Thêm hãng xe điện Trung Quốc gia nhập Việt Nam, có mẫu giá tầm 200 triệu
(Dân trí) - Hai mẫu xe điện Bestune Xiaoma và NAT trước mắt sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, dự kiến chuyển sang lắp ráp tại Thái Bình vào năm 2026.

Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Năng lượng Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN 2025 (VCAE EXPO 2025) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24/4, bộ đôi xe điện Bestune Xiaoma và NAT bất ngờ xuất hiện. Thương hiệu Bestune thuộc sở hữu của Tập đoàn Ô tô Đệ nhất đến từ Trung Quốc (FAW Group).
Bestune Xiaoma và NAT sẽ được phân phối tại Việt Nam bởi một doanh nghiệp có trụ sở tại Thái Bình, dự kiến mở bán trong quý III. Trước mắt hai mẫu xe này sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc và sẽ chuyển sang lắp ráp trong nước vào năm sau, đại diện của đơn vị này chia sẻ với phóng viên báo Dân trí.

Khi được lắp ráp trong nước, Bestune Xiaoma và NAT hứa hẹn sẽ có giá cạnh tranh hơn (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Bestune Xiaoma
Thuộc phân khúc xe điện mini, Bestune Xiaoma sở hữu kiểu dáng gợi nhớ tới các mẫu kei-car của Nhật Bản với khung hình hộp, kết hợp cùng các đường cong. Thiết kế của xe có nhiều điểm tương đồng với mẫu Wuling Mini EV đang được bán tại Việt Nam, nhưng mềm mại, thiên hướng nữ tính hơn.




Bestune Xiaoma có chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 3.000mm, 1.510mm và 1.630mm; với chiều dài cơ sở đạt 1.953mm. Những con số này đang nhỉnh hơn một chút so với Wuling Mini EV (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Mẫu Bestune Xiaoma được đưa về nước sẽ là biến thể cao cấp nhất, sử dụng động cơ điện có công suất tối đa 20kW (quy đổi khoảng 26,8 mã lực) và mô-men xoắn 85Nm, tốc độ tối đa 100km/h. Bộ pin đi kèm có dung lượng 13,9kWh, cho phép di chuyển tối đa 170km sau mỗi lần sạc đầy, theo tiêu chuẩn CLTC của Trung Quốc.
Ở bên ngoài, xe được trang bị đèn LED định vị ban ngày, nhưng đèn chiếu sáng chỉ sử dụng bóng halogen. Đây là điểm chưa bằng "đồng hương" Wuling Mini EV, khi bản cao cấp của mẫu xe này được trang bị bóng LED.

Tại Trung Quốc, bản thấp của mẫu xe này sử dụng pin có dung lượng 9,4kWh, cho tầm hoạt động tối đa 122km (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Nội thất của Bestune Xiaoma trang bị các tiện nghi cơ bản nhất, với ghế nỉ chỉnh cơ, xe không có màn hình giải trí. Vô-lăng nhựa và không nút bấm điều khiển, phía sau là màn hình điện tử 7 inch hiển thị các thông tin cần thiết như tốc độ, lượng pin…




Để giải trí, người dùng có thể kết nối điện thoại qua Bluetooth hoặc sử dụng USB, âm thanh phát ra qua 2 loa. Phím bấm để điều khiển tính năng này được thiết kế như tay cầm của máy trò chơi điện tử.
Xe được trang bị núm xoay chuyển số nằm trên khu vực táp-lô, phanh tay cơ. Một số trang bị an toàn gồm có: 1 túi khí, cảnh báo áp suất lốp, nhắc nhở thắt dây an toàn, phanh chống bó cứng ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, camera lùi.

