(Dân trí) - Đã có không ít ý kiến phản biện rằng xe điện không nắm giữ sự sống còn của ngành ô tô, nhưng thực tế là ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô, và cả các tập đoàn công nghệ, đổ xô vào lĩnh vực này. Vì sao?
Đã có không ít ý kiến phản biện rằng xe điện không nắm giữ sự sống còn của ngành ô tô, nhưng thực tế là ngày càng nhiều nhà sản xuất ô tô, và cả các tập đoàn công nghệ, đổ xô vào lĩnh vực này. Vì sao?
Vấn đề bảo vệ môi trường đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, tổ chức và cả cá nhân. Và một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn nhất chính là phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong. Dù nhận định chung là cần sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng việc lựa chọn công nghệ nào thay thế cho động cơ đốt trong không đơn giản.
Ngay cả khi xe sử dụng năng lượng điện được xem là lựa chọn thay thế thì cũng có tới 3 loại khác nhau. Một là xe điện thuần túy (BEV), chạy bằng điện do bộ pin cung cấp. Hai là xe hybrid sạc điện (PHEV), sử dụng kết hợp động cơ xăng hoặc diesel với mô tơ điện và một bộ pin công suất lớn, có thể sạc. Ba là xe sử dụng pin nhiên liệu, biến đổi hóa năng thành điện năng để vận hành mô-tơ.
Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng các loại nhiên liệu nhân tạo (nhiên liệu tổng hợp) có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch vì nó còn thân thiện với môi trường hơn cả điện.
Thực tế cho thấy nhiên liệu nhân tạo thải ra ít CO2 hơn so với xe chạy xăng hoặc điện. Nhiên liệu nhân tạo còn có một ưu điểm nữa là có thể tận dụng luôn hệ thống trạm nhiên liệu sẵn có, thay vì yêu cầu phải xây dựng trạm sạc như xe điện. Dù vậy, xe điện vẫn được lựa chọn, chứ không phải là xe sử dụng nhiên liệu nhân tạo. Hãy cùng đi tìm lý do.
Với nhiên liệu nhân tạo, chi phí sản xuất khá cao. Theo Tạp chí The Week, tại Mỹ, giá xăng nhân tạo sẽ rơi vào khoảng 3,8-9,2 USD/gallon, trong khi giá xăng truyền thống là khoảng 2,94 USD. Khi công nghệ được cải tiến, chi phí có thể thấp hơn, nhưng việc đầu tư để đạt được điều đó lại là một vấn đề.
Với xe điện, vấn đề được đặt ra nhiều nhất khi nói tới tính thân thiện với môi trường chính là nguồn gốc điện. Có thể sản xuất điện năng từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiên liệu hóa thạch cho tới năng lượng tái tạo (từ thủy điện, mặt trời, gió, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, khí sinh học, dầu sinh học...).
Người ta đang nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để dần thay thế than, nhưng hiện tại, điện chủ yếu vẫn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Cho đến nay, xe điện vẫn là giải pháp thay thế hiệu quả nhất, đơn giản nhất xét trên toàn bộ quá trình.
Nếu trong quá trình sản xuất, xe điện thải nhiều khí thải độc hại hơn xe chạy xăng truyền thống, vì bộ pin lithium-ion khá lớn của xe điện cần nhiều vật liệu và năng lượng hơn để sản xuất. Tuy nhiên, khi bắt đầu lăn bánh trên đường, xe điện chỉ mất 18 tháng để trả "món nợ" gây ô nhiễm, và từ đó về sau, nó hoàn toàn chiếm ưu thế so với xe chạy xăng, dầu truyền thống.
Nhiều công cụ trực tuyến đã xem xét các yếu tố có liên quan, như khí thải sản sinh trong quá trình sản xuất xe hay sản xuất nhiên liệu, lượng xăng mà xe động cơ đốt trong tiêu thụ và nguồn gốc điện mà xe điện sử dụng, và cho thấy, ngay cả khi điện năng có nguồn gốc không mấy "sạch sẽ", như nhiệt điện, thì xe điện vẫn thải ra môi trường ít khí thải độc hại hơn xe động cơ đốt trong truyền thống.
Một điểm cộng lớn của xe điện là xét về lâu dài, dùng nó khá rẻ. Dù pin dùng lâu cũng sẽ phải thay, nhưng chi phí vận hành và bảo dưỡng xe điện vẫn rẻ hơn xe chạy xăng, dầu. Mô-tơ điện có ít linh kiện hơn động cơ đốt trong rất nhiều, nên chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thấp hơn. Đó là chưa kể, ngày càng nhiều nước có chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ xe điện.
Quan trọng hơn cả, giá dầu vẫn đang tăng. Nếu đi xe điện, bạn sẽ không cần phải để ý đến điều này.
Hiện nhiều quốc gia châu Âu đã và đang tích cực chuyển đổi cơ sở hạ tầng để sớm "nghênh đón" xe điện. Các trạm sạc giờ đây có mặt ngày càng nhiều ở cả thành phố lớn và các thị trấn nhỏ của các nước. Tất cả là kết quả trực tiếp của việc các chính trị gia tạo ra hành lang pháp lý, kêu gọi người dân từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Gần đây hơn, Mỹ, đặc biệt là bang California, cùng nhiều quốc gia ở châu Âu đã bắt đầu ban hành luật để tiến tới ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng, dầu truyền thống vào năm 2035. Các nước này định thực hiện điều đó bằng cách hướng người dân sang sử dụng xe điện. Việc này cho thấy khó có khả năng họ sẽ sớm từ bỏ các kế hoạch này để theo đuổi một cái gì đó hoàn toàn khác trong tương lai gần.
