Triển vọng kinh tế Trung Quốc ra sao trong nửa cuối năm nay?

Nhật Linh

(Dân trí) - Triển vọng nền kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay ra sao phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19 và sự hồi phục của thị trường bất động sản nước này.

Theo Bloomberg, sau khi tăng trưởng gần như chững lại trong quý II, các nhà kinh tế đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới xuống 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc đặt ra.

Giới phân tích cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ giáng một đòn vào nền kinh tế thế giới vốn đang vật lộn với lạm phát tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, chiến sự ở Đông Âu và đại dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã mạnh tay cắt giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dưới đây là những vấn đề được cho sẽ tác động lớn đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong 6 tháng cuối năm.

Phong tỏa

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ đạt 0,4%, mức thấp thứ 2 hàng quý từng được ghi nhận. Nguyên nhân lớn nhất là hàng chục thành phố bị phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của biến thể omicron trong mùa xuân vừa qua. "Không có gì tồi tệ bằng việc các thành phố lớn bị đóng cửa và ngừng các hoạt động kinh tế", Gary Ng, nhà kinh tế tại Natixis SA, nói.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc ra sao trong nửa cuối năm nay? - 1

Kinh tế Trung Quốc quý II chỉ tăng 0,4% do các đợt phong tỏa ngăn chặn Covid-19 (Ảnh: Getty)

Theo các nhà kinh tế tại Nomura, Trung Quốc đang chịu tác động của "chu kỳ kinh doanh Covid" (CBCs). Đầu tiên là số ca nhiễm tăng nhanh dẫn đến việc đóng cửa doanh nghiệp. Một khi các ca nhiễm giảm xuống, các gói kích thích của chính phủ sẽ giúp nền kinh tế hồi phục, nhưng điều đó lại có thể dẫn đến một đợt lây nhiễm mới.

Với các biến thể như BA.5 được phát hiện gần đây tại một số thành phố, mức độ và thời gian phong tỏa là không thể đoán trước được. "Thời gian và mức độ của CBCs xuất hiện khá ngẫu nhiên do sự không chắc chắn của dịch bệnh Covid-19", các nhà kinh tế của Nomura mà dẫn đầu là ông Lu Ting cho biết và thêm rằng: "Chúng tôi tin rằng các thị trường đang quá lạc quan về tăng trưởng trong nửa cuối năm nay".

Mặt khác, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc ngày càng thích ứng với việc duy trì hoạt động sản xuất và vận chuyển trong thời gian phong tỏa. Mặc dù vẫn kiên quyết với chính sách zero-Covid, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần qua đã yêu cầu các quan chức "giảm bớt sự bất tiện đối với cuộc sống hàng ngày của người dân" khi thực thi chính sách này.

"Tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng với các ca nhiễm Covid-19 ở mức độ thu hẹp hơn bằng các vụ đóng cửa cục bộ thay vì áp dụng trên toàn thành phố như hồi tháng 4 và tháng 5 nhằm tránh những gián đoạn nghiêm trọng cho quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra", Andy Rothman, chiến lược gia tại Matthews Asia, nói.

Bất động sản

Bất động sản, lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP Trung Quốc, tiếp tục tồi tệ hơn trong quý II. Một phần là do các vụ phong tỏa đã tác động đến thu nhập của các hộ gia đình và khiến họ ít hào hứng với việc mua nhà.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc ra sao trong nửa cuối năm nay? - 2

Bất động sản, lĩnh vực chiếm khoảng 20% GDP Trung Quốc, tiếp tục tồi tệ hơn trong quý II (Ảnh: Bloomberg).

Những rủi ro này sẽ khiến thị trường bất động sản nước này rơi vào suy thoái lâu hơn và có thể tiếp tục ngay cả khi các đợt phong tỏa giảm xuống. Ngoài ra, cuộc tẩy chay thế chấp đang diễn ra tại hàng chục thành phố, làm rúng động cả lĩnh vực ngân hàng, cũng đang khiến người mua nhà tin rằng họ có thể sẽ không được nhận nhà đúng hạn.

"Điều quan trọng là chính phủ phải nhanh chóng khôi phục lại niềm tin và loại bỏ những tiêu cực có nguy cơ lặp lại", các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết khi hạ dự báo tăng trưởng GDP hàng năm của nước này xuống 3,3%.