Theo trải nghiệm của phóng viên báo Dân trí, hàng ghế thứ 2 của Bestune Xiaoma rộng rãi hơn một chút so với Wuling Mini EV, nhưng hạn chế ở phần trần nếu ngồi sau là người lớn (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Theo chia sẻ của đại diện đơn vị phân phối, Bestune Xiaoma sẽ được chốt giá khoảng 200 triệu đồng. Đối thủ gần nhất của mẫu xe này là Wuling Mini EV, có giá 197-231 triệu đồng.
Tuy nhiên, hãng không có kế hoạch phát triển trạm sạc, mà khuyến khích người dùng sạc tại nhà theo bộ sạc cầm tay.
Bestune NAT
Với chiều dài 4.450mm, chiều rộng 1.840mm và chiều cao 1.680mm, Bestune NAT (tên khác là Bestune E05) có kích thước ngang một mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander. Tuy nhiên, mẫu MPV điện Trung Quốc này lại có chiều dài cơ sở lên tới 2.850mm, ngang một mẫu MPV tầm trung như Toyota Innova Cross (2.850mm).

Là MPV có "cửa lùa" nhưng Bestune NAT chỉ có 2 hàng ghế thay vì 3 hàng ghế như xu hướng của dòng xe này tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, đại diện nhà phân phối cho biết, xe Bestune NAT được đưa về bán tại Việt Nam thuộc bản cao cấp nhất, dự kiến có giá dưới 600 triệu đồng. Hãng xác định nhóm khách hàng chính của mẫu MPV điện này là các cá nhân và doanh nghiệp, công ty dịch vụ vận tải.
Khác biệt đáng kể nhất của Bestune NAT so với các mẫu xe cùng phân khúc, cùng tầm tiền là thiết kế cửa trượt điện phía bên phải cho hàng ghế hai. Trong khi đó bên trái vẫn là cửa mở truyền thống.




Các trụ sạc nhanh có thể được đơn vị phân phối lắp đặt miễn phí cho các đối tác đặt mua xe số lượng (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Trang bị ngoại thất của Bestune NAT ở mức ổn với một mẫu xe có giá dưới 600 triệu đồng. Cụ thể, xe có đèn pha LED, đèn hậu LED, mâm hợp kim 17 inch, gương chiếu hậu chỉnh điện có sưởi; tuy nhiên đèn LED định vị ban ngày sẽ tùy chọn phải mua thêm.




Ngay từ tên gọi, Bestune NAT đã định vị là sản phẩm hướng tới việc chạy dịch vụ. NAT là viết tắt của Next Automotive Taxi (tạm dịch: Taxi thế hệ mới) (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Nội thất của xe tương đối ổn trong tầm giá với vô-lăng bọc da, ghế da, cụm đồng hồ kỹ thuật số và màn hình giải trí 10 inch đặt nổi. Tương tự Bestune Xiaoma, mẫu MPV điện này cũng sử dụng núm xoay chuyển số đặt lên vị trí táp-lô, trong khi phanh tay điện tử đặt bên trái của người lái.
Một số trang bị tiện nghi gồm: sưởi kính sau, ghế lái thông gió, điều hòa chỉnh cơ có lọc không khí, kết nối Bluetooth và chế độ phát Wi-Fi.

Do chỉ có 5 chỗ, nhưng Bestune NAT có không gian ngồi rộng rãi ở hàng ghế thứ 2. (Ảnh: Nguyễn Lâm).
Về khả năng vận hành, Bestune NAT được trang bị động cơ điện đồng bộ nam châm vĩnh cửu, tạo ra công suất 120kW (quy đổi khoảng 161 mã lực) và mô-men xoắn 155Nm. Kết hợp với bộ pin lithium dung lượng 55,7kWh, xe có khả năng di chuyển tối đa 425km sau mỗi lần sạc đầy.
Trang bị an toàn của Bestune NAT khá cơ bản, với 2 túi khí, hỗ trợ lên dốc, phanh ABS/EBD, kiểm soát hành trình, giám sát áp suất lốp, cảm biến hỗ trợ đỗ xe phía sau và camera lùi. Xe không có hệ thống an toàn chủ động (ADAS).
Mạng lưới trạm sạc công cộng tại Việt Nam chưa nhiều tiếp tục là rào cản của các hãng xe điện nước ngoài khi gia nhập thị trường nước ta và Bestune không ngoại lệ. Hai sản phẩm mở màn của thương hiệu này đều tập trong tới nhóm khách hàng có thể sạc được xe tại nhà. Ngay cả như vậy thì ngoài giá rẻ, "tân binh" Bestune cũng cần thể hiện nhiều hơn để thuyết phục người dùng và tăng khả năng cạnh tranh.