DBiz

Những đại gia "ôm" cả núi tiền đi gửi ngân hàng, mặc kệ lãi suất thấp

Mai Chi
Những đại gia "ôm" cả núi tiền đi gửi ngân hàng, mặc kệ lãi suất thấp

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023 ước đạt 13,6 triệu tỷ đồng, là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân đến từ việc lãi suất tiền gửi xuống thấp.

Tại thời điểm tháng 4, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9-2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8-5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6-6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Gần đây, lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng nhưng mức lãi suất nhìn chung vẫn thấp so với năm 2023. 

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn dành một lượng tiền mặt lớn luôn sẵn sàng tại ngân hàng, trong đó có những khoản tiền gửi không kỳ hạn và có cả gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 1 năm dưới hình thức đầu tư tài chính.

"Vua tiền mặt" PV GAS (Mã chứng khoán: GAS)

Vốn có truyền thống "trữ" tiền mặt lớn, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS- mã chứng khoán: GAS) hiện tại vẫn là "ông vua" tiền mặt trên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo tài chính, tại ngày 30/6, doanh nghiệp có 7.555,3 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 1.886,4 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo thuyết minh, công ty này có 2.198,6 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn thời điểm cuối quý II, tăng mạnh 1.050 tỷ đồng sau 6 tháng. Các khoản tương đương tiền đạt 5.080,1 tỷ đồng, tăng 567,6 tỷ đồng, thể hiện tiền gửi tại các ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng.

Giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 36.364,3 tỷ đồng, tăng gần 1.280 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được PV GAS gửi tại các ngân hàng có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng.

Mặc dù so với đầu năm, số dư các khoản tiền gửi đều tăng, tuy vậy, lãi tiền gửi, tiền cho vay giai đoạn nửa đầu năm 2024 lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi tiền gửi, tiền cho vay trong 6 tháng năm nay đạt 830,7 tỷ đồng, bằng 80,4% so với 6 tháng năm 2023.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã chứng khoán: VEA)

Theo báo cáo tài chính quý II/2024 của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP, tại thời điểm cuối tháng 6, tổng tiền và các khoản tương đương tiền của VEAM đạt 101,2 tỷ đồng, giảm so với mức 142,75 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng ghi nhận là 264 tỷ đồng, tăng khoảng 42 tỷ đồng so với đầu năm.

Đáng chú ý, VEAM có đến 16.447,4 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng trong nước, tăng 3.560 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là 1.751,2 tỷ đồng (tăng 662 tỷ đồng so với đầu năm); tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 2.011,4 tỷ đồng (tăng 80,5 tỷ đồng).

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là đơn vị hút rất mạnh lượng tiền gửi tiết kiệm từ "ông lớn" ngành ô tô này khi mà số tiền VEAM gửi tại BIDV lên tới 9.272,5 tỷ đồng, tăng mạnh 3.801,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của VEAM tại các ngân hàng khác lại  giảm hơn 984 tỷ đồng so với đầu năm, còn 3.412,2 tỷ đồng.

Với lượng tiền đầu tư vào kênh tiết kiệm ở mức cao nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính của VEAM trong nửa đầu năm nay lại giảm mạnh 19,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt  442,2 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đang sở hữu 88,47% vốn điều lệ của VEAM.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã chứng khoán: ACV)

"Ông lớn" ngành hàng không cũng là đơn vị thường xuyên nằm trong danh sách những doanh nghiệp có khối tiền mặt lớn.

Theo báo cáo tài chính quý II do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cung cấp, tại thời điểm 30/6, tổng công ty này có 3.186,4 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 343,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của ACV lên tới 3.181,9 tỷ đồng, tăng mạnh 843,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ACV còn có 23.122 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn - đều là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - một con số rất lớn dù đã giảm đáng kể so với đầu năm.

So với thời điểm đầu năm nay, giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của ACV giảm 2.668 tỷ đồng. Công ty cho biết, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở đây là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 1 năm.

Trong quý II, lãi tiền gửi của ACV đạt 285,7 tỷ đồng, chỉ bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế nửa đầu năm nay, tổng công ty thu về 629,8 tỷ đồng lãi tiền gửi, bằng 76,3% nửa đầu năm ngoái.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã chứng khoán: HPG)

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long khép lại nửa đầu năm với số dư tiền và các khoản tương đương tiền đạt 13.032 tỷ đồng, tăng 780 tỷ đồng so với thời điểm 1/1. Trong đó, giá trị tiền là 5.550,3 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 7.481,7 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, công ty có 5.537,1 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 1.775,2 tỷ đồng sau 6 tháng.

Ngoài ra, "vua thép" còn 15.314,7 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, toàn bộ là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn). Con số này giảm mạnh 31% so với đầu năm.

Trong quý II năm nay, tập đoàn thu về 645,1 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, trong đó, riêng lãi tiền gửi, tiền cho vay là 287,2 tỷ đồng. So với quý II/2023, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Hòa Phát kỳ vừa rồi giảm xấp xỉ 50%.

Những đại gia ôm cả núi tiền đi gửi ngân hàng, mặc kệ lãi suất thấp - 1

Lãi suất về vùng đáy trong nửa đầu năm nay (Ảnh: Tiến Tuấn).