Các nhà kinh tế đang dõi theo những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ thị trường nhà ở, bao gồm giảm mạnh lãi suất cho vay thế chấp hay yêu cầu các ngân hàng tăng rót vốn cho các nhà phát triển bất động sản.

Các gói kích thích kinh tế của chính phủ

Nguồn tin của Bloomberg cho hay, Trung Quốc có thể thông qua đợt phát hành trái phiếu địa phương lớn chưa từng có để huy động 7.200 tỷ nhân dân tệ (1.100 tỷ USD) cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm nay. Điều đó có thể làm gia tăng việc làm và chi tiêu hộ gia đình.

Nhưng vấn đề là các đợt đóng cửa vì Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản đồng nghĩa doanh thu thuế và nguồn thu từ việc bán đất của các chính quyền địa phương cũng sụt giảm. Theo nhà kinh tế Wang Tao của UBS Group AG, điều đó đã khiến nguồn thu của các địa phương hụt 2.700 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm.

Do đó, bà Wang kêu gọi chính phủ trung ương nước này nên xem xét việc phát hành trái phiếu đặc biệt trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ ngân sách. Nếu không có các biện pháp hỗ trợ mới, bà cho rằng, Trung Quốc có thể rất chật vật để tăng trưởng 3% trong cả năm nay.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc ra sao trong nửa cuối năm nay? - 3

Trung Quốc có thể rất chật vật để tăng trưởng 3% trong cả năm nay nếu không có các biện pháp hỗ trợ mới (Ảnh: Getty).

Tương tự, ông Adam Wolfe, nhà kinh tế tại Abslute Strategy Research ở London cũng cho rằng: "Chính sách tài khóa đang lỏng lẻo nhưng lại sắp hết dư địa. Tôi nghĩ rằng cần có nhiều gói kích thích hơn". Theo ông, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) nên cho các ngân hàng thương mại vay ở mức lãi suất thấp hơn để hỗ trợ các sáng kiến của chính phủ hoặc thậm chí PBOC trực tiếp mua trái phiếu chính phủ.

Ngoài ra, thời tiết cũng là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Nước này đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và lũ lụt trong những tuần gần đây, khiến việc xây dựng phải ngừng lại.

Tiêu dùng và đầu tư tư nhân

Tiêu dùng là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hầu hết thập kỷ qua, vì vậy điều quan trọng là các hộ gia đình phải chi tiêu nhiều hơn. Đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân cũng thường lớn hơn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vì vậy, niềm tin của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.

"Điều quan trọng là phải xem liệu nhu cầu nội địa của Trung Quốc, đặc biệt là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, có thể hồi phục đủ để dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể hay không", Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings cho biết.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc ra sao trong nửa cuối năm nay? - 4

Tiêu dùng là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong hầu hết thập kỷ qua (Ảnh: China Daily).

Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp kỷ lục. Một khảo sát của PBOC trong quý II cho thấy kỳ vọng việc làm của các hộ gia đình ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, trong khi tỷ lệ hộ gia đình có ý định tiết kiệm tăng lên 58% so với mức 46% trước đại dịch.

"Mặc dù kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ trở lại bình thường hơn trong nửa cuối năm do chính sách ngăn chặn Covid-19 nới lỏng hơn, tốc độ hồi phục kinh tế cũng không khả quan hơn", các nhà kinh tế Standard Chartered cho biết.

Một thước đo tâm lý trong khu vực tư nhân của trường kinh doanh Cheung Kong (Trung Quốc) cũng đang gần ở mức thấp kỷ lục. Lo ngại suy thoái ở các nền kinh tế lớn cũng khiến xuất khẩu chậm lại, làm suy yếu hơn triển vọng của các công ty tư nhân.

Vì vậy, khi mục tiêu tăng trưởng ra ngoài tầm với, các nhà kinh tế cho rằng các quan chức Trung Quốc sẽ tập trung vào việc hạn chế sự thất thoát.

"Tôi sẽ xem xét kỹ tình hình việc làm trong nửa cuối năm nay vì kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ chuyển ưu tiên từ mục tiêu tăng GDP sang mục tiêu việc làm trong vài tháng tới", nhà kinh tế trưởng tại NatWest Group cho biết.

Theo Bloomberg