DMagazine

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022

(Dân trí) - Các tổ chức quốc tế liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm và cho rằng triển vọng kinh tế thế giới những tháng cuối năm nay là u ám và ngày càng không chắc chắn.

Phác họa bức tranh kinh tế thế giới những tháng cuối năm

Giá năng lượng cao gây ra lạm phát, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, thách thức về nguồn cung vẫn tồn tại và các ngành công nghiệp phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Đó là những nét vẽ cơ bản của bức tranh nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm nay. 

Dự báo tăng trưởng liên tục bị cắt giảm

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần nữa lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo Reuters đưa tin, trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 từ mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. IMF giải thích rằng GDP thế giới thực sự giảm trong quý II do suy thoái ở Trung Quốc và Nga.

Quỹ cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống 2,9% so với mức ước tính 3,6% của tháng 4, với lý do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF phát biểu tại một cuộc họp báo: "Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro đang đình trệ, tác động lớn đối với triển vọng toàn cầu".

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022 - 1

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay liên tục bị cắt giảm (Ảnh minh họa: Getty).

Các tổ chức kinh tế khác cũng tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng. Vào tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu cho năm nay xuống còn 2,9% từ mức 4,1% được đưa ra trong tháng 1. Các chỉ số hàng đầu tổng hợp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho thấy kinh tế chung sẽ giảm tốc trong những tháng tới.

Việc thu hẹp triển vọng tăng trưởng được cho là do giá năng lượng và lương thực tăng cao, tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung và thương mại, và lãi suất chính sách tăng nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Trong cuộc họp hồi tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, đưa lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 1,5 - 1,75%. Và trong phiên họp tháng 7, một lần nữa, Fed lại tăng lãi suất ở mức 0,75% khi lạm phát tăng cao kỷ lục trong 40 năm. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kiên trì với mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% bằng cách hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng mà không tạo ra suy thoái. Ông cho biết mức lãi suất có thể lên 3,8% vào năm 2023. 

Cả Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương Anh cũng đều công bố chính sách tăng lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã vạch ra một chính sách hiền hòa hơn, thay vào đó chú trọng hơn vào việc bảo vệ sự phục hồi sau đại dịch. ECB có kế hoạch tăng lãi suất 25% vào tháng 7, điều này sẽ đưa lãi suất, vốn nằm trong vùng âm, về 0.

Triển vọng kinh tế tồi tệ ở Mỹ, Trung

Triển vọng tăng trưởng tồi tệ hơn ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc, đã khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng. 

Triển vọng GDP của Mỹ đã giảm 1,4 điểm phần trăm xuống 2,3%, do tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm nay, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong khi đó, báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% vào tháng 4, với lý do Covid-19 bùng phát và tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở các thành phố lớn đã hạn chế sản xuất và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Wei Yao, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Societe Generale SA, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg: "Tăng trưởng GDP là một thiếu sót lớn. Vẫn còn rất nhiều thách thức và nền kinh tế sẽ cần một sự phục hồi rất mạnh trong nửa cuối năm nay để đạt 4% trong năm nay".

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022 - 2

Dự báo GDP của hầu hết các nước giảm, dẫn đầu là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh: Getty).

Một vấn đề tồi tệ đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này là các dữ liệu cho thấy không có dấu hiệu cải thiện trong sự sụt giảm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc. Các ngân hàng đã bị xáo trộn trong những tuần qua bởi các báo cáo rằng các hộ gia đình ở hàng chục thành phố đã ngừng thanh toán các khoản thế chấp do các nhà phát triển bất động sản không thể hoàn thành việc xây dựng nhà.

"Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế bền vững là không ổn định" vì tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 trong nước "vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn", Cục Thống kê Quốc gia cho biết trong một tuyên bố đi kèm với việc công bố GDP và các dữ liệu khác. Cơ quan này cũng cảnh báo về "rủi ro lạm phát đình trệ gia tăng" trong nền kinh tế thế giới, sự thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn và tác động của việc bùng phát virus trong nước.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% cho năm 2022, và các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu này. Theo báo cáo mới nhất của NBS, tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm của Trung Quốc đạt 2,5%.

"Với con số quý II, rất có thể chính phủ Trung Quốc cần giảm mục tiêu năm, bởi vì họ cần tăng trưởng hơn 8% trong nửa cuối năm để đạt được mục tiêu 5,5%", Alicia García-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis ở Hồng Kông, nói với Al Jazeera.

Trong khi đó, triển vọng của khu vực đồng euro đã bị hạ 0,2 điểm phần trăm xuống 2,6%, mặc dù IMF cho biết hậu quả nặng nề hơn từ cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng vào năm 2023, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 6,0% vào năm nay do các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây. Tuy nhiên, đó là sự cải thiện so với dự báo giảm 8,5% hồi tháng 4 khi Moscow áp dụng các biện pháp để ổn định khu vực tài chính, hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

IMF ước tính kinh tế Ukraine sẽ giảm khoảng 45% do xung đột, nhưng không chắc chắn.

Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng, nguy cơ suy thoái toàn cầu

Tỷ lệ lạm phát được dự đoán là rất cao trên khắp thế giới, đạt trung bình 7% trong năm nay. Kết quả này thu được sau cuộc khảo sát mới nhất của các chuyên gia kinh tế (EES) do Viện Ifo và Viện Chính sách Kinh tế Thụy Sĩ thực hiện với sự tham gia của hơn 100 quốc gia.

Nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu kinh tế Ifo Niklas Potrafke cho biết: "Lạm phát xảy ra ở quy mô toàn cầu. Lạm phát trong năm 2022 dự kiến cao hơn khoảng 5 điểm phần trăm so với mức mà Ngân hàng Thế giới báo cáo trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019".

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022 - 3

Trong những tháng tới, lạm phát dự báo tiếp tục gia tăng (Ảnh: iStock).

Còn IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay, mức tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm.

"Sẽ mất nhiều thời gian hơn để lạm phát biến mất và mức độ lạm phát tổng thể dự kiến sẽ có vào cuối năm nay", Tobias Adrian, cố vấn tài chính kiêm Giám đốc Ban Thị trường vốn và Tiền tệ tại IMF, nói với CNBC.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên một đỉnh mới vào tháng 6, với chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu mới công bố của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Đây là mức lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm và cao hơn mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 8,6% vào tháng 5. Con số này cũng cao hơn nhiều so với 8,8% mà các nhà kinh tế đã dự đoán, theo Refinitiv.

Phần lớn mức tăng trong tháng 6 là do giá xăng tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng trước, người Mỹ đã phải đối mặt với giá xăng cao kỷ lục, với mức trung bình trên toàn quốc là 5 USD/gallon. Giá điện và khí đốt tự nhiên cũng tăng lần lượt 13,7% và 38,4%.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho biết một hộ gia đình Mỹ điển hình hiện cần chi thêm 493 USD mỗi tháng để mua cùng loại hàng hóa và dịch vụ họ sử dụng vào thời điểm này năm ngoái.

Kathy Jones, giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab, cho biết: "Lạm phát đã làm xói mòn phần lớn lợi nhuận. Sức mua của người dân đang đi xuống".

Với việc giá cả tăng cao thúc đẩy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, IMF cho biết việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách.

Trong nhiều tháng nay, các ngân hàng trung ương đang dần áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất - động thái đầu tiên sau 11 năm.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn dai dẳng, ghi nhận mức cao kỷ lục ở nhiều quốc gia.

Nếu hàng loạt các mối đe dọa tiếp tục gia tăng, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với một trong những năm suy yếu nhất kể từ năm 1970, một thời kỳ lạm phát đình trệ nghiêm trọng trên toàn cầu.

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022 - 4

Nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn cầu (Ảnh: Getty).

Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, đã viết trong một bài đăng trên blog kèm theo báo cáo: "Thế giới có thể sẽ sớm tiến đến bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ 2 năm sau cuộc suy thoái gần nhất. Nói một cách đơn giản, triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng ảm đạm".

