(Dân trí) - Rồi cũng đến ngày, tắc đường trở thành niềm vui với không ít người...
Rồi cũng đến ngày, tắc đường trở thành niềm vui với không ít người...
Chỉ mới hơn 16h một ngày tháng 3, đoạn đường khu vực Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đã chen chúc người và xe. Dù phải nhích từng mét một nhưng không khó nhận ra đó là hình ảnh mà không ít người mong chờ sau những đợt giãn cách của 2 năm Covid-19. Với không ít người, đó là dấu hiệu của sự "hồi sinh".
Cách đó chưa lâu, Hà Nội nhiều ngày vắng như kỳ nghỉ Tết do trải qua đợt dịch cao điểm. Doanh nghiệp than "khủng hoảng" nhân sự vì tới một nửa nghỉ điều trị Covid-19 hoặc F1. Không ít văn phòng vắng nhân viên. Nhưng bây giờ thì Hà Nội đông đúc trở lại, quán xá tấp nập hơn, người lao động trở lại công sở. Nhịp sống bình thường đã trở lại.
"Sự nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng mà chính là cách giải quyết theo tư duy lối mòn", Peter Drucker - chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới về quản trị, từng nói.
Nó giống như câu chuyện chúng ta không còn quá hoang mang với con số hàng chục nghìn ca nhiễm mới khi mà tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đã thuộc nhóm đầu thế giới. Các loại vaccine, thuốc điều trị đều được đẩy mạnh nhập khẩu và nghiên cứu. Lúc đầu do Covid-19 là đại dịch chưa có tiền lệ, nhưng cách Việt Nam giải quyết tác động khủng hoảng có vẻ không hề theo "tư duy lối mòn", theo góc nhìn của nhiều chuyên gia.
Trong khi đó, khảo sát nhanh của Dân trí đối với nhiều CEO doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp có niềm tin là giữa năm nay, Covid-19 sẽ không còn là đại dịch, mà sẽ là một căn bệnh đặc hữu theo đúng hướng Chính phủ đề ra.
GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nhìn nhận, việc thúc đẩy chiến lược tiêm vaccine đã giúp Việt Nam có tiền đề để phục hồi. Việt Nam đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, thuộc nhóm 6 nước hàng đầu thế giới. Nếu không có chiến lược tiêm vaccine hợp lý, đặc biệt là hoạt động ngoại giao vaccine đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, thì Việt Nam đã khó "xoay chuyển tình thế" nhanh đến vậy.
Còn nhớ thời điểm đầu năm ngoái, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số.
Trên một bài báo được Cổng thông tin Chính phủ đăng tải ngay ngày đầu tiên của năm 2022 viết: "Trong bối cảnh trong nước chưa sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, yêu cầu phòng, chống dịch rất cấp bách trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, ngoại giao vaccine trở thành "ánh sáng cuối đường hầm"…
Quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đem đến "quả ngọt" khi hàng trăm triệu liều vaccine được chuyển về Việt Nam trong vòng hơn 4 tháng qua".
Và theo đó, thành công của chiến lược vaccine là một yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn "bình thường mới".
Ông Võ Đại Lược cho rằng nền kinh tế hiện nay dù vẫn đang còn nhiều khó khăn, tác động của Covid-19 còn dai dẳng nhưng nếu nhìn nhận với thời điểm năm ngoái thì kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc rõ nét hơn nhiều trên cơ sở các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tháng 10/2021, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được ban hành trong sự mong ngóng của cả người dân, doanh nghiệp. Việc chuyển trạng thái từ "zero Covid-19" sang "thích ứng an toàn" với dịch bệnh được ông Lược ví như "con đường không thể khác" để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
PGS.TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên cao cấp Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore - cũng cho rằng trong bối cảnh Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Tuy nhiên, về cơ bản, nền kinh tế hiện vẫn chưa khai thác được hết, tiềm năng còn rất lớn.
Theo ông Khương, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt phục hồi, phát triển cực kỳ quan trọng. "Sau hơn 2 năm Covid-19, Việt Nam đã thể hiện là dân tộc có bản lĩnh, lãnh đạo đất nước thể hiện ý chí, từng bước giải quyết khó khăn", ông Khương nhấn mạnh.
Vậy còn giai đoạn phục hồi, phát triển 3 năm tới (2022-2025) sẽ ra sao, làm thế nào để nắm bắt những cơ hội trong bối cảnh hiện nay? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS. Vũ Minh Khương nhiều lần nhấn mạnh tới cụm từ "tự chủ, tự lực, tự cường". Đây là sự lựa chọn chiến lược để hồi phục sau đại dịch, đưa Việt Nam tới hùng cường, ông Khương nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên cần có những cải cách căn bản và quyết liệt hơn nữa. Vấn đề tự lực tự cường lại càng trở nên đặc biệt quan trọng trong thời điểm này thế giới đang nhiều biến động, những hiện tượng "thiên nga đen" như Covid-19, xung đột Nga - Ukraine xuất hiện…
Tuy nhiên, nền kinh tế không chỉ lo sợ hiện tượng "thiên nga đen" trong quá trình phục hồi phát triển mà theo ông Khương, còn phải xử lý được cả những vấn đề "con voi đen". "Con voi đen" ở đây là những vấn đề tồn tại cần phải giải quyết như tham nhũng, tiêu cực hay sự yếu kém từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)…
Chuyên gia Vũ Minh Khương lưu ý 3 yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi gắn với "tự chủ, tự lực, tự cường" hiện nay. Cụ thể, trước hết, đó là sự đoàn kết dân tộc, đổi mới thể chế, kiến tạo giá trị mới thay thế mô hình tăng trưởng cũ đang mất dần giá trị. Thứ 2 là không thể chỉ dựa vào nền tảng cũ, bài học quá khứ để phát triển mà phải tiếp thu tinh hoa, công nghệ mới nhân loại, nắm bắt xu thế thời đại, thân thiện với thiên nhiên, đi đầu về chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, theo ông Khương, đó là cần "căng mắt" để học hỏi, nắm bắt công nghệ, những gì hay nhất từ quốc tế nên được tham khảo. "Xem thế giới họ đang làm thế nào chứ không phải ta cứ nhất nhất theo ý mình. Từ cải cách thể chế, cải cách DNNN, phát triển cơ sở hạ tầng... chúng ta đều có thể học hỏi thế giới thay vì những quyết sách chỉ dựa vào những văn bản soạn thảo trong phòng máy lạnh", ông Khương nhấn mạnh.
Chương 4: Trông chờ vào hiệu ứng của những gói hỗ trợ
Nội dung: Nguyễn Mạnh - Việt Đức
Ảnh: Hữu Khoa - Hoàng Giám - Ip Thiên
Thiết kế: Khương Hiền