1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội: Có nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá?

Mộc An

(Dân trí) - Đại biểu kiến nghị hàng loạt giải pháp đề hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Một ý kiến cho rằng nên cân nhắc bằng mọi giá phải hoàn thành tăng trưởng với việc chấp nhận tăng thấp nhưng đổi lấy sự bền vững.

Có buộc phải hoàn thành tăng trưởng bằng mọi giá?

Phát biểu lại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) cho biết hiện nay tổng cầu thế giới giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng.

Điều đáng ngại của các nước đang phát triển như Việt Nam không chỉ các đơn hàng phi thiết yếu như dịch vụ du lịch giảm mạnh mà ngay cả lượng đơn hàng thiết yếu như giày dép, quần áo, nông sản chất lượng cao cũng giảm theo. Ông lấy dẫn chứng số liệu cho thấy khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đối mặt lúc này là đơn hàng chiếm 59,2%, sau đó mới là tiếp cận vốn vay chiếm 51,1%. Những khó khăn về thủ tục hành chính đáp ứng các quy định pháp luật chiếm 43,5%.

"Liệu các giải pháp như tăng quy mô tín dụng, giảm lãi suất ngân hàng nhất là đối với doanh nghiệp bất động sản, xuất nhập khẩu có thể giải quyết được căn cơ vấn đề đầu ra cho hàng hóa dịch vụ nước ta lúc này hay không?", ông đặt câu hỏi. 

Đại biểu cho rằng công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô của Chính phủ cần kiên trì quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại hiệu quả đầu tư nhất là đầu tư công, cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các thị trường nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường bất động sản. Nội bộ từng ngành cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đại biểu Quốc hội: Có nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá? - 1

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (đoàn Nghệ An) (Ảnh: Quochoi.vn).

"Nếu buộc phải có sự cân nhắc bằng mọi giá hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng như đã đề ra của năm 2023 (GDP tăng trưởng 6,5%) so với việc chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn để đổi lấy sự phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao trong trung và dài hạn, tôi tin rằng cử tri và nhân dân cả nước sẽ ủng hộ điều tốt đẹp hơn trong tương lai", đại biểu chia sẻ.

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành linh hoạt hơn

Trong phần thảo luận, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. "Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với vốn vay, vậy nguyên nhân từ đâu?", đại biểu đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, hiện nay, hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế trong khi hệ thống ngân hàng huy động 88% tiền gửi với kỳ hạn 12 tháng trở xuống nhưng vẫn phải đáp ứng trên 52% dư nợ tín dụng của cả hệ thống là trung hạn và dài hạn nên tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời do mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng buộc các ngân hàng trên thế giới triển khai lộ trình thắt chặt tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức độ cao.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay do không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu, ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.

Đại biểu Quốc hội: Có nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá? - 2

Đại biểu Tô Ái Vang đề xuất giải pháp cho câu chuyện doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu đưa ra 2 đề xuất về giải pháp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng hệ số an toàn kèm theo đã giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro mà không phụ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở đặt ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột làm cho doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc trong sản xuất kinh doanh.

Thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt đa dạng nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động hiệu quả và dòng tiền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ triển khai hiệu quả chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn.

Dùng công cụ tài khóa hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế vĩ mô nước ta vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ tín dụng ngoại tệ cơ bản ổn định, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên họp giao ban, thành lập các đoàn kiểm tra việc tổ chức các chương trình quan trọng của quốc gia. Chính phủ cũng ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.

Đại biểu Quốc hội: Có nên tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá? - 3

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, những khó khăn, yếu tố bất lợi xuất hiện những tháng đầu năm 2023 tác động đến mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu của năm. Hiện tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm. Thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp nhất là với các nước lớn.

Theo đại biểu, hiện nay nguồn lực và sức chịu đựng của doanh nghiệp suy giảm nhiều. Điều này thể hiện rõ qua số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm tăng 25,1% tương ứng với gần 77.000 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản trong khi chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn hẹp.

Đại biểu đề nghị sớm rà soát toàn diện về sự hiệu quả của các chính sách hỗ trợ ưu đãi đang được triển khai để có biện pháp thay đổi kịp thời.

"Biện pháp nhanh nhất hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm, giãn miễn lãi suất miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội", đại biểu kiến nghị.