(Dân trí) - Ban đầu thu nhập là lý do lớn nhất khiến Trần Long theo đuổi công việc phiên dịch. Thế nhưng, cậu liên tục đối mặt với mệt mỏi, chán chường, hụt năng lượng đến mức không còn muốn giao tiếp với ai...
Cuộc sống như mơ từ cabin bước ra thế giới rộng lớn, tháng kiếm trăm triệu của chàng trai 9X
(Dân trí) - Ban đầu thu nhập là lý do lớn nhất khiến Trần Long theo đuổi công việc phiên dịch. Thế nhưng, cậu liên tục phải đối mặt với mệt mỏi, chán chường, hụt năng lượng đến mức không còn muốn giao tiếp với ai.
Năm 2022, Trần Long (SN 1993, quê Đà Lạt, Lâm Đồng) nổi tiếng trên mạng xã hội khi trở thành người Việt Nam hiếm hoi, đảm nhiệm vai trò "phiên dịch song song" toàn thời gian tại một học viện thị thực pháp luật của Mỹ, có trụ sở ở Thái Lan.
Có lẽ bạn chưa biết, phiên/thông dịch song song (hay còn gọi là thông dịch đồng thời/dịch cabin) được xem là "đỉnh cao của phiên dịch". Người đảm nhiệm công việc này đòi hỏi kinh nghiệm 5 năm trở lên, khả năng ngoại ngữ cao, thích ứng được với mọi tình huống. Chiếm lĩnh được vị trí cao nhất trên "thang" đo nghề nghiệp đó, từ một dịch thuật viên trong hội chợ với mức cát-xê 500.000 đồng/ngày, Long giờ đã kiếm cả trăm triệu đồng/tháng, với công việc trong mơ.
Câu chuyện về chàng trai Việt 9X ấy truyền vô vàn cảm hứng cho các bạn trẻ đang muốn trở thành phiên dịch chuyên nghiệp. Dù vậy, thông dịch viên chưa bao giờ là "công việc màu hồng"!
Cuộc sống "như mơ" bắt đầu từ hành trình "không may mắn"
Khác những người trẻ cấp tiến hiện giờ, muốn hướng tới cuộc sống đa-zi-năng, làm nhiều việc cùng một lúc để đa dạng thu nhập, gần 10 năm qua, Trần Long vẫn luôn cần mẫn, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm cho một công việc duy nhất cậu theo đuổi, là nghề phiên dịch.
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, có bằng C2 tiếng Anh (chứng chỉ cao cấp nhất theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ châu Âu CEFR), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Long đã chăm chỉ tìm kiếm cơ hội lớn nhỏ.
"Tôi không bao giờ muốn dùng từ ''may mắn'' để nói về hành trình đó. Bởi đây là dạng công việc không có cơ hội từ trên trời rơi xuống nếu không có khả năng chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, ứng biến linh hoạt. Đổi lại, sau mỗi một công việc, ngoài tiền công, thì cảm giác chiến thắng, chinh phục được một cột mốc mới thực sự rất... đã. Vì vậy, mình luôn bắt bản thân phải trong trạng thái phải cải thiện năng lực và nâng cao tiêu chuẩn liên tục" - Long nói.
Ban đầu, chàng trai trẻ xin công việc phiên dịch tại các hội chợ với mức thu nhập 500.000 đồng/ ngày. Ngay sau đó, một lần, Long được sắp xếp tham gia một sự kiện cho các quan chức cấp cao tại các hội thảo với mức lương lên đến 1000 Euro/buổi.
"Rồi Covid-19 ập đến, các dự đoán về suy thoái kinh tế làm công việc bán thời gian ảnh hưởng nặng nề. Đúng lúc này, một lời mời khá hấp dẫn đến từ Thái Lan được gửi đến tôi. Ngoài lĩnh vực pháp luật mới mẻ thì phúc lợi đi kèm rất tốt nên tôi lập tức đồng ý...'' - Long nhớ lại.
