(Dân trí) - Lần cải cách căn bản chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương này được nhận định là đột phá, trả lương theo vị trí việc làm, "cởi trói" để nâng lương với công chức, lãnh đạo quản lý...
Lần cải cách căn bản chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương này được nhận định là đột phá, trả lương theo vị trí việc làm, "cởi trói" để nâng lương với công chức, lãnh đạo quản lý, khuyến khích nghề… làm quan.
Chia sẻ về câu chuyện cải cách tiền lương, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh điểm lại, Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách. Những năm 1978, ông nhận được tiền lương chỉ vỏn vẹn 56 đồng, ở vị trí kỹ sư tập sự. Bây giờ, lương cơ sở đã đạt mức 1,8 triệu đồng/tháng. Sự thay đổi giá trị đó là gần nửa thế kỷ, cả một hành trình dài.
Nguyên tắc thiết kế lương, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, là phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu cơ bản của người lao động như ăn, ở, mặc, đi lại, nuôi con, chăm lo gia đình…
Trước đây, tiền lương xây dựng dựa trên tính toán nhu cầu của một người trong một ngày cần bao nhiêu năng lượng (kcal) để quy ra lượng lương thực, thực phẩm tối thiểu phải đáp ứng, từ đó ra giá trị ngày công lao động.
Tới nay, giá trị sức lao động tính bằng lương, ngoài yêu cầu đảm bảo nhu cầu vật chất còn thêm cả đời sống tinh thần.
Ông Dĩnh đánh giá, Nghị quyết 27 nêu những định hướng đột phá trong cải cách tiền lương khi trả lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo quản lý. Bên cạnh đó, lương cơ bản chiếm 70% tổng lương nhằm khắc phục vấn đề các khoản thu nhập ngoài lương như phụ cấp có khi nhiều hơn lương phổ biến hiện nay.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trước đây, cách trả lương không khuyến khích việc làm quan chức. Vì vậy, lương của người quản lý chỉ bằng lương nhân viên, khác chăng là thêm phần phụ cấp trách nhiệm.
Nghị quyết 27 của Trung ương trở lại nguyên tắc trả lương theo chức danh quản lý. Bên cạnh đó, việc tính toán tiền lương còn dựa trên năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Lương cơ sở bị bãi bỏ. Thay vào đó, lương với mỗi công chức trả bằng một số tiền nhất định theo vị trí việc làm. Theo ông Dĩnh, so với hệ thống thang, bảng lương rất phức tạp, có đến 12 bậc hiện áp dụng, với 5 bảng lương mới theo định hướng, có thể xây dựng những bậc lương cơ bản, rõ ràng, khúc chiết hơn.
"Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 sẽ là đột phá khi trả lương theo vị trí việc làm, phân định chức danh lãnh đạo quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ. Vấn đề đặt ra ở đây là cách xác định vị trí việc làm sao cho chuẩn xác", nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Theo ông Dĩnh, trong lần cải cách này, cần xây dựng bảng lương, tính mức lương áp dụng cho từng vị trí, chức danh, từ các lãnh đạo quản lý cấp cao ở Trung ương như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến công chức, viên chức ở cơ sở.
"Một lãnh đạo đằng thắng được trả lương 500 triệu đồng mỗi tháng, nhân viên của họ hưởng 10-15 triệu đồng tốt hơn là kìm giữ, giới hạn người giữ chức vụ quản lý lương không quá 50 triệu đồng, để rồi mỗi cán bộ, công chức ở dưới chỉ 3-4 triệu đồng/tháng", ông Dĩnh so sánh.
Chuyên gia này nhấn mạnh, cải cách tiền lương rất cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi đã nhiều năm "lỡ hẹn".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhận định, cải cách tiền lương là "phần ngọn". Muốn thực hiện cải cách cần nhiều giải pháp khác nhau, bởi việc tính lại lương cho người lao động chỉ là một phần.
Theo đại biểu, đầu tiên, phải nỗ lực thực sự để tăng năng suất lao động. Trong báo cáo của Chính phủ hằng năm, các chuyên gia đề cập nhiều đến năng suất lao động của Việt Nam thấp so với khu vực, thế giới.