Hay như Nhật Bản, Bộ Kinh tế nước này đã đặt mục tiêu tới giữa năm 2030, toàn bộ xe mới bán ra trên thị trường đều phải là xe hybrid hoặc xe điện thuần túy, dần loại bỏ toàn bộ xe sử dụng động cơ đốt trong ra khỏi thị trường xe mới.
Mục tiêu được đánh giá là khá nặng với Nhật Bản vì hiện tại xe hybrid và xe điện chỉ chiếm khoảng 29% trong tổng số 5,2 triệu phương tiện đăng ký mới, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA). Năm ngoái, lượng xe điện và hybrid đăng ký đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch này, Nhật Bản sẽ góp tên mình vào danh sách nhiều quốc gia khác đang tìm cách giảm khí thải carbon qua việc hạn chế phương tiện chạy bằng xăng trong thập kỷ tới.
Chính phủ Anh cũng đã thông báo, đến năm 2030 sẽ chấm dứt bán xe ô tô mới, sử dụng động cơ đốt trong. Việc thúc đẩy thay thế xe chạy nhiên liệu hóa thạch được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Anh đạt mức phát khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, đây được xem là động lực mới đối với ngành công nghiệp ô tô Anh vốn đang đứng trước nhiều khó khăn do Brexit và nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu.
Theo JATO Dynamics, hồi tháng 9, Tesla Model 3 là mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường châu Âu, đánh dấu việc lần đầu tiên xe điện bán chạy hơn các mẫu xe động cơ đốt trong.
Và ngày 25/10, hãng xe điện Tesla của Mỹ đã gây choáng khi chính thức gia nhập nhóm các công ty có giá trị vốn hóa thị trường trên 1.000 tỷ USD, đứng chung sân với những "cây đại thụ" như Apple Inc., Microsoft Corp., Alphabet Inc. và Amazon.com Inc.
Tesla giờ đây là công ty có giá trị vốn hóa thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai sàn chứng khoán Mỹ - chỉ mất hơn 11 năm kể từ khi lên sàn vào tháng 6/2010 để lọt vào câu lạc bộ nghìn tỷ này. Giá cổ phiếu của Tesla dựng đứng trong 5 tháng qua, đã tăng hơn 75% kể từ giữa tháng 5.
Tesla hiện không chỉ là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, giá trị vốn hóa thị trường của công ty thậm chí còn lớn hơn của tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn cộng lại. Tuy nhiên, xét về sản lượng, Tesla vẫn là một hãng xe nhỏ so với các tập đoàn như General Motors, Toyota, hay Volkswagen. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng giá cổ phiếu Tesla quá "ảo".
Giá cổ phiếu Tesla hiện cao hơn 171 lần lợi nhuận dự kiến năm 2021 của công ty và cao gấp 34 lần chỉ số của nhóm cổ phiếu công nghệ NYSE FANG+ Index (gồm 9 công ty khác là: Nvidia Corp., Alphabet, Apple, Twitter Inc., Facebook, Amazon.com, Netflix Inc., Alibaba Group Holding Ltd. và Baidu Inc).
Trong khi đó, số khác lại cho rằng không nên so sánh Tesla với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Họ giống một công ty công nghệ hơn và định giá theo hướng đó là chuẩn xác.
Do các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi việc sử dụng nhiều xe điện hơn và ít động cơ đốt trong hơn, các nhà sản xuất ô tô đang buộc phải hành động và thay đổi chiến lược của họ. Sau nhiều năm đứng ngoài cuộc, với danh mục sản phẩm chỉ có thêm vài mẫu xe điện hoặc hybrid, giờ đây, gần như tất cả các nhà sản xuất ô tô đều có kế hoạch tham gia sâu vào thị trường xe điện.
Dù có thực sự muốn hay không, nhiều nhà sản xuất ô tô đang dốc toàn lực cho cuộc chạy đua làm xe điện. Nhiều nhà sản xuất đã công bố lộ trình điện khí hóa toàn bộ danh mục sản phẩm.
Kết quả của những thay đổi này là việc phát triển và sản xuất các loại xe chạy xăng, dầu sẽ bắt đầu co lại.
Theo ước tính, thế giới sẽ cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch trong khoảng 53 năm nữa, thậm chí sớm hơn. Điều đó có nghĩa là có "deadline" cho việc lựa chọn công nghệ thay thế động cơ đốt trong. Khi thời gian càng rút ngắn, giá nhiên liệu sẽ càng cao. Các nhà sản xuất ô tô không có nhiều thời gian để chuyển hướng, nên họ phải tìm một giải pháp ít rủi ro nhất, và đó được cho là xe điện.
Lĩnh vực này đã thu hút được hơn 400 tỷ USD tiền đầu tư trong một thập kỷ qua, với khoảng 100 tỷ USD được rót vào kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Theo các nhà nghiên cứu của Wood Mckenzie, đến năm 2040, doanh số xe điện sẽ tăng lên 45 triệu chiếc/năm, nâng tổng số xe điện lưu hành trên toàn thế giới lên 323 triệu chiếc.