DMagazine

Chuyện "đồng tiền xương máu" ở những làng "du lịch" sang Thái

(Dân trí) - Lúc cao điểm, Hà Tĩnh có khoảng 10.000 lao động trên đất Thái Lan. Việc đi Thái "dễ như trở bàn tay" nhưng đây không phải là thiên đường của lao động chui.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 1

Từ những năm 2010, ở Hà Tĩnh xuất hiện nhiều "làng đi Thái" như: Xã Thạch Hưng (Thạch Hà), xã Mỹ Lộc (Can Lộc), xã Thạch Sơn (TP Hà Tĩnh). Không thể phủ nhận thực tế, đã có nhiều gia đình đổi đời, nhiều làng quê thay da đổi thịt bởi nguồn ngoại tệ mà con em lao động ở Thái Lan gửi về. Thế nhưng, đằng sau sự thay đổi ấy là những câu chuyện đắng lòng của những người mang thân phận lao động "chui".

Thời điểm đó, việc sang Thái Lan của nhiều người dân Hà Tĩnh "dễ như đi chợ". Chỉ cần một cuốn hộ chiếu theo diện visa du lịch, ngồi ô tô gần một ngày, chi phí khoảng vài ba triệu đồng là người dân đã có thể đặt chân lên đất Thái. Từ đó, họ bắt đầu cuộc sống của một lao động "chui" trên đất khách, quê người.

Cứ người đi trước chỉ đường, người sau theo, dần dần cả làng, rồi cả xã kéo nhau đến "miền đất hứa". Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, lúc cao điểm, địa phương này có khoảng 10.000 lao động bất hợp pháp trên đất Thái. Trong đó, huyện Can Lộc có tới 4.000 lao động; huyện Thạch Hà và Lộc Hà mỗi huyện từ 2.000-3.000 lao động. Tất cả đều nhập cảnh vào Thái Lan theo con đường du lịch rồi ở lại nuôi mộng làm giàu.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 2

Thực ra, hầu hết lao động theo diện này không có chuyên môn tay nghề, chủ yếu bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, giúp việc nhà, công nhân các xưởng may nhỏ, thậm chí là sang bán hàng rong hay... hành khất tại thủ đô Bangkok hoặc các thành phố lớn như Pattaya, Phuket, Chiang Mai.

Thứ hấp dẫn các lao động này không hẳn là tiền lương có phần cao hơn ở nhà mà là khoản tiền bo nhận được. Tính ra, chỉ bằng cái sự liều và một chút vốn liếng tiếng Thái, thu nhập của các lao động vào khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, gấp 2-3 lần khi ở trong nước.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 3

Theo anh Đặng Văn N. (SN 1980, xã Mỹ Lộc, Can Lộc), tìm kiếm công việc ở Thái Lan rất dễ, chỉ cần có sức khỏe. Tùy vào từng người, khi sang đây có cả trăm thứ nghề để kiếm sống nên ai cũng có thể lựa chọn nghề phù hợp với bản thân.

"Năm 2011, vợ chồng tôi gửi lại con cái cho ông bà để sang Thái làm việc, ban đầu thì bưng bê, rửa chén bát. Sau ít năm biết tiếng Thái Lan, chúng tôi thuê lại một quán ăn nhỏ để kinh doanh, thu nhập của cả 2 vợ chồng cao điểm có khi gần 70 triệu đồng/tháng", anh N. chia sẻ.

Từ việc dễ dàng đi lại cùng những khoản thu nhập đáng mơ ước, ban đầu mỗi xóm, mỗi xã chỉ có một vài người sang Thái Lan, dần dần họ kéo theo hàng chục, hàng trăm lao động sang xứ người mưu sinh và đã tạo nên "cơn sốt" tìm việc trên đất Thái. Hầu như ở các "làng đi Thái", mỗi gia đình đều có ít nhất một thành viên "xuất ngoại", thậm chí có gia đình 5 người đang ở tuổi lao động bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn đi tìm giấc mơ đổi đời.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 4

Không thể phủ nhận nhờ sang Thái làm việc mà đời sống nhiều hộ dân ở Hà Tĩnh khá lên. Điển hình như xã Mỹ Lộc (Can Lộc), trước đây chỉ là một xã nghèo nhưng nay nhà cao tầng san sát, nhiều gia đình sắm ô tô đi lại. Theo ông Đặng Quốc Nga - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, những năm trước, cao điểm có khoảng 1.500 lao động/8.000 nhân khẩu toàn xã làm ăn, sinh sống ở Thái Lan và hầu như là bất hợp pháp. 

