Việc làm kỳ lạ 30 năm trước của lão nghệ nhân từng nhận "lời ong tiếng ve"
(Dân trí) - Từng nhận lời ong tiếng ve khi liên tục "đưa Tây về làng", tới nay, lão nghệ nhân Trần Văn Hùng đã thành đầu mối kết nối đưa du khách về du lịch, trải nghiệm, tạo nguồn sinh kế mới tại địa phương.
Du lịch xanh, trải nghiệm về những vùng nông thôn trở thành xu hướng trong thời gian gần đây. Nghệ nhân Trần Văn Hùng (64 tuổi) duy trì cách làm du lịch này đã gần 30 năm nay, kéo khách Tây về làng Trà Nhiêu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) ngày một đông.
Nhen nhóm ý tưởng
Không gian Bamboo House (ngôi nhà tre) của nghệ nhân Trần Văn Hùng vừa đón đại diện đơn vị lữ hành đi khảo sát các sản phẩm du lịch tại làng Trà Nhiêu. Chưa dứt việc, ông lại xắn tay áo hoàn thiện đồ lưu niệm bằng tre còn dang dở.
Ông Hùng là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm các sản phẩm từ tre, lá dừa. Qua không ít thăng trầm, ông tự cứu nghề thủ công này bằng cách đưa thiết kế nhà tre, mái lá vào các resort, nhà hàng, khu du lịch… ở Hội An, Đà Nẵng từ những năm 1990.
Dù không qua trường lớp đào tạo bài bản nào, song thiết kế không gian tre của ông khiến du khách rất hài lòng, kể cả những vị khách nước ngoài khó tính.
Cây tre, từ thân cho đến gốc, rễ qua tay ông đều trở thành những sản phẩm độc đáo, có tính thẩm mỹ cao. Đến nay ông đã thi công không gian tre cho không ít nhà hàng, khách sạn, resort.
Cũng chính công việc này giúp ông có cơ hội gặp gỡ, làm việc với nhiều đối tác trong ngành du lịch. Đôi lần, ông Hùng ngỏ ý mời họ về thăm làng Trà Nhiêu. Qua những cảm nhận, tâm tư của bạn bè về cảnh sắc, các nghề thủ công, cũng như nếp sinh hoạt của người dân nơi đây, ông Hùng dần nhen nhóm ý tưởng đưa khách về làng.
Đưa khách Tây về làng
Ban đầu, khi đưa khách Tây về làng Trà Nhiêu, ông Hùng nhận không ít lời ong tiếng ve. Trong bối cảnh gần 30 năm trước ở một vùng quê, chuyện làm du lịch trải nghiệm của ông Hùng là một điều mới lạ, khó tưởng tượng.
Ông Hùng cho hay, thời điểm đó đón khách chẳng nghĩ gì về tiền nong. Ông xem họ như là bạn, mời về nhà chơi, ở quê có gì hay thì dẫn họ đi thăm thú, trải nghiệm, từ chèo ghe ngắm rừng dừa nước, đến xem dệt chiếu cói, đan lưới, kéo rớ, nghe các cụ cao niên hát hò khoan đối đáp…
Đến khi đói, nhóm cùng vào bếp đổ bánh xèo, nấu mấy món dân dã, thế là khách mê. Cứ cuối tuần, khách lại kéo thêm bạn bè về chơi, dần nhà ông, làng ông Hùng thành điểm đến.
Phải hơn 10 năm sau, thông qua vài vị khách nước ngoài kết nối với các đơn vị lữ hành, ông Hùng mới có nguồn thu đầu tiên từ khách du lịch, chủ yếu trả cho chi phí ăn uống, sinh hoạt. Sự hài lòng sau mỗi chuyến trải nghiệm của khách đã giúp vùng đất Trà Nhiêu dần định vị trên bản đồ du lịch.
"Gần 30 năm trước, khách Tây đã quan tâm đến du lịch xanh. Họ rất thích trải nghiệm cuộc sống làng quê dân dã, hòa mình cùng người dân bản địa, tìm hiểu các làng nghề truyền thống… Vùng đất Trà Nhiêu hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các yêu cầu này, không kém những vệ tinh khác trong vùng lõi du lịch Hội An", ông Hùng chia sẻ.
