cách nào hơn ngoài việc các bà mẹ trong những ngôi nhà gia đình có tình yêu thương thực sự, chăm sóc trẻ như chính con ruột của mình, để xoa dịu nỗi đau, giúp trẻ thấy có một nơi để mình nương tựa, có người cần báo hiếu để phấn đấu sau khi thành người…", ông Hoàng Long nói.

Y sĩ Vũ Thế Ngoàn, cán bộ y tế, Làng trẻ em SOS Gò Vấp, bồi hồi nhớ lại, khi tiếp nhận bé K., ông và tất cả những ai trông thấy các thương tích trên người con đều không khỏi ngậm ngùi.

"Tôi có đề nghị theo bệnh án của cháu tại bệnh viện, bé phải được đưa đi tái khám theo định kỳ, đồng thời được kiểm tra, chăm sóc các vết thương bỏng kỹ lưỡng, không để bị nhiễm trùng.

Chúng tôi cũng đánh giá vết thương ở sọ não của cháu, xem mức độ thế nào. Dần dần, sức khỏe cháu chuyển biến rất tốt, chức năng di chuyển, sinh hoạt như một trẻ bình thường. Đây là điều tôi rất vui", ông Ngoàn nói.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 5
Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 6
Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 7

Các vết thương trên cơ thể của bé đang lành lại theo thời gian (Ảnh: Hoàng Lê).

Nhìn bé trai hồn nhiên chạy nhảy ngoài sân, nô đùa cùng các anh chị em khác, "mẹ" Cẩm Nhung không khỏi xúc động. Chị kể, lúc mới tiếp nhận, cơ thể bé chịu rất nhiều những giày vò và gần như không thể giao tiếp. Đến 4-5 tháng sau, bé mới bắt đầu tập nói chuyện. Hiện tại, trẻ đã di chuyển nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn ngủ tốt, dù tập ăn cơm còn chậm.

"Nhiều đêm, bé ngủ mớ gọi mẹ ruột, nói nhớ mẹ, đòi mẹ là tôi lại thương. Chỉ mong sao thằng nhóc luôn khỏe mạnh, sống vui vẻ, không bị ám ảnh chuyện cũ. Mong sau này khi lớn lên, bé sớm được gia đình đến đón về bằng sự yêu thương…", mẹ của 7 đứa trẻ tại một nhà gia đình ở Làng SOS Gò Vấp kể về kỷ niệm nhớ nhất với cậu bé từng bị bạo hành.

Nỗi lo đứt gãy khả năng hỗ trợ trẻ bất hạnh

Ông Hoàng Long cho biết thêm, trong giai đoạn Tết Nguyên đán, Làng trẻ em SOS Gò Vấp cũng được nhiều Sở, ban ngành ở TPHCM và Trung ương, cũng như các nhà hảo tâm tổ chức nhiều chương trình chăm lo Tết, xuân yêu thương cho trẻ.

Trong nội bộ, Làng cũng lên một lịch trực Tết chi tiết, tổ chức tất niên cho toàn bộ trẻ trong các nhà gia đình. Đêm 30 Tết, Giám đốc Làng sẽ đón giao thừa cùng trẻ, và sau đó sẽ có hoạt động chúc Tết, lì xì trong Mùng 1. Với những trẻ còn người thân bên ngoài, Làng cũng hỗ trợ cho trẻ được về thăm nhà, với điều kiện gia đình phải đón và ký cam kết bảo vệ trẻ.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 8
Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 9
Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 10

Bé K. có mùa xuân đầu tiên êm đềm tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Riêng với K., đây sẽ là mùa xuân đầu tiên bé không có người thân bên cạnh, và cũng không có nhà để về. Nhưng chắc chắn em không cô đơn, khi được các anh chị em và đặc biệt là "mẹ" Nhung ở lại Làng đón Tết cùng. Đại diện một trong những Làng trẻ em SOS đầu tiên thành lập ở Việt Nam tin tưởng, cháu bé vừa bước sang tuổi lên 3 sẽ có một cái Tết trọn vẹn.

Làng SOS Gò Vấp đang nuôi dưỡng, hỗ trợ cho hơn 230 cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó chỉ có 2 trường hợp cá biệt bị bạo hành. Ông Hoàng Long nhận định, công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ trẻ em của TPHCM nói chung, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nói riêng đạt nhiều hiệu quả tích cực, nên tỷ lệ trẻ gặp vấn đề xâm hại, bạo hành vào Làng có xu hướng giảm qua từng năm.

Dù vậy, khó khăn lớn nhất ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp hiện tại là vấn đề kinh phí hoạt động. Từ năm 2023 đến nay, với tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà tài trợ không đủ nguồn lực về mặt tài chính đã dừng việc hỗ trợ cho một số nước, trong đó có Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Cuộc sống mới của bé trai 3 tuổi bị tưới nước sôi, bạo hành ở TPHCM - 11

Đoàn Thanh niên miền Nam, Báo Dân trí tổ chức hoạt động vui xuân Giáp Thìn 2024 ý nghĩa cho trẻ tại Làng SOS Gò Vấp (Ảnh: Hoàng Lê).

Đặc biệt, Tổ chức SOS quốc tế đã cắt hoàn toàn chi phí hỗ trợ cho Làng trẻ em SOS ở TPHCM, để chuyển sang các khu vực đang đối mặt với chiến tranh, đói nghèo trên thế giới. Trong khi đó, nhu cầu chuyển gửi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong cộng đồng vào Làng vẫn còn rất nhiều. Việc thiếu nguồn tài trợ khiến cho việc tiếp nhận trẻ ngoài cộng đồng bị hạn chế, cũng như đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tại đây.

Để phù hợp với bối cảnh cắt giảm ngân sách, theo kế hoạch, trong năm 2024 Làng trẻ em SOS Gò Vấp phải thu hẹp quy mô, giảm từ 17 nhà gia đình xuống còn 15 nhà, nhiều chế độ của thanh niên bán tự lập đã khiêm tốn nay càng bị cắt giảm.

"Trong tình cảnh trên, chúng tôi mong nhận được sự chung tay đóng góp các nhà hảo tâm để có thể tiếp tục duy trì ổn định hoạt động, định hướng và phát triển về công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong tương lai, thực hiện đúng sứ mệnh của tổ chức Làng trẻ em SOS. Đó là không để đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau", ông Hoàng Long chia sẻ.