(Dân trí) - Và dù ở Bắc hay Nam, khi nền kinh tế đang dần phục hồi, thì vui nhất, ngoài người lao động, còn là chủ doanh nghiệp…
Và dù ở Bắc hay Nam, khi nền kinh tế đang dần phục hồi, thì vui nhất, ngoài người lao động, còn là chủ doanh nghiệp…
Cũng hoạt động trong ngành may mặc, Giám đốc Công ty Dony Phạm Quang Anh cùng nhân sự của mình đang làm việc hết tốc lực để có thể giao hàng kịp tiến độ cho đối tác. "Số đơn hàng bây giờ hơn cả trước dịch rồi, hai tháng đầu sau Tết có thiếu hụt nhân sự nhưng giờ mọi thứ đều đâu vào đấy cả", ông hồ hởi.
Mới hơn 6 tháng trước, vào thời điểm TPHCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất, công ty của ông chỉ còn khoảng 20% công nhân làm việc, sản xuất cầm chừng. Những ngày đó, ông tìm đủ mọi cách để công ty vẫn có thể duy trì hoạt động, xin đối tác thông cảm cho giao hàng trễ, chấp nhận xuất hàng bằng máy bay thay vì tàu biển, chịu lỗ để hoạt động. Đầu tháng 10, khi TPHCM mở cửa trở lại, dù vui mừng nhưng ông chủ công ty may vẫn nơm nớp lo tình trạng mở rồi lại đóng tái diễn.
Nhưng nỗi lo ban đầu của ông Quang Anh cũng như nhiều chủ doanh nghiệp khác cuối cùng đã không xảy ra. TPHCM cùng cả nước từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch từ cuối năm 2021 đến nay, khôi phục dần các hoạt động kinh tế, xã hội.
Những ngày này, dù vẫn còn nhiều thách thức như giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, xuất khẩu, đều tăng, ông Quang Anh vẫn vui vẻ: "Phải chạy thôi, giá lên vẫn lên, mình làm vẫn làm".
Chỉ sau hơn 10 phút tiếp khách tại quán cà phê cũng là văn phòng đại diện công ty tại quận 3, TPHCM, ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng giám đốc thương hiệu Napoli Coffee, liền vội rời đi để kịp ký hợp đồng với các đối tác nhượng quyền mô hình cửa hàng cà phê (F&B). Hàng ngày, ông chủ này đều nhận nhiều cuộc gọi, trực tiếp gặp những người muốn nhận nhượng quyền thương hiệu của mình.
Hơn nửa năm trước, ông Hưng tham dự một cuộc đối thoại của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM về giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch với nét mặt căng thẳng. Thời điểm đó, phần lớn cửa hàng trong hệ thống hơn 3.000 điểm bán của Napoli đã phải đóng cửa nhiều tháng. Cả công ty của ông Hưng cũng như các đối tác nhượng quyền phải gồng mình để tồn tại. Mảng xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.
Giờ đây, các cửa hàng cà phê, quán ăn, nhà hàng tại TPHCM đều đã sôi động trở lại khi người tiêu dùng quay lại nhịp sống bình thường trước đây. Ông Hưng cũng như nhiều doanh nhân trong ngành F&B lại tất bật với những kế hoạch khai trương nhiều địa điểm mới.
"Dịch được kiểm soát, sản xuất vẫn được duy trì, cơ bản mọi quy định về phòng chống dịch đều vẫn thực hiện như cũ, chỉ khác một điều là tâm lý "anh chị em" đã bớt lo lắng, sợ hãi, thay vào đó tâm lý chấn chấn hơn rất nhiều", ông Vũ Thanh Tùng - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam tại Bắc Giang nói.
Năm ngoái, khi dịch lần thứ 4 bùng phát xảy ra nghiêm trọng ở Bắc Giang, công ty này đã phải dừng sản xuất khoảng 2 tuần đầu tháng 5. Sau đó, công ty chuyển sang duy trì "3 tại chỗ". Thời điểm đó, công suất chỉ khoảng 30-80%, rất nhiều khó khăn, có một số lao động nghỉ dịch rồi không quay trở lại.
Đợt dịch đầu năm 2022, công ty này cũng có nhiều người lao động phải nghỉ để chữa trị, nhưng đến nay đã hoạt động bình thường trở lại, công suất khoảng 90%. Do đơn hàng có xu hướng tăng trở lại từ cuối 2021 đến đầu năm nay, công ty anh mỗi tháng đều tuyển thêm khoảng 20—30 nhân sự mới. Đồng thời công ty cũng đang lên kế hoạch để mở rộng sản xuất, đáp ứng cho sự phát triển, phục hồi sau đại dịch.
"Mọi thứ có vẻ như lạc quan hơn nhiều rồi", ông Tùng hồ hởi nói.
Chương 3: Chiến lược xoay chuyển tình thế và bài toán phục hồi "không từ phòng máy lạnh"
Nội dung: Nguyễn Mạnh - Việt Đức
Ảnh: Ip Thiên - Hữu Khoa - Hoàng Giám
Thiết kế: Khương Hiền