Không có kinh nghiệm làm tour hay dẫn khách, vốn tiếng Anh chỉ bập bẹ vài ba chữ "yes, no, ok", nhưng những điều này không làm khó ông Hùng.
Ông nói, không phải lúc nào đưa khách đến một địa điểm cũng giới thiệu bằng một tràng tiếng Anh. Với khách Tây, họ thích tự khám phá, trải nghiệm nên đôi khi chỉ cần vài hành động, cử chỉ thì họ đã hiểu, thực hiện được ngay.
"Những gì cần thông tin rộng hơn thì nhờ hướng dẫn viên hỗ trợ. Đó là trải nghiệm chân thật, gần gũi mà khách Tây luôn muốn có", ông Hùng đúc kết.
Nghề mới cho cả làng
Khách đến ngày càng đông, ông Hùng cũng chịu khó thay đổi cách thức phục vụ cho chuyên nghiệp hơn. Ông chủ động sửa sang nhà cửa, bố trí lại các không gian phòng khách, nhà bếp, nơi lưu trú, làm thêm các sản phẩm lưu niệm độc đáo để khách mua về làm quà.
"Hiện nay, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, trải nghiệm đời sống người dân địa phương được khách Tây rất quan tâm. Cũng nhờ đó, nhiều nghề truyền thống tưởng chừng mai một đã dần được phục hồi tại làng Trà Nhiêu", ông Hùng nói.
Ông còn liên kết với 5 hộ làm chiếu, 4 hộ kéo rớ, 3 hộ chèo thuyền bắt cá trên sông, 3 chủ thuyền thúng cùng vài nhóm ngành nghề khác, đủ để tạo nên chuỗi liên kết cho khách tham quan, trải nghiệm. Giờ đây, ông Hùng chỉ cần ở nhà, nhận khách qua điện thoại, nắm lịch trình và lên kế hoạch đón tiếp.
Du lịch trải nghiệm theo gia đình, nhóm nhỏ đang trở thành dòng khách chủ lực của ông Hùng. Mỗi tháng, ông đón tiếp hàng trăm lượt khách.
Sau khi có chuyến trải nghiệm ở đây, bà Catherine (du khách Mỹ) chia sẻ: "Chúng tôi như trở thành những người dân bản địa thực thụ. Tôi cùng 2 người bạn thân đã có những trải nghiệm thật thú vị, độc đáo, được hòa mình cùng không gian làng quê yên bình. Tôi cũng rất yêu con người thân thiện và nồng hậu nơi đây".
Để phục vụ khách du lịch nước ngoài tốt hơn, ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân đã liên kết trong tour của mình. Từ chỗ bỡ ngỡ, các hộ dân này đã bắt nhịp với sự hiện diện của khách Tây trong đời sống thường ngày.
Du lịch đang giúp người dân làng Trà Nhiêu có thêm thu nhập, một số ngành nghề truyền thống được gìn giữ, khôi phục và phát huy.
Ông Hùng đang dự tính thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng Trà Nhiêu để mở rộng quy mô, bài bản hơn cách thức hoạt động nhằm đưa thêm nhiều khách đến với làng quê của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân cùng tham gia làm du lịch, giữ chân người trẻ ở lại làng lập nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch xã Duy Vinh, tháng 7/2010, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu ra đời, mở ra nhiều cơ hội làm du lịch cho người dân địa phương.
Mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm đang phát triển rất mạnh, sát với đời sống thường ngày tạo được thu nhập tốt cho người dân. Ví dụ, nghề dệt chiếu, tráng mì, làm tre... truyền thống đều hấp dẫn, thu hút du khách.
"Thời gian qua, các cấp chính quyền từ xã, huyện tới tỉnh cũng đã quan tâm tạo điều kiện quảng bá, đầu tư để cho các hộ tiếp cận phát triển du lịch", đại diện lãnh đạo xã Duy Vinh nói.