DNews

VNDirect và sự nhạy cảm với trái phiếu "họ" Trung Nam

Hà Ngân

(Dân trí) - Cổ phiếu VND có phản ứng nhạy cảm với các thông tin liên quan đến trái phiếu của Trungnam Group và các đơn vị thành viên.

VNDirect và sự nhạy cảm với trái phiếu "họ" Trung Nam

Lãnh đạo VNDirect từng thừa nhận có áp lực vốn mua lại trái phiếu của nhóm và mất cơ hội kinh doanh. 

Nhạy cảm với thông tin về trái phiếu "họ" Trungnam

Trong 3 tháng qua, diễn biến thị trường khởi sắc cùng thanh khoản cải thiện rõ nét, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán tăng giá như SSI của Chứng khoán SSI tăng từ 20.800 đồng/cổ phiếu lên 28.000 đồng, VCI của Vietcap tăng từ 30.000 đồng/cổ phiếu lên 42.000 đồng, MBS hay HCM cũng có mức tăng giá từ 24% trở lên…

Cổ phiếu VNDirect (mã chứng khoán: VND) cũng có sự phục hồi tốt từ vùng 14.500 đồng lên 20.000 đồng/cổ phiếu. Song phiên ngày 6/7, VND bị xả mạnh đạt kỷ lục giao dịch với 106 triệu đơn vị và giá rớt về gần sàn 17.950 đồng.

Sau đó, mã chứng khoán VND tiếp tục có 1 tuần đi ngang trong vùng 17.000-18.000 đồng/cổ phiếu. Xét trong 1 tháng qua, nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng giá riêng VND ngược dòng.

VNDirect và sự nhạy cảm với trái phiếu họ Trung Nam - 1

Diễn biến các cổ phiếu chứng khoán trong 1 tháng qua (Nguồn: TradingView).

Điều này được cho là do ảnh hưởng thông tin không tích cực về trái phiếu mang "họ" Trung Nam. Ngày 6/7, Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam (TNRE), đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), thông báo gia hạn thời gian trả gốc và lãi lô trái phiếu TRECB2223001 tổng trị giá 1.586 tỷ đồng từ ngày 30/6 đến ngày 4/8. Trong đó, 1.500 tỷ đồng là gốc trái phiếu và 86 tỷ đồng là lãi.

Không phải lần đầu tiên nhóm công bố chậm trả lãi, gốc. Trước đó, thành viên khác của Trungnam Group là Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh cho biết không thể thanh toán đúng hạn lãi phát sinh 642 triệu đồng cho lô trái phiếu TVSCH2123001 (giá trị đang lưu hành 25,5 tỷ đồng) vào ngày 27/6. Công ty đang tiếp tục thu xếp nguồn thanh toán cho trái chủ.

Vào tháng 3, Trungnam Group cũng thông báo gặp các vấn đề dòng tiền nên không thanh toán đủ gốc trái phiếu khi đến hạn. Cụ thể, lô trái phiếu TNGCH2223001 trị giá 400 tỷ đồng đến hạn thanh toán vào 16/3, tập đoàn trả được 80 tỷ đồng cùng lãi phát sinh 9,4 tỷ đồng. Hay lô trái phiếu TNGCH2223002 trị giá 300 tỷ đồng đến hạn 22/3, tập đoàn mới thanh toán 30,6 tỷ đồng kèm lãi 7 tỷ đồng.

Tháng 10 năm trước, cổ phiếu VND cũng có đợt sụt giảm mạnh từ vùng 17.000 đồng về 10.000 đồng/cổ phiếu với nhiều phiên giảm sàn trước những thông tin không tích cực trên thị trường trái phiếu (sau vụ Vạn Thịnh Phát, SCB).

Trong bối cảnh đó, VNDirect đã tổ chức chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trungnam Group, để trả lời thắc mắc nhà đầu tư về trái phiếu cũng như tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của nhóm.

Gặp áp lực về vốn và mất đi cơ hội kinh doanh

Trong giai đoạn năm 2021-2022, VNDirect là đối tác đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ huy động trái phiếu của Trungnam Group cùng đơn vị thành viên.

Thống kê từ HNX cho thấy, công ty chứng khoán này cung cấp dịch vụ phát hành cho khoảng 16.600 tỷ đồng trái phiếu "họ" Trungnam. Trong đó, riêng Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 là 10.000 tỷ đồng, chào bán trong năm 2021.

Theo VNDirect, thương vụ bảo lãnh phát hành này có quy mô lớn nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay.

VNDirect và sự nhạy cảm với trái phiếu họ Trung Nam - 2

Danh sách trái phiếu "họ" Trungnam do VNDirect cung cấp dịch vụ phát hành (Nguồn: Tổng hợp từ HNX và VNDirect).

Đồng thời, công ty gần như cung cấp dịch vụ trọn gói với các trái phiếu của Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, tức không chỉ tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý đăng ký, lưu ký mà còn bảo lãnh phát hành, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo và thanh toán.

Ngoài ra, tương tự như nhiều công ty chứng khoán khác trong giai đoạn nở rộ kênh đầu tư trái phiếu, VNDirect cũng lựa chọn các doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm trái phiếu DBond (danh mục trái phiếu kỳ hạn ngắn), VBond (danh mục trái phiếu kỳ hạn dài).

Theo giới thiệu, các sản phẩm này được công ty thiết kế riêng cho mọi đối tượng từ khách hàng cá nhân đến khách hàng doanh nghiệp với cam kết lãi suất và cam kết mua lại tại ngày trả lại quy định trong hợp đồng từ VNDirect theo thời hạn đầu tư.

Để thu hút, VNDirect đưa ra mức lợi nhuận ưu đãi lên đến 11-11,8%/năm, kỳ hạn linh hoạt (tức trái chủ có thể bán lại mọi lúc), có thể mua bán dễ dàng 100% online tại bảng giá trái phiếu...

Công ty đưa ra danh sách doanh nghiệp để phát hành trái phiếu DBond, VBond gồm Công ty cổ phần Bình Hiệp, Cenland, Công ty cổ phần SunBay Ninh Thuận, Du lịch Thiên Minh, Năng lượng Bắc Hà, Tập đoàn đầu tư I.P.A, Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun, Trungnam Group. VNDirect đánh giá những đơn vị trên là doanh nghiệp hàng đầu, có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, dòng tiền từ kinh doanh cốt lõi bền vững.

Nói về quyết định đặt cược vào trái phiếu Trungnam, bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc VNDirect, chia sẻ VNDirect đánh giá Trungnam Group là đơn vị đại diện cho ngành năng lượng, có tiềm năng về cả năng lực phát triển dự án cho đến tìm kiếm dự án đầu tư.

Nếu huy động được nguồn vốn về thương mại, nhóm có cơ hội xây dựng nền tảng về năng lượng tốt, giữ được an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình xã hội hóa, tư nhân hóa phát triển mảng hạ tầng năng lượng của nền kinh tế.

Theo đó, những rủi ro của trái phiếu tập đoàn năng lượng hiện nay là rủi ro tạm thời về thanh khoản. Lãnh đạo VNDirect cho biết Trungnam group cũng gặp một số khó khăn liên quan đến dự án Thuận Nam, dự án điện gió mất thời gian các năm đầu điều chỉnh kỹ thuật để tối ưu về gió, hoạt động bán vốn cho nước ngoài bị dừng do đơn vị Credit Suises bị ảnh hưởng, nhà đầu tư lo ngại về những rủi ro.

Song điểm tích cực là các nhà máy điện được yêu cầu phát tối đa công suất và đa phần có dòng tiền dương. Đồng thời, Vietcombank tái cấu trúc các khoản vay để nhóm không bị áp lực dòng tiền.

