Du khách vọc đất, nặn tượng trong ngày lễ giỗ tổ làng gốm 500 tuổi

Công Bính

(Dân trí) - Ngày 13/8 (mùng 10/7 âm lịch), tại làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam, diễn ra lễ giỗ tổ nghề gốm, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Lễ hội giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà là dịp để tri ân công đức các bậc tiền nhân đã tạo dựng nên nghề gốm, cũng là dịp giáo dục cho con cháu, thế hệ trẻ của làng về nguồn cội, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn làng nghề.

Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề truyền thống đến với du khách, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Rộn ràng lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà, Hội An 2024

Du khách vọc đất, nặn tượng trong ngày lễ giỗ tổ làng gốm 500 tuổi - 1

Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà 2024 diễn ra sáng 13/8 (Ảnh: Ngô Linh).

Theo các bậc cao niên trong làng, giỗ tổ nghề gốm là thông lệ làng đã gìn giữ gần 500 năm nay. Một năm làng có 2 lễ lớn, vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng 7 Âm lịch.

Trong đó, lễ mùng 10 tháng Giêng cầu cho quốc thái dân an, làm ăn phát đạt. Còn mùng 10 tháng 7 cũng là mùa báo hiếu, vừa tạ ơn Tổ đã truyền nghề, phù hộ dân làng bình an vô sự.

Làng gốm Thanh Hà (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, Hội An) là nơi còn bảo lưu nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống cách đây gần 500 năm cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị thương cảng Hội An.

Du khách vọc đất, nặn tượng trong ngày lễ giỗ tổ làng gốm 500 tuổi - 2

Người dân địa phương dâng lễ vật (Ảnh: Ngô Linh).

Khối phố Nam Diêu hiện có 405 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, đa số đều lao động, sản xuất trong ngành tiểu thủ công nghiệp, sản xuất gốm và tổ chức các dịch vụ du lịch làng nghề. Hiện tất cả lao động tại làng gốm Thanh Hà đều được nhận lương dựa trên mức độ đóng góp, tham gia vào hoạt động du lịch của làng.

Ông Nguyễn Văn Nhật - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà - cho biết, du khách tham quan làng gốm Thanh Hà vào năm 2001 chỉ có 674 lượt, đến năm 2023 đã tăng lên hơn 500.000 lượt khách; doanh thu tham quan làng gốm năm 2001 chỉ trên 8 triệu đồng, đến năm 2023 đã tăng lên đến 17,5 tỷ đồng.

Du khách vọc đất, nặn tượng trong ngày lễ giỗ tổ làng gốm 500 tuổi - 3

Du khách nhí thích thú khi trải nghiệm làm gốm Thanh Hà (Ảnh: Ngô Linh).

Ngoài tiền lương và tiền phường trả mua con tò he tặng khách, các hộ còn bán được hàng gốm. Thông qua hoạt động du lịch, các cơ sở đều nỗ lực tạo ra sản phẩm mới phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, mang lại thu nhập và góp phần bảo tồn làng nghề…

Với các giá trị đặc sắc và tiêu biểu, Nghề gốm Thanh Hà đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Ngày nay, làng nghề gốm Thanh Hà đang trở thành tuyến tham quan du lịch, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham quan mỗi năm.

Tính đến đầu tháng 7, làng gốm Thanh Hà đón hơn 326.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có hơn 307.000 lượt khách quốc tế và hơn 18.000 lượt khách trong nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm