PhotoStory

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế "làm nóng" nghị trường Quốc hội

Thực hiện: Thiết kế: Ngọc Diệp - Văn Hưng

(Dân trí) - Có buộc phải hoàn thành tăng trưởng bằng mọi giá?, Tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng, sao không dùng việc khác?... là những câu hỏi làm "nóng" phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 31/5 và 1/6.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 1

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn), thông thường, một bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dày 70-100 trang, là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà thua thiệt sẽ chủ yếu thuộc về người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm. Ngay cả những chuyên gia tài chính, pháp luật không chuyên về bảo hiểm cũng gặp khó trong việc tiếp cận. Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu khoảng 70% hợp đồng.

Hơn thế nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thời gian gần đây thường có dạng liên kết đầu tư, tức là một phần tiền khách hàng được đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu, cho nên càng phức tạp.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 2

"Nếu buộc phải có sự cân nhắc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra của năm 2023 (GDP tăng trưởng 6,5%) so với việc chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao trong trung và dài hạn, tôi tin rằng cử tri và nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai", đại biểu Đặng Xuân Phương (tỉnh Nghệ An) chia sẻ.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 3

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) lấy ví dụ về tình hình kiệt sức của các doanh nghiệp thủy sản. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.

Đại biểu cho biết không chỉ doanh nghiệp thủy sản mà doanh nghiệp ngành khác cũng trong tình trạng tương tự do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên trường quốc tế gia tăng. Họ buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên làm ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 4

"Các nước phát triển khác người ta có hàng trăm hệ thống pháp luật đã hoàn thiện. Chúng ta bây giờ mới làm, đang trong quá trình chuyển đổi thì việc có thể có vấn đề này vấn đề kia, mâu thuẫn chồng chéo hay xung đột hay chưa đồng bộ, chưa đầy đủ là bình thường. Cái quan trọng là chúng ta phải phát hiện kịp thời và kịp thời điều chỉnh, kịp thời bổ sung sao cho phù hợp với thực tiễn", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 5

Tranh luận tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng nên linh hoạt hơn 1 triệu tỷ đồng nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ. Cụ thể, cần linh hoạt trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế.

"Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", ông Đồng nói.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 6

Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân quỹ tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng. Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.

"Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc nói.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng không thể nói tăng trưởng tín dụng thấp do chính sách bởi thanh khoản tiền được duy trì dồi dào, thậm chí dư thừa. Nguyên nhân còn do phía doanh nghiệp không có đơn hàng.

Bà nói thêm, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn sau dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn cũng không tiếp cận được vốn, do đó cần có các giải pháp để cải thiện điều kiện vay vốn, có thể thông qua các chính sách như là bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 8

Trước ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập đến câu chuyện ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay nếu không có thế chấp, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng nước ta hiện có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ khoa học…

"Nhưng hiện nay các quỹ này không phát huy tác dụng. Đấy là lãng phí", ông Thân nói.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 9

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, muốn phát huy hiệu quả năng lượng tái tạo thì cần có nguồn điện ổn định, phải có khả năng phát điện liên tục mà bù đắp khi không có cái nắng, cái gió thì phải có cái đó để mà chen vào. "Cái đó", theo hàm ý trong câu nói của tư lệnh ngành Công Thương, chính là "khả năng phát điện liên tục để bù đắp" khi không có nắng, gió.

Ở Việt Nam, điện than, điện dầu, điện khí sinh khối, thủy điện được xem là điện nền. Dù đắt hơn khi giá nhiên liệu đầu vào cao, phát thải carbon nhiều hơn, nhưng khi chưa có nguồn hoặc giải pháp thay thế, các nguồn này vẫn được huy động để đảm bảo an toàn hệ thống.

Những phát ngôn ấn tượng về kinh tế làm nóng nghị trường Quốc hội - 10

Đại biểu Trần Chí Cường (tỉnh Đà Nẵng) đề nghị nới thời gian giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2024. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cũng cho rằng giảm 2% thuế VAT đến hết 2023 là "quá ngắn". Bà đề nghị kéo dài tới hết năm 2025, hoặc ít nhất đến hết 2024. Hay đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP Hà Nội) cũng đề nghị giảm cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ và nên giảm đến hết năm 2024.

Tuy nhiên, giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án trình của Chính phủ về đối tượng, thời gian kéo dài 6 tháng đã được Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.