Căn nguyên bị lãng quên

Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang tấn công nền kinh tế toàn cầu làm gia tăng lo ngại về suy thoái, mất việc làm, nạn đói và sự lao dốc của thị trường chứng khoán. Căn nguyên của sự dày vò này là một thứ đơn giản đến mức gần như không còn được đề cập đến, đó là đại dịch.

Hầu hết các thách thức đang xé nát nền kinh tế toàn cầu được đặt ra bởi phản ứng của thế giới đối với sự lây lan của Covid-19 và cú sốc kinh tế đi kèm sau đó.

Julia Coronado, một nhà kinh tế học tại Đại học Texas tại Austin, phát biểu trong một cuộc thảo luận do Viện Brookings ở Washington tổ chức: "Khá nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta đã bị gián đoạn bởi đại dịch, và sau đó là cuộc chiến ở Ukraine".

Chính đại dịch đã khiến các chính phủ phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan, gây trở ngại cho các nhà máy từ Trung Quốc, Đức đến Mexico. Khi mọi người ở nhà sau đó đặt khối lượng hàng hóa kỷ lục vượt quá khả năng sản xuất và vận chuyển, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng lớn.

Đại dịch đã khiến các chính phủ từ Mỹ đến châu Âu phải tung ra hàng nghìn tỷ USD chi tiêu khẩn cấp để hạn chế tình trạng thất nghiệp và phá sản. Nhiều nhà kinh tế hiện cho rằng họ đã làm quá nhiều, kích thích sức mạnh chi tiêu đến mức gây ra lạm phát, trong khi Fed đã chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất.

Đại dịch cũng là trung tâm của lời giải thích cho sự chậm lại đáng lo ngại của kinh tế Trung Quốc, làm kéo dài tình trạng thiếu hàng công nghiệp đồng thời hạn chế nhu cầu xuất khẩu trên khắp thế giới, từ phụ tùng ô tô sản xuất tại Thái Lan đến đậu nành ở Brazil.

Tương lai khó đoán định của kinh tế thế giới những tháng cuối năm 2022 - 5

Đại dịch được cho là căn nguyên của các vấn đề kinh tế toàn cầu hiện nay (Ảnh: Freepik).

Trong khi đại dịch vẫn chưa lắng xuống, cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang đã làm tình hình hỗn loạn càng trầm trọng thêm. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu và khí đốt Nga khiến cho nguồn cung toàn cầu càng thêm thắt chặt, đẩy giá năng lượng tăng vọt.

Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn trên thế giới. Từ Ai Cập đến Lào, các quốc gia có truyền thống phụ thuộc vào nguồn cung cấp lúa mì của 2 nước này đã phải chịu chi phí tăng cao đối với các mặt hàng chủ lực như bánh mì.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, số người được coi là "mất an ninh lương thực" trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu, tăng từ 135 triệu người lên 276 triệu người.

Tuy nhiên, một trong số những biến số lớn nhất quyết định điều gì xảy ra tiếp theo là đại dịch. Đây cũng chính là biến số bắt đầu của mọi vấn đề hiện nay.

Thời tiết trở lạnh hơn ở các quốc gia phía Bắc có thể mang đến một làn sóng lây nhiễm Covid-19 khác, đặc biệt là do sự phân phối sai lệch của vaccine Covid-19, khiến nhiều người dễ bị tổn thương và có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới.

Kể từ khi thế giới lần đầu tiên bị chấn động bởi thảm họa sức khỏe cộng đồng cách đây hơn 2 năm, người ta đã nhận ra rằng mối đe dọa cuối cùng đối với nền kinh tế là chính đại dịch. Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách hiện tập trung vào lạm phát, suy dinh dưỡng, suy thoái và một cuộc chiến chưa có hồi kết, thì nhận định đó đến nay vẫn đúng.

"Chúng ta vẫn đang phải vật lộn với đại dịch. Chúng ta không thể chỉ coi đó là một yếu tố rủi ro", bà Haugland, chuyên gia kinh tế của DNB Markets, khẳng định.

Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)