Hiện tại, chàng trai 9X đã sống và làm việc ở Bangkok được 6 tháng. Cũng nhờ sự sáng tạo và nhanh trí mà ở thời điểm dịch Covid-19, Long đã ''sáng tạo'' ra một dịch vụ mới là nhận video ghi hình/thu tiếng của hội thảo gửi về, sau đó biên dịch và lồng tiếng. Từ đó, Long có thêm công việc rất đắt khách đó.
Nếu tính cả việc dịch tự do từ xa và công việc toàn thời gian hiện tại, Long có thể "cá kiếm" cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Với mức chi tiêu và nhu cầu mua sắm cá nhân, thì con số này thoải mái cho cuộc sống của cậu ở Bangkok cũng như nhu cầu du lịch khắp thế giới.
Bật ngửa vì món "tinh trùng" trong thực đơn
Nếu những điều kể trên khiến bạn suy nghĩ thông dịch viên là một ''công việc trong mơ'' khi sở hữu mức lương "khủng", chỉ cần ''lên đồ'', tham gia hội thảo với các khách mời đa quốc tịch, vị trí cao trong xã hội... thì Trần Long xác nhận "đúng nhưng chưa đủ".
Ban đầu chính thu nhập là lý do lớn nhất khiến cậu trai trẻ theo đuổi công việc này. Thế nhưng, Long từng liên tục phải đối diện với cảm giác mệt mỏi, chán chường, hụt năng lượng đến mức không còn muốn giao tiếp với ai.
''Cảm giác khi dịch trong cabin (buồng dịch) giống như bạn bắt một cái máy tính làm việc hết công suất trong 30-60 phút đến mức nóng tới cháy máy. Sau mỗi ngày như thế, hầu như mình cạn kiệt năng lượng. Đáng sợ hơn, đôi lúc mình rất muốn nghỉ ngơi, nhưng đầu óc không nghỉ nổi. Mình ngồi yên nhưng bất kì thứ gì xuất hiện, phát ra âm thanh trên tivi hay có tiếng nói chuyện xung quanh, não lại lập tức "chạy lập trình dịch" và chỉ chờ phát ra khỏi miệng. Nó đã thành bệnh" - Long kể.
Không giống như các nghề khác, bạn có thể tự điều chỉnh áp lực, "thả lỏng" bản thân để tái tạo năng lượng, một phiên dịch viên luôn cần phải tập trung cao độ trong mỗi lần "trình diễn".
Chàng trai trẻ chia sẻ, tại các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, phiên dịch viên không khác gì một nghệ sỹ trình diễn. Trước buổi diễn, họ phải đọc kỹ tài liệu như cách một ca sỹ học lời bài hát, tìm hiểu chủ đề tác phẩm như diễn viên nghiên cứu tâm lý nhân vật. Và thay vì chuẩn bị một tâm hồn đẹp, thì trước khi "vào 'trận", họ thường phải để bản thân rơi vào trạng thái tâm lý trống rỗng để các nguồn nhiễu không ảnh hưởng luồng thông tin dịch.
"Tập trung nghe, tập trung xử lý thông tin, tập trung sắp xếp ngôn từ, bộ lọc thông tin cho phù hợp ngữ cảnh, tập trung điều khiển thanh quản, cơ miệng để phát âm thật rõ ràng và dễ nghe. Vì thế, phiên dịch viên không phải là công việc màu hồng nếu như bạn không có đủ và nhiều kỹ năng" - Long khẳng định.
Và tất nhiên, như ca sỹ kỳ cựu đến mấy cũng có lúc hát quên lời, sự cố trong nghề phiên dịch lại nhiều như cơm bữa. ''Từ sự cố kỹ thuật khách quan khiến mình phải rời khỏi cabin, chạy lên sân khấu dịch nối tiếp, hoặc là khách mời nói nhanh quá dịch theo không kịp... cũng là những tai nạn nhớ đời" - Long cười.
