DNews

Hiểm họa "chuyển tiền cho shipper" và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân

Hải Nam Nguyễn Nhàng

(Dân trí) - Chủ quan, tin tưởng khi thấy nội dung đơn hàng chính xác, nhiều người đã chuyển khoản cho "người giao hàng" khi chưa được nhận hàng trực tiếp, dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Hiểm họa "chuyển tiền cho shipper" và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân

Đầu tháng 10, tại họp báo quý III của Bộ Công an, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng (A05), từng chia sẻ về vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến, công nghệ cao.

Vị trung tá đánh giá, các đối tượng xấu liên tục cập nhật phương thức lừa đảo mới rất nhanh.

Từ 30.000 đồng đến hơn 186 triệu đồng

Chị T.T.Q. (23 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất mới.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, giữa tháng 9, chị Q. nhận được cuộc gọi báo nhận đơn hàng trị giá 230.000 đồng. Vì đang bận, chị Q. đề nghị người giao để hàng ở cửa nhà và thanh toán qua chuyển khoản.

Hiểm họa chuyển tiền cho shipper và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân - 1

Thủ đoạn lừa đảo thông qua giao hàng mua online (Ảnh minh họa: T.T.).

Sau khi chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp, chị Q. được "shipper" thông báo chị đã gửi nhầm tiền vào số tài khoản của bên bảo hiểm hàng hóa, theo đó chị Q. đã đăng ký bảo hiểm trị giá 3,5 triệu đồng/tháng, gói 3 tháng.

Chị Q. tưởng thật, liền yêu cầu được hủy gói đăng ký này. Chị được hướng dẫn chuyển thêm tiền để tất toán gói bảo hiểm.

Đối tượng hứa sau khi chuyển tiền, hoàn tất thủ tục hủy, chị Q. sẽ được hoàn lại toàn bộ số tiền đã nộp. Tuy nhiên, sau vài lần chuyển tiền, cô gái 23 tuổi đã bị chiếm đoạt tổng hơn 14 triệu đồng.

Giữa tháng 10, cũng từ một đơn hàng, anh P.M.C. (ở huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) đã bị chiếm đoạt hơn 183 triệu đồng.

Hiểm họa chuyển tiền cho shipper và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân - 2

Một nạn nhân chia sẻ về việc bị lừa đảo (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo trình báo, sáng ngày 15/10, anh C. nhận điện thoại thông báo trả 30.000 đồng phí giao một kiện hàng. Cũng giống chị Q., anh C. lập tức tin tưởng chuyển tiền và được thông báo đã chuyển nhầm số tài khoản.

Đối tượng nói thao tác chuyển nhầm đã khiến anh C. vô tình đăng ký làm thành viên công ty giao hàng. Nếu không hủy, mỗi tháng anh C. sẽ bị phạt 3,5 triệu đồng.

Nghe theo hướng dẫn của đối tượng để hủy đăng ký, anh C. truy cập vào một đường link, làm theo các bước và đột ngột nhận thông báo tài khoản ngân hàng đã bị mất hơn 183 triệu đồng.

Ngoài thủ đoạn nêu trên, thời gian qua, rất nhiều người phản ánh về việc họ bị chiếm đoạt tiền các đơn hàng.

Các nạn nhân cho biết họ nhận được những cuộc gọi thông báo nhận hàng mua trên Shopee. Khi kiểm tra, nạn nhân thấy thông tin đơn hàng, số tiền đều trùng khớp với thông báo của "shipper". Vì tin tưởng, người dân chuyển khoản trước tiền hàng mà không kiểm tra hoặc không trực tiếp xuống lấy hàng.

Chỉ đến khi phát hiện không có đơn hàng nào, họ mới tá hỏa nhận ra mình bị lừa.

Thủ đoạn rất tinh vi

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm xâm phạm sở hữu (Phòng Cảnh sát hình sự - PC02 Công an Hà Nội), cho biết thủ đoạn lừa đảo nêu trên là mới.