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR)

Theo số liệu tại bảng cân đối kế toán hợp nhất quý II của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), mặc dù tài sản ngắn hạn ở thời điểm 30/6 giảm nhẹ so với đầu năm, đạt 68.566,8 tỷ đồng, nhưng tiền và các khoản tương đương tiền lại tăng mạnh 9.141,6 tỷ đồng (tương ứng tăng gần 54%) lên 26.142,2 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản tương đương tiền lên tới 25.704 tỷ đồng, tăng 57,4%, phản ánh các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại.

Tại ngày 30/6, các khoản tương đương tiền bao gồm tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng tại NHTM TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) - Chi nhánh Quảng Ngãi là 2.734,7 tỷ đồng đang tạm dừng giao dịch. Ban Tổng giám đốc PV GAS đánh giá khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có những quy định cụ thể của NHNN.

Giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn là 13.822,3 tỷ đồng, toàn bộ là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Con số này giảm 34,6% so với đầu năm.

Theo công ty, tại ngày 30/6, số dư đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn phản ánh khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc lớn hơn 3 tháng và không quá 12 tháng tại các ngân hàng thương mại, trong đó bao gồm 2 tỷ tiền gửi tại Oceanbank - Chi nhánh Quảng Ngãi đang tạm dừng giao dịch. Tương tự, khoản này được đánh giá sẽ giao dịch trở lại trong tương lai.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã chứng khoán: PLX)

Lượng tiền mặt của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng rất đáng gờm. Tại ngày 30/6, Petrolimex có 15.562,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 1.514 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, các khoản tương đương tiền là 8.371,6 tỷ đồng, tăng mạnh 2.427 tỷ đồng. Trong số này, "ông lớn" xăng dầu gửi ngân hàng không kỳ hạn 6.255,8 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 32% so với thời điểm 1/1 nhưng vẫn ở mức cao, đạt 11.204,8 tỷ đồng. Trong số này có chứng khoán kinh doanh, phải dự phòng, nhưng tỷ trọng không lớn, chủ yếu là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn với số tiền 11.200,1 tỷ đồng, giảm 5.290,8 tỷ đồng sau nửa năm.

Trong số tiền đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn nói trên, tiền gửi có kỳ hạn ở mức 8.000 tỷ đồng còn 3.200 tỷ đồng nằm tại trái phiếu. Ngoài ra, Petrolimex còn gửi dài hạn tại các ngân hàng một lượng tiền lớn 575,8 tỷ đồng.

Theo đó, lãi tiền gửi, tiền cho vay trong nửa đầu năm nay của Petrolimex đạt 511,4 tỷ đồng, bằng 96,8% cùng kỳ.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã chứng khoán: DGC)

Khoản tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6 trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã giảm mạnh so với đầu năm, chỉ còn 474 tỷ đồng, tương ứng giảm 55,3%.

Trong đó, tiền gửi ngân hàng là 165,1 tỷ đồng (tăng 3,6 lần) và các khoản tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng) là 298,5 tỷ đồng, giảm mạnh 70,5%.

Đồng thời, công ty lại tăng 4,5% giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng) lên 9.765,1 tỷ đồng.

Theo đó, nửa đầu năm nay, Hóa chất Đức Giang thu về 266,2 tỷ đồng lãi tiền gửi có kỳ hạn, bằng 90% con số của cùng kỳ năm 2023.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã chứng khoán: DCM)

Thêm một "ông lớn" trong ngành phân bón đang "ôm" bộn tiền mặt là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).

Dữ liệu báo cáo tài chính thể hiện, tại ngày 30/6, doanh nghiệp này sở hữu lượng tiền và tương đương tiền đạt 3.975,1 tỷ đồng, tăng 1.690,7 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền mặt  lên tới 3.435,1 tỷ đồng (3.433,8 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và 540 tỷ đồng gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng).

Công ty này còn 6.652 tỷ đồng giá trị đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, giảm 1.590 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Các khoản này đều là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong nửa đầu năm nay, khoản lãi tiền gửi mang về cho Đạm Cà Mau 155,1 tỷ đồng, đóng góp đáng kể trong số 251,1 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính của công ty. Dù vậy, mức lãi tiền gửi đạt được chỉ bằng 62,3% cùng kỳ năm 2023.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã chứng khoán: VNM)

Báo cáo tài chính của Vinamilk cho thấy, trong số 37.332,7 tỷ đồng tài sản ngắn hạn của công ty tại thời điểm 30/6 (tăng 1.397 tỷ đồng so với đầu năm) thì tiền và các khoản tương đương tiền là 1.192,5 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 23.030,9 tỷ đồng.

Trong khi tiền và các khoản tương đương tiền giảm 1.713,5 tỷ đồng thì giá trị các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lại tăng 2.893,6 tỷ đồng so với đầu năm.

Tiền gửi ngân hàng ghi nhận tại hạng mục tiền và các khoản tương đương tiền là 1.017,2 tỷ đồng. Trong đầu tư tài chính, gã khổng lồ ngành sữa dành tới 23.030,5 tỷ đồng để gửi ngân hàng có kỳ hạn (ngắn hạn), tăng 2.893,6 tỷ đồng so với đầu năm và 138,6 tỷ đồng để gửi ngân hàng dài hạn, giảm 11,7 tỷ đồng.

Đóng góp vào 760,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính nửa đầu năm thì lãi tiền gửi đã lên tới 675,3 tỷ đồng. Con số lãi tiền gửi trong kỳ ghi nhận giảm 4,6% so với cùng kỳ 2023.