"Không nâng cao năng suất lao động rất khó để cải cách tiền lương. Khi nguồn lực nhà nước có hạn, tiền lương phải trả dàn trải sẽ không đảm bảo", đại biểu Việt Nga nhận định.
Bên cạnh cải cách tiền lương, cũng cần đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy hưởng lương khu vực công. Bởi vì duy trì bộ máy cồng kềnh, thậm chí có bộ phận hoạt động không hiệu quả thì cải cách tiền lương rất khó khăn. Khi có bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả cải cách tiền lương mới có sự chuyển biến rõ rệt.
"Chúng ta đang thực hiện sắp xếp lại từ đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và thực hiện tinh giản biên chế. Song, thời gian tới phải tiếp tục thực hiện và hiệu quả hơn nữa để có một bộ máy hưởng lương từ ngân sách tinh gọn", nữ đại biểu Quốc hội nói.
"Thời gian qua, cả nước đã thực hiện giải pháp chuẩn bị cải cách tiền lương". TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nói.
Đầu tiên về nguồn lực, ông Lợi cho biết năm trước, từ Trung ương đến địa phương tiết kiệm được 350.000 tỷ đồng thực hiện việc cải cách tiền lương.
Sau 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, nước ta đã chi gần 90.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Năm nay, dự tính dành 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương. Đây là cố gắng của Chính phủ bên cạnh vẫn phải thúc đẩy đầu tư công.
Tiếp đó, phải kể đến là sắp xếp bộ máy tinh giản, hiệu lực hiệu quả. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý đã giảm 27.530 biên chế so với năm 2015, chỉ còn gần 250.000 biên chế.
Bên cạnh đó, giảm gần 240.000 người làm việc (biên chế sự nghiệp) hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lao động trong nhóm này khoảng 1,79 triệu người (thống kê năm 2021).
Theo ông Lợi, sự chuẩn bị tiếp theo của cơ quan "giúp việc" cho Chính phủ đã làm là ban hành cơ bản tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Ví dụ, vị trí việc làm như nhau thì mức lương như nhau. Tiền lương của mỗi người chỉ chênh nhau ở yếu tố thâm niên công tác. Hằng năm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thưởng 10%.
"Nếu không xác định đúng vị trí việc làm thì việc chi trả tiền lương sẽ không chuẩn xác", ông Lợi khuyến cáo.
Trong cải cách tiền lương tới đây, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM Trần Anh Tuấn cho rằng, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và bảo đảm nguyên tắc lương khu vực công phải tăng nhanh hơn tiền lương bình quân xã hội.
"Song song với việc cải cách tiền lương, Việt Nam cần sớm xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào đánh giá này để trả lương xứng đáng", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nguyên Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho rằng, cần phát triển đào tạo các chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp là chủ yếu. Bên cạnh việc hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo trình độ đại học và trên đại học đối với người đang làm việc, cần khuyến khích họ tự học tập.
Vị này cho rằng, việc sở hữu chứng chỉ nghề nghiệp, kỹ năng quốc tế là hướng đi mới tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Việc này không chỉ giúp người lao động có bộ kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc thay đổi từng ngày mà còn giúp họ liên tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin và kỹ năng mới để ứng dụng vào chuyên môn.
Khi thực hiện các phần việc về cải cách tiền lương, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife) cho rằng, phải nghiên cứu lương khởi điểm phù hợp cho từng vị trí việc làm, đánh giá theo nhu cầu chuyên môn của vị trí công việc đó, không chờ kiểu "tuần tự như tiến".
"Không thể căn cứ vào mức lương tối thiểu để tính. Phải cân nhắc là người lao động khu vực tư tính theo lương tối thiểu vì quá trình làm việc còn có cơ hội tăng thu nhập với việc tăng ca, làm thêm", ông Lộc nói.
Vị này cho rằng cũng cần phải tạo cơ chế để công chức, viên chức thăng tiến, tăng lương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giao quyền tự chủ, sắp xếp nhân sự, trả lương theo khung định sẵn căn cứ vào nhu cầu chuyên môn của từng vị trí công việc. Thủ trưởng đơn vị có thể trả lương theo vị trí công việc cần yêu cầu chuyên môn.
Lương công chức thấp nhất cao hơn khung cao nhất khu vực tư
Đối với nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trong đó, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách tiền lương, dự kiến thực hiện từ 1/7/2024.
Sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.