"Các đối tượng lợi dụng các phiên livestream bán hàng trực tuyến trên nhiều trang mạng xã hội (TikTok, Shopee, Facebook...) nhằm thu thập thông tin đơn hàng được đặt, gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, loại hàng hóa, số tiền phải thanh toán... Sau khoảng 1-2 ngày, các đối tượng sẽ liên lạc với người mua theo số điện thoại đã đặt hàng", Trung tá Vinh cho biết.

Thủ đoạn của các đối tượng là liên lạc vào giờ hành chính, thường không có người ở nhà đối với các địa chỉ giao hàng là nhà riêng; ngoài giờ hành chính đối với các địa chỉ giao hàng là văn phòng, cơ quan, công sở.

Hiểm họa chuyển tiền cho shipper và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân - 3

Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm xâm phạm sở hữu (Ảnh: Hải Nam).

Do việc mua hàng online phổ biến, diễn ra thường xuyên và đúng các thông tin đã đặt hàng, người dân có tâm lý chủ quan, tin tưởng và dễ dàng đề nghị người giao để lại hàng rồi chuyển khoản để thanh toán đơn hàng.

"Lúc này, các đối tượng gửi thông tin tài khoản ngân hàng để người dân chuyển khoản thanh toán. Sau khoảng 1-3 giờ, các đối tượng liên hệ lại và thông báo đã gửi nhầm số tài khoản đăng ký nhân viên vận chuyển hàng (shipper). Sau khi chuyển khoản sẽ tự động đăng ký nhân viên, hàng tháng sẽ bị trừ tiền, rồi đề nghị hướng dẫn thực hiện hủy đăng ký", cảnh sát chỉ ra.

Do tâm lý sợ mất tiền oan, nguời dân sẽ thực hiện theo các yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.

Lúc này, kẻ xấu sẽ dùng những tài khoản khác để liên lạc với nguời dân qua các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Telegram, Viber...) và hướng dẫn hủy đăng ký bằng cách yêu cầu chuyển tiền đến các số tài khoản được chỉ định. Sau đó, các đối tượng sẽ lấy nhiều lý do, thông báo bị hại chuyển tiền lỗi, sai số tài khoản, không đúng cú pháp... và yêu cầu thực hiện lại hoặc chuyển thêm tiền.

Bên cạnh đó, chúng cũng gửi đường link website, ứng dụng giả mạo yêu cầu bị hại truy cập, cài đặt ứng dụng rồi chiếm quyền sử dụng thiết bị di dộng, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản bị hại đến tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.

Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng phương thức liên lạc với bị hại thông qua các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội "rác", nhưng có hình ảnh đại diện giống với hình ảnh của các công ty vận chuyển (Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, Viettelpost, EMS), nhằm lợi dụng tâm lý chủ quan, tạo sự tin tưởng của "con mồi".

Hiểm họa từ những đường link lạ

Theo Trung tá Phan Quang Vinh, tội phạm lừa đảo công nghệ cao có sự "thích nghi" rất nhanh. Các đối tượng này cập nhật, thay đổi thủ đoạn thường xuyên, theo tình hình chính trị trong nước, thế giới, thậm chí là các sự kiện ăn theo.

Do đó, Trung tá Vinh cho rằng mấu chốt trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo công nghệ cao là tính cảnh giác của người dân. Người dân tuyệt đối không nghe theo các hướng dẫn, chỉ đạo trên mạng xã hội; không chuyển tiền cho bất kỳ ai không quen biết; không bấm vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng không chính thống; không tham gia vào các khoản đầu tư online, việc nhẹ lương cao, làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng...

Chia sẻ về vấn nạn bị hại bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại qua các đường link, ứng dụng giả mạo, vị Đội trưởng cho biết tình trạng này thường xảy ra trên các điện thoại dùng hệ điều hành Android, bởi hệ điều hành này có tính "mở".

