(Dân trí) - Ít ai biết chủ tiệm gội đầu dưỡng sinh tạo việc làm cho hàng chục người lao động, doanh thu cao ngất ngưởng lại từng bị gạ "đi khách", có thời gian là giáo viên dạy nhạc lương "ba cọc ba đồng".
Cô giáo bỏ nghề, mở chuỗi gội đầu dưỡng sinh kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng
(Dân trí) - Ít ai biết chủ tiệm gội đầu dưỡng sinh tạo việc làm cho hàng chục người lao động, doanh thu cao ngất ngưởng lại từng bị gạ "đi khách", có thời gian là giáo viên dạy nhạc trường THCS lương "ba cọc ba đồng".
So với gội đầu, hái chè quá cực nhọc
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Đinh Thị Mai Huyền (35 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) đã học nghề sửa chữa điện tại Trường trung cấp nghề Hòa Bình với mong muốn ra trường có việc làm ngay.
Vốn có giọng hát trời phú, chị Huyền lại rẽ sang học khoa thanh nhạc, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình sau khi tốt nghiệp trường nghề. 3 năm cao đẳng trôi qua, trong lứa sinh viên lớp chị ra trường, phần lớn lên Lai Châu, Điện Biên làm giáo viên, còn duy nhất chị quyết tâm "xuôi" Hà Nội để tìm kiếm công việc.
Sau những lần nộp hồ sơ xin việc ở nhiều trường tại thủ đô, chị Huyền trúng tuyển vị trí cô giáo dạy nhạc hợp đồng tại một trường cấp 2 ở Hà Đông. Ngoài thời gian đi dạy, cô giáo trẻ chủ động nâng cao trình độ bằng việc tiếp tục theo học Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.
Những năm 2010, mức lương tháng chị nhận về khoảng 3,5 triệu đồng. Số tiết dạy với giáo viên nhạc trong trường không nhiều. Ngoài thời gian trên lớp, cô giáo thanh nhạc này còn tích cực tham gia xây dựng chương trình văn nghệ, ca nhạc cho UBND quận.
Nhưng đồng lương eo hẹp của nghề dạy học quả thực quá eo hẹp cho cô giáo trẻ trang trải cuộc sống, thuê nhà trọ tại thủ đô.
Có một lần đi gội đầu ở một cửa hàng thuộc phường Văn Quán (Hà Đông), chị quan sát thấy chủ quán có thể thu về 100 nghìn đồng/2 người, mà thời gian gội chỉ trong vòng một giờ đồng hồ.
Ngồi ngẫm lại, chị Huyền trăn trở: "Nhà tôi có 2 vườn chè lớn. Đến lúc thu hoạch, tôi phải dậy từ 4-5h đi hái chè để tránh nắng, chiều tiếp tục làm đến 19h. Sáng sớm sương xuống, người ướt nhẹp, tay bỏng rát vì tuốt lá chè.
Sau đó, tôi đạp xe 20km mang chè ra chợ để bán. Từng ấy thời gian, công sức bỏ ra mà tôi chỉ thu về chưa tới 100 nghìn đồng. So sánh giữa việc thu hoạch chè với gội đầu, tôi mới thấy nghề dịch vụ thực sự mang lại giá trị cao".
Ý tưởng mở cửa hàng gội đầu nảy ra, ban đầu chị Huyền chỉ ước: "Tôi chỉ mong thuê một cửa hàng nho nhỏ. Ngày đi dạy, tối về gội đầu cho khách kiếm thêm thu nhập. Tận dụng cửa hàng này, tôi vẫn có chỗ ăn, ở".
Từng bị gạ "đi khách" khi mở tiệm gội đầu
Lúc đó, chị vét sạch một tháng lương để nộp phí đào tạo nghề gội đầu ở một cửa hàng. Khi còn ở quê, chị đã được mọi người đánh giá có "bàn tay vàng" trong massage, bấm huyệt. Chị từng có thời gian 3 năm làm thêm, học nghề ở tiệm xoa bóp, bấm huyệt. Chính vì vậy, chị thạo nghề gội đầu trong thời gian ngắn.
Từ sở trường, chị Huyền đã thêm thắt, sáng tạo thêm nhiều điểm để hoàn thiện quy trình gội đầu, bổ sung bước xoa bóp, bấm huyệt cổ, vai, gáy để chuẩn bị mở một cửa hàng của riêng mình.
Một cô gái chân chất xuống Hà Nội làm việc, kinh nghiệm kinh doanh của chị bằng 0. Sau khi hỏi han mọi người, cuối năm 2013, chị đã bắt mối cùng một người bạn mở quán gội đầu tại khu vực Tây Mỗ. 10 triệu đồng tiền lương tích cóp được, chị Huyền mua sắm bàn gội, thiết bị cần thiết cho cửa hàng.
Sau khi hoạt động được vài tuần, chị mới phát hiện ra khu vực này là "phố vẫy". Tại thời điểm đó, nhiều tiệm gội đầu núp dưới hình thức massage, bấm huyệt để hành nghề mại dâm.
"Lúc bấy giờ, khách gội đầu thì ít, còn khách nam toàn vào cửa hàng hỏi "đi nhà nghỉ không", "tàu nhanh không?", chị Huyền kể.
Nhận thấy cửa hàng gội đầu hoạt động ở khu vực này không ổn, chị Huyền tự nhủ, tư cách, đạo đức không cho phép bản thân bước chân vào con đường đó nên đã quyết tâm chấm dứt việc hợp tác cùng người bạn có định hướng này.
