Cô gái bán "khổ qua cà chớn", kiếm trăm triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Nối nghiệp bán khổ qua cà ớt từ bà ngoại và mẹ, chị An sáng tạo thành tên "khổ qua cà chớn", gây ấn tượng mạnh với thực khách. Thương hiệu lạ này giúp quán kiếm doanh thu hàng triệu đồng/ngày.
Xe khổ qua truyền 3 đời
"Chị ơi! Làm nhanh cho em một tô khổ qua cà chớn đầy đủ", một thực khách hào hứng, gọi tên món vô cùng độc lạ.
Nghe được sự hối thúc từ khách hàng, chị An nhanh chóng gắp khổ qua, cà và ớt nhồi thịt vào tô, kèm theo 1 chén nước sốt đặc sệt, nghi ngút khói, đầy hấp dẫn.
Được biết, chị An là chủ quán '"khổ qua cà chớn" trên đường Phùng Hưng (Quận 5, TPHCM). Nhiều ngày qua, thương hiệu này đã khiến nhiều cư dân mạng tò mò, chú ý.
Chị An cho hay, quán đã kinh doanh hơn 29 năm, được truyền qua 3 thế hệ. Ban đầu, chủ quán là bà ngoại của chị An.
Thời gian đầu, bà ngoại chị bán vô cùng đơn sơ. Quán chỉ có vài chiếc bàn, ghế, đặc biệt không có tên hay bảng hiệu để nhận diện. Do đó, thực khách lui tới không đông.
Học được bí kíp từ người đi trước, mẹ chị An tiếp tục việc buôn bán. Cô đã thử mọi cách, từ đặt tên quán đến chế biến thêm nhiều món ăn mới lạ hơn nhưng lại không mang dấu ấn đặc biệt, quán thường xuyên vắng khách.
Nguyên nhân do khu chợ Phùng Hưng được mệnh danh là "thiên đường ẩm thực", độ cạnh tranh giữa các hàng quán khá khốc liệt.
Khi lớn lên, chị An lại chưa nối nghiệp gia đình, mà làm nhiều công việc khác nhau từ phiên dịch viên đến kiểm kho. Bỗng một ngày, ký ức về những ngày tháng phụ mẹ bán hàng, chị lại khao khát muốn quay về nối nghiệp.
"Nhớ lại khoảng thời gian bà và mẹ bươn chải kiếm từng đồng ở chợ, tôi lại càng thôi thúc bản thân tiếp nối việc kinh doanh mà gia đình đã kỳ công gầy dựng", chị bộc bạch.
Năm 2013, xe đẩy vô danh ngày nào đã được khởi sắc bởi cái tên "khổquacàchớn".
"Lúc đó, cũng có một vài hàng quán bán món tương tự, sợ bị trùng nên tôi quyết định lấy tên đó cho độc lạ. Nhiều thực khách đùa rằng vì họ thấy mặt tôi "cà chớn" nên gọi tên quán như vậy", chị cười, nói.
Với bản tính lạc quan, An vẫn không tránh được nỗi sợ hãi trong ngày đầu nối nghiệp gia đình.
Chị sợ mình không gìn giữ được công thức mà ngoại với mẹ truyền lại. Chị tự nhắc mình phải luôn cố gắng chế biến theo nguyên gốc của người Hoa, vì đó là nét văn hóa đặc trưng cần được lưu truyền.
Sự nỗ lực được đền đáp
Dần dà, mọi sự cố gắng của chị đã có kết quả. Cứ 14h mỗi ngày, chị và người thân đã chuẩn bị nguyên liệu, mở cửa quán để đón khách.
Quán bắt đầu bán vào lúc 16h30 đến 22h, nếu hết hàng sớm thì nghỉ sớm. Chỉ sau hơn 1 tiếng mở bán, lượng khách đã tới tấp nập, có người phải ngậm ngùi rời đi vì đã hết hàng.
Khách lui tới không chỉ bởi cái tên độc lạ mà còn là sự hài hước của chị An. "Tôi ăn ở đây cũng mấy lần rồi, điều mà tôi thích nhất là sự thoải mái của chủ quán", một "bạn hàng quen" chia sẻ.
Tại đây, quán phục vụ 8 món chính, đặc trưng nhất là khổ qua cà ớt ăn cùng nước sốt hoặc nước lèo, với giá dao động từ 20.000 đến 50.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, quán bán hơn 100 tô khổ qua cà ớt. Mỗi tháng doanh thu cửa tiệm lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, đây là nguồn thu nhập chính của chị An. Nhờ đó, chị có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. "Ngoài trả tiền thuê nhà, mặt bằng và nhân viên,… thỉnh thoảng tôi còn đi du lịch", chị An cho hay.
Khi mới bắt đầu, chị An đã không ít lần gặp khó khăn. Chị phải hứng chịu những cơn mưa "dữ dội" của TPHCM. Ngoài ra, sau giai đoạn Covid-19, chị đã trải qua cảnh ế ẩm thời gian dài, nhưng may mắn đã dần ổn định trở lại.
"Nhìn lại hành trình gắn bó với quán, điều tôi cảm thấy vui nhất là giữ được lượng khách quen từ thời bà với mẹ tới bây giờ", chị bồi hồi chia sẻ.
Chị nói thêm: "Những thứ mình cần lưu ý khi buôn bán đó chính là thái độ phục vụ, chất lượng sản phẩm và mức giá. Nếu đáp ứng được điều đó chắc chắn khách hàng sẽ lui tới vào những lần sau".
Trọng Khang