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang rộng rãi, anh Lê M. (SN 1988, xã Mỹ Lộc) kể, anh thường xuyên qua lại và làm việc ở Thái Lan gần 10 năm nay. Công việc chính của anh là tiếp đón và dẫn người Việt Nam đi du lịch ở bên đó.

"Mình sống lâu ở Thái Lan rồi thông thạo tiếng, biết được rất nhiều địa điểm nên khi có khách qua mình nhận dẫn họ đi du lịch. Trước dịch Covid-19, khách đông nên thường xuyên kín lịch, mỗi tháng kiếm gần cả trăm triệu đồng", anh M. nói về khoản tiền khá lớn kiếm được.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 5

Nhưng theo anh M., do hầu hết lao động Hà Tĩnh ở bên kia là lao động "chui" nên phải thường xuyên đối phó với các cuộc kiểm tra của chính quyền sở tại. Với việc nhập cảnh bằng visa du lịch, các lao động chỉ được phép lưu trú 30 ngày, quá thời hạn đó sẽ bị xem là lao động bất hợp pháp.

Đương nhiên họ không được pháp luật Thái Lan bảo hộ và cũng gần như không có quyền lựa chọn một công việc đỡ vất vả và an toàn hơn. Để tồn tại trên đất Thái, những lao động "chui" phải nghĩ ra "muôn phương, ngàn kế" để né lực lượng chức năng sở tại, nhiều trường hợp thường xuyên trốn tránh, đổi chỗ làm để không bị phát hiện. 

Một trong những cách phổ biến nhất để có thể bám trụ ở đây là xuất cảnh sang nước thứ 3 rồi tái nhập cảnh lại Thái Lan. Theo cách này, hàng tháng, họ phải qua cửa khẩu Campuchia, Lào hoặc Myanmar để làm "thủ tục" gia hạn hộ chiếu (người trong cuộc gọi là đi "tò" hộ chiếu). Cũng có những người chấp nhận không gia hạn để "hộ chiếu chết", rồi khi trở về nước lại phải đi "chui", thậm chí vượt biên. 

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 6

Quyết định đi "chui", chấp nhận đánh cược cho số phận, ai may mắn tìm được việc tốt, suôn sẻ, không có bất trắc xảy ra, còn không may lại gặp biến cố trong lao động, thậm chí là mang thương tích hay khủng khiếp hơn là bỏ mạng nơi đất lạ. Và đương nhiên, khi đó, bản thân người lao động và gia đình phải mất số tiền rất lớn để bảo toàn sức khỏe và trở về. Thực tế đã có rất nhiều vụ việc đau lòng khi chấp nhận sang Thái Lan lao động "chui".

Người dân Can Lộc hẳn vẫn chưa thể quên vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2020 làm 6 người Việt Nam tử vong, trong đó có 5 công dân ở huyện này. Khi chiếc xe chở nhóm lao động kể trên băng qua tỉnh Siem Reap (Campuchia) để sang Thái Lan làm việc thì gặp sự cố. Vụ tai nạn không chỉ khiến các lao động thiệt mạng mà còn để lại nỗi đau dai dẳng và hệ lụy lâu dài đối với người thân của họ nơi quê nhà.

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 7

Thời gian qua, Thái Lan siết chặt việc quản lý người nước ngoài lao động bất hợp pháp, đặc biệt tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các công xưởng, nhà hàng, quán ăn… đóng cửa dẫn tới nhiều lao động Việt Nam mất việc, cuộc sống càng thêm khó khăn. Đã có một số lượng lớn lao động Hà Tĩnh buộc phải trở về vì không thể trốn tránh. Tuy nhiên, hành trình trở về của nhiều lao động đã gặp rất nhiều gian nan.

