Tâm điểm
Bích Diệp

Trông chờ cải cách tiền lương

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 11 đến 17/10) dự kiến xem xét nhiều nội dung quan trọng, trong đó có lộ trình và các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các Nghị quyết của Quốc hội (dự kiến tiến hành từ 1/7/2024).

Cũng trong dịp này, dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, cho hay Chính phủ đã tích lũy đủ tài chính với hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Có thể nói đây là những thông tin mang lại tâm lý phấn chấn, hy vọng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sau khi lương cơ sở vừa qua đã có sự cải thiện đáng kể so với trước. Đợt tăng lương cơ sở kể từ 1/7 năm nay được đánh giá là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử với mức tăng tới 20,8%.

Nhìn lại những năm trước, dù có nhiều nỗ lực nhưng mỗi lần đến kỳ tăng lương, nhẽ phải vui mừng thì đông đảo người lao động trong khu vực Nhà nước vẫn không tránh khỏi thấp thỏm, lo âu khi mà lương chưa tăng, giá hàng hóa, dịch vụ đã "té nước theo mưa".

Trông chờ cải cách tiền lương - 1

Công chức, viên chức, LLVT kỳ vọng việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

"Đồng lương ba cọc, ba đồng" là cách nói phổ biến về mức lương tháng của cán bộ, công chức, viên chức. Giả sử một gia đình có 2 vợ chồng là giáo viên, kể cả là giảng viên đại học nếu chỉ sống bằng lương sẽ rất khó trang trải. Một nữ giảng viên đại học nói với tôi rằng, ngày nhỏ "ăn bám" bố mẹ, lập gia đình thì phải dựa vào chồng nuôi, bởi ngay cả lấy xong bằng tiến sĩ, tiền lương cũng gần như chỉ đủ xăng xe đi lại và trả lương cho giúp việc.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023, cả nước có gần 9.300 giáo viên nghỉ việc. Nhiều giáo viên chia sẻ, lý do chính xuất phát từ thu nhập quá thấp, họ phải lựa chọn hướng đi khác dù vẫn còn rất yêu nghề.

Chẳng riêng gì giáo viên, nhiều ngành nghề quan trọng khác trong khu vực công cũng chứng kiến tình trạng "chảy máu" nhân lực do lương không đủ sống. Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho hay, từ 1/7/2022 đến 30/6 năm nay, tổng số công chức, viên chức thôi việc là 18.991 người, bình quân 1.582 người mỗi tháng.

Có thể mọi so sánh là khập khiễng, nhưng nhìn vào tương quan thu nhập khu vực Nhà nước và khu vực tư, khu vực FDI thấy rằng, một người phấn đấu hoàn thành đại học, cao học, vượt qua thi tuyển mới đậu vào công chức nhưng mức lương có khi còn thấp hơn lương của một công nhân trong khu công nghiệp. Đây rõ ràng là bất cập và đã kéo dài nhiều năm!

Tất nhiên, "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", hoàn cảnh ít nhiều có tác động đến quá trình hình thành nhân cách, động cơ, mục đích sống của mỗi người. Khi lương quá thấp, người ta có nhiều cách xoay xở để cải thiện thu nhập và "để sống", bởi nói gì thì nói, "có thực mới vực được đạo". Một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức "chân trong, chân ngoài", nhận thêm công việc chuyên môn tại các tổ chức tư nhân, kinh doanh online, bán bảo hiểm…

Điều đó cũng có nghĩa là họ khó toàn tâm toàn ý cho công việc đang đảm nhiệm, hoặc phải dành quỹ thời gian làm việc lớn hơn 8 tiếng mỗi ngày để cải thiện thu nhập. Hiệu suất công việc của người đó, rộng hơn là của đơn vị, của tổ chức khó mà tránh khỏi bị ảnh hưởng, không thể đạt được mức tốt nhất.

Về bản chất, tiền lương là giá cả sức lao động. Khi mức lương bị đánh giá là "thấp" đồng nghĩa với giá trị sức lao động bị định giá dưới mức mà người lao động bỏ ra thì có thể dẫn đến hai phản ứng tiêu cực: một là bất mãn; hai là thái độ làm việc cầm chừng.

Nhìn từ một góc độ khác thì mức lương thấp, dù không phải là tất cả nguyên nhân, nhưng trong nhiều trường hợp có thể là lý do dẫn đến hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn, trong dịch vụ công là nạn phong bì, trong hoạt động giáo dục có dạy thêm - học thêm ép buộc, trong đầu tư công là "bôi trơn", lại quả…

Do vậy, việc tăng lương, nâng cao mức sống cho công chức là một biện pháp hữu hiệu được nhiều quốc gia (chẳng hạn Singapore) áp dụng để loại bỏ động cơ tham nhũng - tất nhiên, điều này phải đi kèm các giải pháp phòng, chống tham nhũng đồng bộ và mạnh mẽ.

Một khi mức lương tăng tương xứng với vị trí công việc, với chức vụ, trách nhiệm đảm nhận thì khu vực công cũng sẽ có sức cạnh tranh hơn trong thu hút nhân tài; qua đó chất lượng nhân lực và chất lượng dịch vụ công sẽ tăng. Lúc này, sức hấp dẫn để trở thành "người Nhà nước" không phải là sự ổn định thuần túy nữa, mà là thỏa mãn điều kiện để mỗi người toàn tâm toàn ý phát huy tinh thần phụng sự xã hội, phục vụ đất nước.

Đồng thời, công chúng cũng sẽ không còn phải tỏ thái độ ngạc nhiên, thắc mắc trước việc một cán bộ tại các doanh nghiệp tư có thể nhận lương hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, nhưng cán bộ trong bộ máy Nhà nước lại có mức lương rất khiêm tốn (với giả thiết rằng, yêu cầu trình độ và vai trò trách nhiệm là tương đương), hay là khoảng cách lương giữa cấp lãnh đạo và nhân viên không có nhiều khác biệt.

Theo lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mà Chính phủ đề xuất với 6 nội dung, cơ quan điều hành dự kiến "sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp".

Với lộ trình nói trên cùng với những điểm mới nổi bật sau khi cải cách theo tinh thần của Nghị quyết 27, tin rằng những bất cập của chính sách tiền lương hiện nay sẽ được khắc phục, đồng thời tính công bằng, thỏa đáng sẽ tạo nên cú hích lớn giúp khu vực công giữ chân, thu hút được nhân tài, là cơ sở để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!