Tiếp viên hàng không Việt Nam tiết lộ sự thật về nghề "hái ra tiền"

Huy Hậu

(Dân trí) - Dù có nhiều đòi hỏi cao về tiêu chuẩn nhưng thu nhập của tiếp viên hàng không không "khủng" như mọi người nghĩ.

Những ngày qua, thông tin về vụ việc 4 nữ tiếp viên hàng không xách 11,3kg ma túy bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) làm xôn xao cộng đồng mạng.

Trong những nội dung được khơi lên, đồn đoán về mức thu nhập "khủng", lên đến 40-60 triệu đồng/tháng tạo quan tâm, thu hút lớn. Nhưng thực tế, theo những "người trong cuộc", nghề tiếp viên hàng không không hề hào nhoáng như vậy.

80 giờ trên trời mỗi tháng

Theo anh Huỳnh Trần Công Thoại (29 tuổi, tiếp viên của hãng hàng không Vietjet Air), công việc này là ước mơ từ thuở nhỏ. "Thứ nhất, việc đó thỏa mãn đam mê khám phá các vùng đất mới của tôi. Thứ hai, đó là tâm nguyện của mẹ" - anh Thoại chia sẻ.

Để có thể chinh phục giấc mơ từ nhỏ, anh Thoại phải đạt nhiều điều kiện khắt khe. Trong đó, yếu tố đầu tiên, tiên quyết với mỗi tiếp viên hàng không là phải đạt đủ tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng cũng như cần sở hữu khuôn mặt ưu nhìn.

"Những bạn có hình xăm, dị tật, sẹo... sẽ không phù hợp với ngành dịch vụ. Đối với nam, thông thường các hãng hàng không Việt Nam sẽ yêu cầu chiều cao 1,65m-1,82m, độ tuổi từ 18 đến 30, cân nặng phù hợp theo chiều cao. Đối với nữ, từng hãng sẽ có yêu cầu khác nhau nhưng thấp nhất là 1,58 và không vượt quá 1,75m" - anh Thoại nói thêm.

Tiếp viên hàng không Việt Nam tiết lộ sự thật về nghề hái ra tiền - 1

Ngành hàng không đòi hỏi tiếp viên có nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong đó đầu tiên là yếu tố ngoại hình (Ảnh: NVCC).

Trước đó, mỗi ứng viên vào ngành cũng phải trải qua tỉ lệ chọi vô cùng cao. Theo dữ liệu mà một hãng bay công bố năm 2016, có khoảng 150.000 người nộp đơn thi tiếp viên, nhưng chỉ 1% trong số đó đỗ. Còn tại Việt Nam, tỉ lệ là khoảng 10% người dự thi được lựa chọn.

Công tác đào tạo tiếp viên hàng không thường có thời gian 3 tháng. Trong đó, tất cả các hãng đều có trung tâm riêng biệt, nhằm đào tạo về các môn học an toàn bay, phục vụ khách hàng, kiến thức sơ cấp cứu, nhận biết các hàng hóa nguy hiểm và các môn học Cục hàng không đưa ra.

"Do tính chất công việc, mỗi người sẽ được Cục cho phép bay 80 giờ/tháng để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa đảm bảo chất lượng công việc".

Về mức thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng, anh Công Thoại xác nhận, điều này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, mức thu nhập này chỉ áp dụng cho tiếp viên 5 sao hoặc tiếp viên trưởng. Đổi lại, họ phải chấp nhận lịch trình làm việc dày đặc khiến người trẻ bị ngợp.

"Thông thường, mức lương tiếp viên của các hãng hàng không Việt Nam chỉ dao động từ 16-26 triệu đồng/tháng, tùy hãng và tùy vị trí"  - anh Thoại nói.

Tiếp viên hàng không Việt Nam tiết lộ sự thật về nghề hái ra tiền - 2

Anh Công Thoại trong chuyến đưa các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ra thăm lăng Bác (Ảnh: NVCC).

"Chuyện của 4 nữ tiếp viên là sự cố đáng buồn"

Trong quá trình làm việc, anh Thoại cũng trải qua nhiều chuyện "dở khóc dở cười". Trong đó, anh nhớ mãi một lần được phục vụ các bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong chuyến ra Hà Nội viếng Bác Hồ.

"Các Mẹ đã hi sinh cả tuổi thanh xuân dành cho đất nước, thậm chí mất cả chồng cả con. Khi nghe đến gặp các Mẹ, tôi thấy vô cùng biết ơn và dặn lòng phải cố gắng phục vụ thật tốt" - anh Công Thoại kể lại.

Tiếp viên hàng không Việt Nam tiết lộ sự thật về nghề hái ra tiền - 3

Anh Thoại chia sẻ, nghề tiếp viên hàng không đã mang lại cho anh những trải nghiệm đặc biệt (Ảnh: NVCC).

Với vụ việc vừa xảy ra trong ngành hàng không, với 4 nữ tiếp viên, anh Thoại nhận định, đó là một sự việc đáng buồn. Đó cũng là bài học để các tiếp viên thêm kinh nghiệm trong công việc và hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn.

Riêng đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề, anh Thoại chia sẻ, nghề tiếp viên hàng không sẽ là trải nghiệm đặc biệt. Tuy nhiên, muốn gắn bó thì cần thực sự yêu nghề, có thái độ tốt, chuyên nghiệp, nghiêm túc trong nhận thức và hành động đúng đắn để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Dòng sự kiện: Chuyện nghề độc, lạ