Nghề "bấm nút" ra sản phẩm có lương cao nhưng mang tiếng nặng nhọc, độc hại
(Dân trí) - Hiện nay, thợ hàn dùng robot hiện đại, rất ít khi phải lao động nặng nhọc, độc hại như lo ngại của nhiều người. Lương tối thiểu ở vị trí lập trình robot hàn lên đến 15 triệu đồng/tháng.
Tại buồng hàn điểm nằm trong xưởng thực hành của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, sinh viên nghề công nghệ hàn đang được thầy Phạm Quang Tuấn - Giảng viên khoa Cơ khí hướng dẫn các bước tạo ra sản phẩm hàn từ phôi bằng việc sử dụng robot hàn.
Trước đó, các em đã được học lập trình, thiết kế chương trình hoạt động cho robot hàn tại phòng máy tính. Người học muốn robot hàn sản phẩm nào, thông qua các bước nào thì lập trình trên máy tính, sau đó áp dụng chương trình cho robot hoạt động. Qua phần mềm, người học được biết trước diễn biến quá trình robot chạy để điều chỉnh.
Nhờ thiết bị hiện đại, sản phẩm hàn được tạo ra từ các thao tác lập trình, điều khiển robot. Người lao động làm việc trong môi trường an toàn, sạch sẽ.
Thầy Nguyễn Trọng Điệu - Giảng viên khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, với hệ thống máy móc hiện đại, thợ hàn không trực tiếp có mặt tại xưởng cũng có thể lập trình cho robot làm việc. Người đứng máy chỉ việc đưa phôi vào bàn máy, lấy phôi đã hàn xong sắp xếp vào vị trí cần thiết, giám sát và xử lý các trường hợp thiết bị gặp trục trặc.
Trước khi tiếp cận với robot hàn, sinh viên nghề công nghệ hàn buộc phải trải qua các mô - đun hàn cơ bản, hàn hồ quang tay. Mục đích là để các em làm chủ và điều chỉnh được các chế độ, dòng điện và điện áp hàn. Chẳng hạn, trong trường hợp các mối hàn bị hỏng, người học sẽ biết cách thay đổi chế độ hàn để ra được sản phẩm theo yêu cầu.
Sau khi hàn xong một sản phẩm, thầy trò kiểm tra khuyết tật mối hàn bằng các máy siêu âm, chụp X quang, kiểm tra từ tính,…
Để lập trình các robot hàn, sinh viên phải học lý thuyết trong vòng một tuần. Sau đó, các em xuống xưởng thực hành và lập trình trực tiếp trên máy. Giảng viên kiểm tra, nếu chương trình của các em đảm bảo yêu cầu thì sẽ cho máy khởi động để hàn sản phẩm.
"Hiện nay, đa số người tốt nghiệp nghề công nghệ hàn lao động trong dây chuyền sản xuất hiện đại. Các em được ngồi trong phòng máy lạnh để lập trình cho robot thực hiện, đây mới là công việc chính chứ ít khi phải lao động chân tay trực tiếp.
Người lao động không phải lo công việc nặng nhọc, độc hại nữa mà hầu như chỉ cần "bấm nút" để máy móc làm thay con người", thầy Điệu cho biết.
Vị trí hàn và vị trí của người điều khiển, giám sát cách xa nhau, tia lửa hàn từ robot bắn ra rất hạn chế nên người lao động dường như không bị ảnh hưởng đến mắt và da dù không sử dụng mặt nạ bảo hộ.
Theo thầy Điệu, thiết bị đào tạo trong trường nghề không thua gì dây chuyền sản xuất ở các doanh nghiệp, nhà xưởng.
Ngay sau khi ra trường, số sinh viên tốt nghiệp nghề công nghệ hàn của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đều có việc làm. Nhà trường cam kết tìm việc cho sinh viên, tuy nhiên, các em luôn chủ động tìm được việc chứ không phụ thuộc vào nhà trường.
Thực tập xong, doanh nghiệp nhận sinh viên về làm việc, trả lương chính thức ngay mà không cần qua giai đoạn thử việc vì đã có thời gian làm quen trước đó.
"Nhu cầu nguồn nhân lực trong nghề công nghệ hàn hiện nay là rất lớn, chỉ sợ không có người học chứ không sợ thiếu việc làm", thầy Điệu cho biết.
Đối với ngành Cơ khí nói chung, Cắt gọt kim loại và Công nghệ hàn nói riêng, nhà trường miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên.
Thị trường lao động, đặc biệt là các nhà máy sản xuất ô tô đang rất "khát" nhân sự lập trình robot hàn. Họ trả mức lương tối thiểu là 15 triệu đồng/tháng cho người có trình độ này. Mức lương tăng tỷ lệ thuận với khả năng và kinh nghiệm làm việc của người thợ.
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại thì công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực tất yếu cần được tập trung đầu tư, đào tạo nhân lực để cung cấp cho nền kinh tế.
"Sau nhiều năm đào tạo, chúng tôi nhận thấy nếu tiếp tục dạy nghề công nghệ hàn theo cách truyền thống, sử dụng máy móc, công nghệ cũ thì người học của chúng tôi sẽ phải làm các công việc sử dụng chân tay nặng nhọc, độc hại.
Chúng tôi phân tích ra rằng hiện nay, nghề hàn đã chuyển sang tự động hóa, yêu cầu người thợ sử dụng robot hàn và các thiết bị hiện đại để tạo ra sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, nhà trường đã phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo ra các kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành nghề công nghệ hàn sử dụng công nghệ cao. Người học không phải nộp học phí do đã được nhà trường và doanh nghiệp hỗ trợ.
Trang thiết bị đào tạo của chúng tôi được đầu tư, cập nhật không kém gì các doanh nghiệp. Chúng tôi đào tạo những gì mà doanh nghiệp cần chứ không đào tạo những gì mình đang có", ông Ngọc cho biết.