PhotoStory

"Hái" tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Người dân một vùng quê ở Hà Tĩnh sống với nghề vót đũa từ thân cau rừng đã hàng chục năm. Tết cũng là mùa vui của người làm nghề vì những đơn hàng liên tiếp "nổ".

"Hái" tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa (Video: Dương Nguyên).

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 1

Làng "đũa cau" nằm dọc đường tàu chạy qua xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), hầu hết các hộ dân đều có nghề vót đũa. Đây là nghề truyền thống đã có tại địa phương từ hàng chục năm trước.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 2

Dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, vợ chồng anh Đoàn Vương Hải (45 tuổi), chị Nguyễn Thị Thu (45 tuổi), tất bật làm từ 5h đến 21h mỗi ngày.

"Dịp Tết, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh tăng cao. Khách thường đặt mua đũa cau cho gia đình và làm quà đi biếu tặng. Có hôm, gia đình tôi làm tới khuya vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng", anh Hải chia sẻ.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 3

Theo anh Hải, nguyên liệu chính để làm đũa là thân những cây cau hàng chục năm tuổi mọc trong rừng sâu ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Người dân thường vào rừng chặt cau rồi mang về chia thành từng khúc dài 20-25cm.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 4
Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 5

Sau đó, người dân Phúc Trạch sẽ tỉ mỉ thực hiện nhiều công đoạn thủ công, từ chẻ, vót, bào thô rồi tới bào trơn.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 6

Máy bào cau được người dân tự chế với hình dáng nhỏ gọn, ở giữa có rãnh nhỏ để có thể hớt bỏ phần thịt gỗ thừa.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 7

Đũa sau khi được vót, bào đúng tiêu chuẩn, người thợ dùng lá chuối hột khô để đánh bóng.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 8

Tiếp đó, người thợ mang đũa ra phơi nắng để làm khô, chống mối mọt, nấm mốc.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 9

Bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, trú tại thôn 1, xã Phúc Trạch) cho biết, đũa cau rừng chỉ cần phơi 2-3 nắng là đạt.

"Nếu phơi quá lâu, đũa có thể bị cong vênh, ảnh hưởng đến chất lượng", bà Liên bật mí.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 10

Người dân Phúc Trạch làm đũa với cả dáng tròn và dáng vuông. Giai đoạn thành phẩm, đũa được cột thành từng bó, chờ ngày giao cho khách.

Hiện nay, đũa cau Phúc Trạch có giá 50.000 đồng/10 đôi, loại đặc biệt có giá 70.000 đồng/10 đôi. Dịp Tết Nguyên đán, trừ chi phí, nhiều hộ có thu nhập từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi ngày.

Hái tiền dịp Tết với nghề chẻ cau vót đũa - 11

Theo lãnh đạo xã Phúc Trạch, trên thị trường có nhiều loại đũa khác nhau, song, đũa cau vẫn được nhiều người lựa chọn. Bởi, sản phẩm này được làm thủ công nên có nét riêng, rất bền, không chất độc hại và có mùi thơm đặc trưng của cau.

Hàng chục năm qua, khoảng 20 hộ dân thôn 1 và thôn 3, xã Phúc Trạch vẫn duy trì nghề vót đũa truyền thống để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học.