Có sự cố nho nhỏ nhưng Long nhớ mãi khi cậu dịch nhầm thực đơn đồ ăn cho đối tác từ "Salmon" (Cá hồi) thành "Semen" (Tinh trùng) khiến tất cả thực khách trợn tròn mắt, phì cười. Lần khác, trong một lễ kí kết với đối tác Trung Quốc, khi mọi người gọi Biển Đông là "South China Sea" (biển Nam Trung Hoa - PV), cậu liền nhẹ nhàng nhắc nhở và chủ động dịch lại là Biển Đông.
"Nói chung nghề phiên dịch rất cần sự ứng biến linh hoạt, để có thể nhanh chóng giải quyết các sự cố có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Nếu không giải quyết kịp thời, những sự cố nhỏ sẽ trở nên lớn hơn, khó kiểm soát hơn. Và tất nhiên bạn phải luôn ưu tiên giấc ngủ hàng đầu để hồi phục não, thanh quản, cổ tay và cột sống..." - Long nói.
Áp lực cạnh tranh với... AI
Ngày nay công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo - PV) phát triển và đang được ứng dụng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đã có những báo cáo đưa ra nhận định, thông dịch viên sẽ là ngành nghề dễ bị thay thế trong tương lai. Bởi trong suy nghĩ của mọi người, thông dịch là một hình thức nghe - chuyển ngữ, AI hoàn toàn có thể làm được. Thế nhưng, Trần Long lại có suy nghĩ khác.
"100 AI có thể chỉ có chung 1 cách dịch. Nhưng 100 phiên dịch viên thì sẽ có 100 phiên bản dịch thuật khác nhau. Cái mình cần làm là làm sao để mình có văn phong đặc biệt nhất, độc đáo nhất thì chẳng gì có thể thay thế bạn" - Long nhận định.
Suốt 10 năm làm nghề, điều khiến Long tự hào nhất không phải là chuyện bản dịch chuẩn xác đến mức nào mà chính anh luôn biết cách chuyển ngữ cho lọt tai khách hàng.
"Nói cho dễ hiểu, cách mà thông dịch viên truyền đạt đôi khi quan trọng hơn cả nội dung . Mình cảm thấy vui vẻ nhất vì nhiều lần khách hàng khen ''giọng hay và truyền cảm". Bởi không phải ai cũng là chuyên gia ngôn ngữ để biết người phiên dịch đó có đang dịch tốt hay không. Do đó, nếu truyền đạt nội dung đi kèm với một tốc độ dễ nghe, dễ hiểu, giọng nói dễ chịu thì sẽ thu hút sự chú ý của người nghe hơn, từ đó nâng cao chất lượng tổng thể của sự kiện hơn'' - Long nói.
Thế nhưng, trong tương lai công nghệ sẽ tiếp tục phát triển, Long khuyên các bạn trẻ đã và đang theo đuổi nghề dịch thuật nên chuẩn bị sẵn sàng cho mình tâm thế... cạnh tranh khốc liệt.
Trong đó, bản thân Long hiện vẫn phải luôn chủ động trong việc cập nhật kiến thức chuyên môn, đồng thời đọc nhiều sách báo, tiểu thuyết… để có cách dịch độc đáo và đỡ máy móc hơn.
Lời tòa soạn
Sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội hiện mang lại cơ hội nghề nghiệp, công việc mới mẻ, đa dạng. Đặc biệt nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18-25 đã bắt đầu làm việc và tạo ra thu nhập tiền tỷ.
Dân trí thực hiện một loạt bài CHUYỆN NGHỀ, kể về những công việc mới mẻ, thời thượng lẫn những góc khuất của những nghề nghiệp tưởng chừng quen thuộc mà ít người thấu hiểu. Từ chính trải nghiệm của "người trong cuộc", CHUYỆN NGHỀ mong muốn mang lại góc nhìn khách quan, để độc giả khám phá những câu chuyện thú vị, tự vén những bức màn đằng sau ánh hào quang của những người trong nghề.
Nội dung: Tô Loan
Ảnh: NVCC.