Mong mỏi mở tiệm gội đầu dưỡng sinh chưa dừng lại, cô giáo trẻ lại miệt mài đi tìm địa điểm mới. Đến khu vực đường Hữu Hưng (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) thấy có nhiều chung cư, dân đông, chị đã thuê được một cửa hàng ở mặt đường, có gác xép để ở, giá chỉ 2,5 triệu đồng/tháng.
Địa điểm này cũng thuận lợi cho việc đến trường đi dạy của chị. Hằng ngày, chị vẫn lên lớp, tối về gội đầu cho khách.
Vài đứa em từ quê xuống mở thêm dịch vụ cắt tóc, còn chị gội đầu. Sau 4 năm gắn bó với trường học, đây là thời điểm mà cô giáo trẻ hạ quyết tâm nghỉ việc, chuyên tâm vào làm và quản lý tiệm gội đầu dưỡng sinh.
Đến khi kết hôn, bà chủ tiệm từng nghĩ đơn giản, chồng cắt tóc, vợ làm gội đầu là đủ. Nhưng sau 2-3 năm mở cửa hàng, chị Huyền vẫn mơ hồ về cách làm giàu, không có chiến lược kinh doanh, tầm nhìn hạn hẹp. Anh chị đã chuyển hướng, nhắm tới đi xuất khẩu lao động Nhật nhưng chỉ có chồng chị đi được.
Khát vọng mở rộng kinh doanh của chị chưa dừng lại, nhưng kinh nghiệm mở cửa hàng, xây dựng thương hiệu chưa có, chị Huyền tiếp tục mắc sai lầm.
Được mẹ giúp đỡ bằng cách cắm sổ lương vay cho 100 triệu đồng làm vốn, chị lại mở cửa tiệm trên phố Nguyễn Chánh, quận Cầu Giấy. "Cửa hàng mới mở, địa chỉ không rõ ràng. Có 10 khách đến 9 khách gọi điện hỏi địa chỉ, bực mình khi tìm kiếm quán và nhiều người bỏ về vì bất lực. Qua đây tôi có bài học về chọn địa điểm kinh doanh", chị Huyền chia sẻ.
Kinh nghiệm sống chưa nhiều, cả tin, chị bị vợ chồng người bạn học lừa gạt, vay giúp 60 triệu đồng, trả lãi nặng. Mãi sau này chị mới biết gia đình bạn bại sản, bạn nói dối để vay tiền. Chủ nợ đến đòi, vợ chồng bạn bỏ nhà ra đi, chị Huyền phải gánh khoản "nợ đậy". Đến khi không còn đủ lực trả lãi, chị đã quyết định thanh lý cửa hàng sau 1 tháng mở cửa.
Trả hết khoản nợ, chị chỉ còn 30 triệu đồng trong tay. Ấy vậy, chị Huyền nói: "Thời điểm đó tâm trạng của tôi không buồn, không lo, không cay cú. Bởi tôi nhìn thấy thị trường về làm đẹp, gội đầu ở Hà Nội vẫn có, chỉ cần mình có năng lực, tay nghề cao sẽ không sợ chết đói".
Bạn bè biết đến tâm huyết "khởi nghiệp" của chị, có người sẵn sàng cho chị vay không lãi suất 100 triệu đồng để tiếp tục khát vọng mở cửa hàng gội đầu mang thương hiệu của mình.
Những năm 2017, với những va vấp đã trải, tự đúc rút được kinh nghiệm trong kinh doanh, cửa hàng gội đầu dưỡng sinh rộng rãi, hai mặt tiền ở khu vực đường Trung Kính (Cầu Giấy) hình thành.
Chị nắm bắt được thực tế, những người thu nhập tốt thường có công việc rất găng, hay căng thẳng, mệt mỏi, đặc biệt phần cổ, vai, gáy, có nhu cầu trị liệu thường xuyên. Cửa hàng của chị đã hút khách đến nườm nượp.
Từ lúc chỉ có 2-3 nhân viên, chị đã phát triển lên đến hàng chục người, tạo thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng. Rồi chị mở thêm 2 cửa hàng cho riêng mình và nhượng quyền thương hiệu cho 3 spa trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, trừ các chi phí, chị có khoản thu 200 triệu đồng/tháng.
Sứ mệnh gieo mầm
Trong quá trình làm nghề, biết được rất nhiều bạn trẻ mong muốn được học nghề gội đầu dưỡng sinh, có những thời điểm cần đào tạo tới 50 người/khóa, chị lại có ý tưởng mới.
"Tôi muốn mình có sự chuyển biến, không chỉ là cô gái làm nghề gội đầu. Tôi sẽ không mở thêm cửa hàng, mà đi sâu vào đào tạo, truyền nghề, tạo công ăn việc làm cho những người khác" - bà chủ chuỗi cửa hàng độc đáo chia sẻ.
Vậy là bà chủ tiệm gội đầu trở thành người đứng lớp, giảng dạy ở trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Bắc Thăng Long. Dạy lý thuyết trong trường xong, chị hướng dẫn sinh viên thực tập tại tiệm gội đầu dưỡng sinh của mình.
Phát triển đào tạo chính là dự định được chị ấp ủ, tập trung thực hiện trong thời gian tới. Chị muốn tham gia đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho thu nhập ổn định cho những bạn trẻ đam mê, yêu thích làm đẹp, gội đầu dưỡng sinh và hạnh phúc quan sát những lứa nhân viên "đời đầu" đang bung ra, làm chủ những cơ sở làm đẹp khắp nơi.
Nội dung: Lê Hoa
05/04/2023