Nuôi lợn rừng bằng thảo dược và trái cây, "cháy hàng" trước Tết

Dương Nguyên

(Dân trí) - Ông Giang ở Hà Tĩnh nuôi lợn rừng bằng chuối, sắn, ngô và các loại dược liệu như chè khổng lồ, thiên niên kiện. Nhờ vậy, ông có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ bán lợn giống và lợn thịt.

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, ông Trần Nam Giang (48 tuổi, sống tại thôn 10, xã Hàm Trường, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bận rộn chăm sóc đàn lợn rừng để chuẩn bị xuất bán.

Ngôi nhà lớn của ông Giang nằm trên một ngọn đồi, bên cạnh là trang trại chăn nuôi rộng 1.500m2 được xây dựng khép kín, bao gồm xưởng chế biến thực phẩm và khu vực trồng dược liệu cùng cây ăn quả.

Nuôi lợn rừng bằng thảo dược và trái cây, cháy hàng trước Tết - 1
Trang trại nuôi lợn rừng của ông Giang (Ảnh: Dương Nguyên).

Ông Giang từng giữ nhiều chức vụ trong Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ xã và hiện là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Hàm Trường, vợ ông là giáo viên. Gia đình vốn có cuộc sống tạm ổn nhưng ông vẫn luôn ấp ủ ý định phát triển kinh tế từ mảnh đất đồi rộng lớn do bố mẹ để lại.

Khí hậu khắc nghiệt của vùng quê Hàm Trường khiến ông Giang khó tìm được loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Tuy nhiên, cuối năm 2013, ông tình cờ đọc được bài báo về mô hình nuôi lợn rừng bằng thảo dược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và dễ chăm sóc. Sau khi bàn bạc với vợ, ông quyết định thử sức với mô hình này.

Người đàn ông nuôi lợn rừng bằng thảo dược và trái cây (Video: Dương Nguyên).

Ông Giang đã tự học hỏi qua sách báo, Internet và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi. Đầu năm 2014, ông đầu tư 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại và 30 triệu đồng mua 5 con lợn rừng giống để nuôi thử nghiệm. Nhờ sự chăm chỉ và kiến thức vững vàng, ông đã có thu nhập từ việc bán con giống ngay trong năm thứ hai.

Theo ông Giang, lợn rừng có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc và ít bệnh tật. Để đảm bảo chất lượng thịt, ông không sử dụng thức ăn công nghiệp mà cho lợn ăn củ, quả và thảo dược tự trồng.

Nuôi lợn rừng bằng thảo dược và trái cây, cháy hàng trước Tết - 2
Ông Giang nuôi lợn rừng bằng các loại củ, quả và dược liệu (Ảnh: Dương Nguyên).

"Khu vực nuôi phải có không gian rộng thoáng để lợn vận động và tắm nắng. Tôi dùng đồ trồng sẵn trong vườn như chuối, sắn, ngô và các loại dược liệu như chè khổng lồ, thiên niên kiện. Chè khổng lồ hỗ trợ tốt cho đường tiêu hóa, còn chè đắng giúp lợi sữa cho lợn mẹ", ông Giang chia sẻ.

Trang trại của ông Giang mỗi năm nhân giống khoảng 200 lợn con, ngoài để nuôi còn bán cho người dân trong vùng. Lợn thịt được bán với giá 160.000-200.000 đồng/kg hơi.

Nuôi lợn rừng bằng thảo dược và trái cây, cháy hàng trước Tết - 3
Mô hình nuôi lợn rừng giúp ông Giang có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm (Ảnh: Dương Nguyên).

Trung bình, ông Giang thu về một tỷ đồng mỗi năm từ việc bán lợn giống, lợn thương phẩm và sản phẩm thịt đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh). Sau khi trừ chi phí, ông có lãi 300-500 triệu đồng/năm.

"Còn cách Tết Nguyên đán một tháng, khách hàng của tôi đã đặt trên 70% số lợn thịt tại trang trại. Tôi chủ yếu phục vụ khách quen trong và ngoài tỉnh, có năm không đủ số lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu lớn của khách", ông Giang hồ hởi nói.

Ông Trần Văn Niềm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Trường, cho biết ông Giang là người đầu tiên nuôi lợn rừng bằng thảo dược trên địa bàn. Ông Giang không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp đỡ các hộ nghèo bằng cách cung cấp con giống và truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi.

Hiện nay, xã Hàm Trường có 7 hộ chăn nuôi lợn rừng liên kết với ông Giang. Mô hình sản xuất này không chỉ có đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn không gây ô nhiễm môi trường.