Sau nhiều năm đi lại, làm việc bất hợp pháp, năm 2019, anh Trần Văn T. (SN 1990, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) quyết định về nước. Ở quê khó khăn, người đàn ông này lại tiếp tục quay trở lại đất Thái. Làm việc được ít tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, công xưởng đóng cửa, không công việc, không thu nhập, cầm cự được ít lâu, anh T. lại quyết định trở về.

Thế nhưng, nước bạn đóng cửa khẩu đường bộ để phòng dịch, về bằng đường hàng không thì chi phí quá lớn, anh T. lâm vào tình cảnh về không được, ở không xong. 

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 8

"Một vài tháng sau khi mất việc, tiền dành dụm cạn kiệt, còn ít vốn tôi phải tìm cách mua hàng rong rồi đi bán ở các cổng trường, bệnh viện. Do cửa khẩu các nước đều đóng, không thể đi "tò" hộ chiếu như trước dẫn tới "hộ chiếu chết" nên hàng ngày đều phải tìm cách chạy trốn cảnh sát", anh T. kể. "Chạy trời không khỏi nắng", dù liên tục di chuyển từ vùng này đến vùng khác nhưng vào tháng 9/2021 anh T. bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đưa vào trại tị nạn. Hết cách, anh đành gọi điện cầu cứu gia đình đóng tiền bảo lãnh để trở về quê.

"Tôi bị giữ cùng hàng trăm lao động, chủ yếu là người Việt Nam. Hầu như khi vào đây mọi người đều phải liên hệ gia đình gửi chi phí sang nộp phạt, bảo lãnh để về. Cũng có những người bị giữ nhiều năm nhưng mất hoàn toàn liên lạc với gia đình nên chấp nhận sống khổ sở trong trại tị nạn", anh T. nói.

Chưa hết, trong khi đang chờ gia đình gửi tiền sang thì anh T. mắc Covid-19. Thế là, ngoài tiền bảo lãnh, gia đình anh phải vay mượn để gửi sang trả chi phí điều trị Covid-19. Phải mất 4 tháng ròng rã chữa bệnh và hoàn tất các thủ tục bảo lãnh với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng, anh T. mới có thể đặt chân về tới nhà. Với anh, có thể thoát chết trong đại dịch và trở về với gia đình, quê hương đã là điều may mắn.

Anh T. tâm sự: "Gian nan thì không kể hết, không chỉ không kiếm được việc làm mà còn thêm gánh nặng nợ nần cho vợ con. Lần này, tôi xác định không trở lại bên kia nữa, cuộc sống lao động "chui" ở Thái Lan bây giờ không còn là giấc mơ như mọi người từng nghĩ nữa đâu".

Chuyện đồng tiền xương máu ở những làng du lịch sang Thái - 9

Còn anh Lê M. - người từng đưa nhiều lao động Hà Tĩnh qua Thái Lan làm việc thừa nhận, những lao động bất hợp pháp ở bên kia trong thời điểm hiện tại gặp muôn vàn khó khăn.

Theo tìm hiểu, từ cuối tháng 2/2018, chính quyền Thái Lan bắt đầu nhận lao động Việt Nam làm việc trong hai lĩnh vực là xây dựng và ngư nghiệp. Đây là kết quả từ thỏa thuận do hai nước ký kết trước đó. Tuy nhiên, lao động ở Hà Tĩnh vẫn chủ yếu làm việc ở Thái Lan bằng hình thức bất hợp pháp dẫn tới nhiều rủi ro, hệ lụy, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trao đổi với PV Dân trí ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, đơn vị không quản lý việc người dân di cư tự do, sang lao động bất hợp pháp ở Thái Lan mà chỉ quản lý những lao động xuất khẩu theo đường chính thống. Người đứng đầu Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh mong người dân sẽ có ý thức hơn đối với vấn đề xuất khẩu lao động, để có đủ điều kiện hợp pháp, đủ năng lực làm việc nơi đất người.

Bài: Tiến Hiệp

Thiết kế: Thủy Tiên