Hiểm họa chuyển tiền cho shipper và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân - 4

Một tin nhắn dụ dỗ nạn nhân truy cập đường link giả để chiếm đoạt tài sản (Ảnh: T.N.).

Các đối tượng sau khi "viết" các phần mềm có gắn mã độc, sẽ lừa, dẫn dắt bị hại cài vào máy thông qua các đường link. Việc ngăn chặn thủ đoạn này cũng vô cùng khó khăn, do các đối tượng chỉ cần thay đổi một ký tự là đường link sẽ "sống lại".

Trung tá Vinh cho hay, sau khi bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại, các đối tượng lừa đảo sẽ dùng những phần mềm có thể thực hiện nhiều lệnh chuyển tiền một lúc, từ tài khoản ngân hàng của bị hại vào nhiều tài khoản khác nhau.

Đáng nói, các tài khoản ngân hàng thụ hưởng lại là những tài khoản giả, không do chính chủ sở hữu, nên việc truy vết nguồn tiền là rất khó khăn. Một vài trường hợp, dù truy vết được nguồn tiền, xác định được đối tượng gây án nhưng lực lượng chức năng cũng gặp nhiều cản trở do thủ phạm không ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, vị Đội trưởng cũng cảnh báo người dân cần thận trọng trong đầu tư chứng khoán, khi nhiều đối tượng cố tình tạo những đường link, trang web có giao diện gần giống hoặc "mập mờ" với các sàn giao dịch chính thống. Từ đó, người dân chuyển tiền với mục đích để giao dịch cổ phiếu nhưng thực tế lại đang "nộp" tiền vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo.

Cần rà soát việc bảo mật thông tin khách hàng

Theo luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính), thời gian qua, để ngăn chặn các vụ lừa đảo công nghệ cao, cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, quy định để kiểm soát, phòng ngừa như dừng hoạt động đối với các số thuê bao di động không chính chủ (sim rác); quản lý đăng ký chính chủ các số thuê bao di động, ngăn ngừa sim rác...

Tuy nhiên, theo bà Khuyên, tình trạng các vụ lừa đảo công nghệ cao, qua điện thoại, mạng xã hội... vẫn liên tục xảy ra và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng đang đặt ra bài toán lớn trong việc rà soát khoảng trống pháp lý đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân khi mua hàng trên mạng xã hội, ngoài việc đối tượng xấu thu thập dữ liệu qua các buổi livestream bán hàng, luật sư Khuyên đặt ra nghi vấn về việc mua bán thông tin khách hàng từ những nguồn không chính thống.

Hiểm họa chuyển tiền cho shipper và dấu hỏi về bảo mật thông tin cá nhân - 5

Luật sư đặt ra nghi vấn về việc mua bán thông tin khách hàng từ những nguồn không chính thống (Ảnh minh họa: P.N.).

"Cơ quan chức năng cần rà soát và yêu cầu các trang mua bán hàng hóa, trang thương mại điện tử kiểm tra, nâng cao bảo mật thông tin của khách hàng.

Nếu phát hiện hành vi mua bán thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân xảy ra tại các website và sàn thương mại điện tử, cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra xử lý nghiêm về hành vi Sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015", luật sư Khuyên nói.

Đối với thủ đoạn lừa đảo nêu trên, Trưởng Văn phòng luật sư Nhân Chính cho rằng hành vi của các đối tượng đã kết hợp sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông một cách tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và được thực hiện theo kịch bản đã dàn dựng sẵn, với phạm vi trên cả nước.

"Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015", bà Khuyên nói.

Đưa ra cảnh báo, luật sư cho rằng người dân luôn phải thực hiện xác minh thông tin liên quan đến đơn hàng, dịch vụ giao hàng; tuyệt đối không để thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... công khai trên mạng xã hội.

Bà Khuyên cũng khuyến cáo người dân không chuyển tiền thanh toán khi chưa chắc chắn đã nhận được hàng; tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai; không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, người dân phải lập tức dừng giao dịch và trình báo cơ quan chức năng.