1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cay đắng phận người lao động chui bên kia biên giới

Với quan niệm, Trung Quốc là nơi dễ kiếm việc làm, thu nhập lại cao, chuyện thanh niên bỏ quê vượt biên sang Trung Quốc đã không còn là hiếm, thậm chí thành phong trào.

Vì mưu sinh, tâm lý muốn đổi đời dẫn tới nhiều lao động đã sẵn sàng bất chấp sự cảnh báo, tính phi pháp của chuyến đi để bỏ gia đình, quê hương đến xứ người.

Thế nhưng, sự giàu có đâu chưa thấy, ở nơi tưởng chừng “miền đất hứa” ấy, đã có bao nhiêu lao động phải cam chịu cuộc sống khốn khổ, tủi nhục, thậm chí là bỏ mạng nơi đất khách.

Hoằng Trường là một xã bãi ngang của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá). Địa phương này được ghi nhận có số lao động làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc luôn dẫn đầu huyện với 400 người (thống kê của xã).

Nguyên nhân, theo ông Lê Văn Tấn, Trưởng Công an xã là do cái nghèo, do thiếu việc làm mà đành bỏ quê sang Trung Quốc để mưu sinh. Hơn nữa, những kẻ môi giới thường rót mật vào tai rằng lương cao, ưu đãi tốt, đi một vài năm sẽ trở nên giàu có.

Cay đắng phận người lao động chui bên kia biên giới - 1

Công an Hậu Lộc vừa ngăn chặn 17 công dân chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Trường hợp chị Lê Thị Huệ (thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) là điển hình.

Sau quãng thời gian 3 năm làm việc tủi cực nơi xứ người, chị kể lại trong nước mắt: "Bỏ lại chồng con để đến xứ lạ tìm kiếm việc làm đối với người phụ nữ không phải là chuyện đơn giản. Song cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo mà bất chấp ra đi. Những tưởng sang bên đó kiếm tìm việc làm sẽ dễ dàng hơn, lương cao hơn, ai có ngờ, cuộc sống chui lủi, lẩn trốn cơ quan chức năng lại đoạ đày bản thân đến thế!".

Hỏi ra được biết, nhà chị Huệ có 4 người  (2 vợ chồng, 2 đứa con) với 2 sào ruộng khoán. Mỗi đợt chờ thu hoạch lúa, vụ nào tốt lắm cũng chỉ được vài ba tạ thóc. Cuộc sống quanh năm gần như túng quẫn nên trong một lần đi làm thuê ở Móng Cái (Quảng Ninh).

Nhiều người rủ rê, chị đánh liều thử vận may bằng chuyến vượt biên dài hàng ngàn cây số sang Trung Quốc cầu mong sự đổi đời… để rồi may mắn cho chị khi còn có cơ hội để trở về quê hương.

Hai xã vùng biển Ngư Lộc và Minh Lộc (thuộc huyện Hậu Lộc) cũng được xếp là “điểm nóng” của tình trạng người lao động kéo sang Trung Quốc làm thuê với con số hàng trăm lao động mỗi năm.

Trưởng Công an xã Minh Lộc, ông Lê Xuân Ứng cho rằng: Sở dĩ người dân địa phương chấp nhận bỏ quê hương đến Trung Quốc tìm việc làm là do thu nhập từ nghề khai thác cá đang gặp nhiều khó khăn, ngày công cho lao động làm nghề này rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống. Chính vì ít việc làm, thu nhập không đảm bảo nên nhiều lao động, kể cả người đang tham gia đánh cá cho các chủ tàu ở địa phương cũng sẵn sàng bỏ nghề, bỏ quê hương sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm.

Là một trong số 5 lao động của xã Ngư Lộc vừa bị Công an huyện Hậu Lộc phát hiện, ngăn chặn trước khi vượt biên sang Trung Quốc dịp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa rồi, anh Lê Xuân Đô (thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc) giãi bày: "Dẫu biết, bỏ lại vợ con, quê hương và nghề đi biển đã bao năm gắn bó để sang Trung Quốc làm lao động chui cũng bấp bênh và rủi ro. Song, do nghề đi biển bây giờ không ăn thua nên mỗi tháng chủ tàu chỉ trả cho người làm thuê  như anh với mức từ 2-5 triệu đồng. Lương chủ tàu trả không đảm bảo cuộc sống nên đánh cược  nghe theo bạn bè, sang Trung Quốc làm nghề bốc vác thuê với mức lương hứa hẹn 10 triệu đồng/tháng".

Tuy nhiên, giấc mộng đã không trở thành hiện thực. Bởi khi chiếc xe khách chở hàng chục hành khách sang Trung Quốc làm thuê (trong đó có Đô) vừa xuất bến từ bến xe Minh Lộc đi được khoảng vài km thì bị Công an huyện này phát hiện và ngăn chặn.

Theo tìm hiểu được biết, người lao động tại Thanh Hoá muốn vượt biên qua Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo 4 cửa khẩu chính: Cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai. Trong đó, đi nhiều nhất là 2 cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) và Móng Cái.

Nếu muốn qua Trung Quốc làm việc, người đi chỉ phải bỏ ra 1.000 - 1.500 tệ (tương đương khoảng 3 đến 4 triệu đồng tiền Việt) cho môi giới. Khi vượt qua được cửa khẩu trót lọt, người lao động được môi giới bên phía Trung Quốc đưa đến các xưởng làm việc… Song đó chỉ là lời hứa trước lúc đi.

Kể lại chuyến vượt biên sang Trung Quốc làm lao động chui, chị Lê Thị Huệ (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá) cho biết: Sau khi lên xe khách chạy tuyến Thanh Hóa đi Móng Cái vào lúc 3 giờ chiều hôm trước, đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, chị đã có mặt tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Do phải mất nhiều giờ quăng quật trên xe khách nên người trưởng nhóm là một phụ nữ đứng tuổi đã  tổ chức cho những lao động muốn sang Trung Quốc làm việc được nghỉ ngơi để lấy lại sức tại nhà nghỉ ở Móng Cái.

Sau 1 ngày nghỉ ngơi tại nhà nghỉ, đoàn của chị tiếp tục lên đường thực hiện cuộc hành trình “vượt biên” bằng cuốc xe ôm len lỏi dọc đường biên do người Việt Nam điều khiển với mức phí là 50.000đồng.

Đi hết quãng đường xe ôm, chị và những người cùng đi lại di chuyển bằng đường sông. Sau khoảng 30 phút đi bằng đường thủy, đoàn của chị lại lên xe khách tiến sâu vào đất Trung Quốc.

Hết 1 ngày ngồi trên xe khách, cuối cùng chị cũng đã đến được nơi mà người ta cho chị biết đó  là TP. Trung San. Tại đây, chị được người Trung Quốc nhận vào làm cho một Công ty chuyên sản xuất hoa nhựa...

Không chỉ có chị Huệ mà hàng trăm lao động khác trên địa bàn các huyện của tỉnh, sau mỗi dịp Tết lại “rồng rắn” sang lao động trái phép tại Trung Quốc, nối dài những câu chuyện buồn về cuộc mưu sinh nơi đất khách.

Theo T.Phương- N.Hưng/Báo Công Lý