Theo số liệu công bố tại HNX, hầu hết công ty thành viên thuộc Trungnam Group bắt đầu có  lợi nhuận từ 2021. Riêng Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 báo lỗ đậm 859 tỷ đồng ngay năm đầu tiên vận hành. Hợp nhất, "ông lớn" năng lượng tái tạo Trungnam Group lãi giảm mạnh từ 1.635 tỷ đồng năm 2021 xuống 254,7 tỷ đồng năm 2022 do không có hoạt động bán vốn lớn.

Bà Hương cũng thừa nhận ban lãnh đạo không lường trước được là sự bán lại của nhà đầu tư. Doanh nghiệp đã phải mua lại lượng trái phiếu khổng hồ sau thời điểm vụ Vạn Thịnh Phát. Do vậy, VNDirect vẫn có áp lực về vốn và để mất cơ hội kinh doanh khi vốn bị chôn tại một doanh nghiệp.

Tính đến cuối quý I, quy mô trái phiếu doanh nghiệp VNDirect nắm giữ đạt 9.814 tỷ đồng, tăng thêm 1.761 tỷ đồng so với đầu năm và 2.820 tỷ đồng so với cuối quý III/2022 (thời điểm chưa diễn ra vụ việc Vạn Thịnh Phát).

Tăng vốn "thần tốc"

Mặc dù đã huy động vốn lớn trong 2021 và 2022, thời gian tới, VNDirect tiếp tục lên kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Nhìn lại, công ty của bà Phạm Minh Hương đã có đà tăng vốn "thần tốc" trong giai đoạn 2021-2022, gấp gần 6 lần.

Sau 3 năm duy trì mức vốn điều lệ 2.204 tỷ đồng, VNDirect tiến hành phát hành tỷ lệ 1:1 cho cổ đông giá 14.500 đồng/cổ phiếu tăng vốn lên 4.349 tỷ đồng vào năm 2021. Một năm sau đó, công ty tiếp tục chào bán tỷ lệ 1:1 cho cổ đông giá 10.000 đồng/cổ phiếu và thưởng tỷ lệ 80% để tăng vốn lên 12.178 tỷ đồng.

Tại kỳ họp đại hội cổ đông thường niên năm nay, cổ đông công ty chứng khoán đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng thông qua phát hành gần 585 triệu cổ phiếu bằng nhiều hình thức. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 5%; 12,1 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Công ty cũng chào bán 24,3 triệu cổ phiếu theo thương trình lựa chọn người lao động (ESOP), giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, sau năm đầu có thể bán 50% và số còn lại có thể bán sau 3 năm.

Đồng thời, VNDirect muốn chào bán 487,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông, nhà đầu tư chuyên nghiệp để huy động vốn với tỷ lệ thực hiện 40%, bao gồm 243,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 243,6 triệu cổ phiếu ra công chúng.

Công ty bán cho cổ đông giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Còn giá bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được xác định căn cứ trên giá trị sổ sách và giá thị trường tại thời điểm chào bán. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.

Nguồn tiền thu được để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, đầu tư vào giấy tờ có giá trên thị trường, bổ sung vốn hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, phát hành và phân phối chứng quyền… Thời gian thực hiện là trong năm 2023 và 2024.

Hiện nay, cổ đông lớn nhất của VNDirect là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (mã chứng khoán: IPA), nắm giữ 25,84% vốn. Doanh nghiệp này là công ty riêng của vợ chồng bà Phạm Minh Hương. Các lãnh đạo doanh nghiệp sở hữu không đáng kể.

Về hoạt động kinh doanh, nguồn thu chính của doanh nghiệp đến từ đầu tư, cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ và môi giới chứng khoán.

Năm 2023, doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động đầu tư mang về doanh thu 1.620 tỷ đồng, tương đương năm trước; dịch vụ chứng khoán giảm 37% xuống 860 tỷ đồng, mảng ngân hàng đầu tư đi ngang và mảng đầu tư nguồn vốn kỳ vọng có sự bứt phá. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với 2022 nhờ tiết kiệm chi phí.