PhotoStory

Những phát ngôn làm "nóng" các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua

Thực hiện: Trần Kháng

(Dân trí) - Tuần qua (22/5-28/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án sửa đổi các luật: Luật Giá, Luật Đấu thầu và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều đại biểu tham gia góp ý ấn tượng.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 1

Tại phiên thảo luận về Luật Giá sửa đổi chiều 23/5, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, việc không quy định giá trần, giá sàn không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá rẻ nhằm khuyến khích kích cầu cũng như khuyến khích khách hàng tham gia giao thông ở lĩnh vực đường hàng không.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 2

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) thì cho rằng, nên bổ sung giá điện vào phụ lục số 1 về danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá.

"Bởi vì, đây là thứ hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Thực tiễn thời gian qua cho thấy loại hàng hóa này thay đổi thường xuyên theo xu hướng, chỉ có tăng mà không có giảm, tuy nhiên việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng", ông nói. 

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 3

"Theo tôi, sữa cho người cao tuổi không phải là một mặt hàng thiết yếu, chúng ta cũng chưa có quy định đó, cho nên tập trung vào những mặt hàng gì thực sự thiết yếu và làm cho tốt để bình ổn này thực sự có ý nghĩa hơn là lâu lâu chúng ta nhớ ra một mặt hàng rồi đưa vào thì rất khó mà không có cơ sở gì và cũng sẽ gây rất nhiều những ảnh hưởng cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, đặc biệt là trong tình trạng khó khăn như hiện nay", là quan điểm của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) tại phiên thảo luận về Luật Giá sửa đổi chiều 23/5. 

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 4

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) nói: Năm 2022, GDP của Pháp là 3.128 tỷ USD. Số chi ngân sách hỗ trợ các công ty điện là 49 tỷ USD để họ không tăng giá điện nhiều khi chi đầu vào lại tăng mạnh, tức là Chính phủ Pháp chi hỗ trợ bằng 1,5% GDP. Cuối năm 2024, lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo khoảng 128.000 tỷ đồng, bằng 1,4% GDP của Việt Nam.

Như vậy, tình thế của các doanh nghiệp điện ở Pháp và Việt Nam rất tương đồng. Năm 2022, tổng vốn đầu tư công không được sử dụng là gần 130.000 tỷ đồng. Nếu sử dụng phần ngân sách này đã được Quốc hội phê duyệt nhưng không được sử dụng để cắt lỗ do phương pháp điều tiết giá của Nhà nước gây ra thì Tập đoàn Điện lực sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

"Vì vậy, tôi thiết tha đề nghị bổ sung một nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật Giá 2023 là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn nhà nước lớn nhất Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất ngành điện năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phải phát triển bền vững và là doanh nghiệp nòng cốt cho thực hiện Quy hoạch điện 8 Chính phủ mới ban hành", ông chia sẻ.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 5

Sáng 24/5, tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cho rằng hiện nay, điểm hạn chế lớn nhất của cơ chế mua sắm tập trung là mất nhiều thời gian phải chờ đợi, vì mua sắm tập trung thường làm theo đợt được tổng hợp từ nhiều cơ quan, đơn vị, do đó nếu mua thuốc hiếm, có số lượng ít mà thực hiện mua sắm tập trung là không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.

Việc giao cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu thực hiện cả kiểm tra, cả giám sát, theo dõi vừa chồng chéo, vừa trùng lặp, không cần thiết. Ông đề nghị chỉnh lý theo hướng phân tách rõ ràng nhiệm vụ kiểm tra hoạt động đấu thầu là cơ quan quản lý Nhà nước, còn nhiệm vụ giám sát, theo dõi là nhiệm vụ của người có thẩm quyền.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 6

Còn khi thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi sáng 26/5, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nói: Nhiều người tiêu dùng họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế. Tuy nhiên, không chỉ có bản thân họ là khách hàng mà còn nhiều người khách khác cũng là khách hàng, người khác cũng cần được mua hàng hóa sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo các quyền lợi khác.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 7

Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông), ngày nay, nhờ sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ công nghiệp cao mà người tiêu dùng được thụ hưởng nhiều loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tiện lợi.

Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một bộ phận chủ thể kinh doanh, kinh doanh trá hình các loại hàng giả, kém chất lượng, thậm chí gây ra nguy hại cho sức khỏe, tính mạng và tinh thần của người tiêu dùng đã và đang hằng giờ, hằng ngày rình rập, bao vây người tiêu dùng trong không gian mạng.

Những phát ngôn làm nóng các phiên thảo luận Quốc hội tuần qua - 8

Đại biểu Tô Văn Tám khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi cho rằng, trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một trong những vấn đề quan trọng là người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.

Trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch hay tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thậm chí còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu, sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ.

Giữa những bủa vây của thông tin giả như vậy thì người tiêu dùng khó phân biệt được, nhiều người tiền mất, tật mang vì những thông tin sai lệch, mạo danh như thế. Mặc dù dự thảo luật có quy định quyền, nghĩa vụ người tiêu dùng, trong đó có việc phải kiểm tra, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tiêu dùng bền vững, nhưng khi đứng trước thực trạng thông tin đấy, người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu và đặt câu hỏi: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?